(Baoquangngai.vn)- Sáng 14/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Ngãi năm 2023.
[links()]
Quảng Ngãi hiện có 93 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 4 xã đang hoàn thiện thủ tục công nhận đạt chuẩn NTM và 9 xã đang hoàn thiện thủ tục công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Ngãi năm 2023, xây dựng huyện Mộ Đức đạt chuẩn NTM; 8 xã đạt chuẩn NTM, gồm: Ba Liên, Ba Điền và Ba Vì (Ba Tơ); Trà Tân và Trà Giang (Trà Bồng); Sơn Kỳ, Sơn Trung (Sơn Hà) và Bình An (Bình Sơn).
Phấn đấu xây dựng 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, gồm: Bình Trung, Bình Thạnh (Bình Sơn); Tịnh Minh, Tịnh Sơn (Sơn Tịnh); Nghĩa Lâm, Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa); Hành Tín Đông, Hành Thịnh, Hành Thuận (Nghĩa Hành); Đức Thạnh, Đức Minh (Mộ Đức); Phổ Thuận (TX.Đức Phổ); Tịnh Khê, Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. |
Xây dựng 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là Bình Dương và Bình Trị (Bình Sơn) và 31 thôn đạt chuẩn NTM áp dụng trên địa bàn các xã miền núi. Cụ thể, huyện Ba Tơ có 6 thôn, huyện Minh Long có 2 thôn, Sơn Hà có 7 thôn, Sơn Tây có 3 thôn và Trà Bồng có 13 thôn.
Dự kiến tổng nhu cầu vốn năm 2023 là 728,6 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương hơn 132,6 tỷ đồng, vốn đối ứng địa phương trên 267 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 200 tỷ đồng,… Ưu tiên bố trí vốn cho các xã đăng ký đạt chuẩn NTM; các xã, huyện đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền nhấn mạnh, mục tiêu của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn; xây dựng hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa; đảm bảo môi trường cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá lại các tiêu chí theo chuẩn mới; rà soát lại nguồn vốn, có giải pháp tập trung các nguồn lực để đầu tư đạt chuẩn và nâng cao các tiêu chí, đẩy mạnh huy động sự đóng góp từ người dân.
Những vấn đề khó khăn, vướng mắc từ cấp cơ sở cần sớm tháo gỡ để tập trung thực hiện đạt kế hoạch đề ra. Giao cho Sở NN&PTNT phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh xây dựng các mô hình, dự án hỗ trợ gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các địa phương miền núi…
Tin, ảnh:
ÁI KIỀU