Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đặng Ngọc Huy đề xuất giải pháp hỗ trợ chủ "tàu 67"

12:06, 02/06/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Phát biểu trong Phiên thảo luận tại hội trường (Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV), sáng 2/6, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy kiến nghị, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn đối với chủ tàu đóng theo Nghị định 67 và phát triển hoạt động khai thác thủy sản, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ 5 giải pháp lớn.
[links()]
Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 2/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022  và tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. ẢNH: QUỐC HỘI
Tại phiên họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy đã tham gia thảo luận về vấn đề cử tri Quảng Ngãi cũng như cử tri các tỉnh Duyên hải miền Trung quan tâm, liên quan đến việc thực hiện các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ (Nghị định 67).
 
Ngư dân Quảng Ngãi đóng “tàu 67” nợ gần 246 tỷ đồng
 
Theo đại biểu Đặng Ngọc Huy, qua hơn 7 năm triển khai thực hiện, các chủ trương, chính sách của Nghị định 67 đã đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân, được xã hội đồng tình ủng hộ. Mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được, số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng lên, đặc biệt là tàu vỏ thép có công suất lớn, trang bị hiện đại đã làm thay đổi nhận thức, tác phong làm việc của ngư dân theo hướng công nghiệp. Các mô hình tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá được hình thành đã hỗ trợ nhau trong sản xuất và cứu hộ cứu nạn trên biển. Ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, góp phần tích cực vào bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển. 
 
Kết quả đạt được đã góp phần bảo đảm các mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. 
 
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số lượng lớn chủ tàu Nghị định 67 đang gặp khó khăn, bởi vì tàu hoạt động không hiệu quả hoặc nằm bờ. Chủ tàu mất khả năng trả nợ vay, các ngân hàng thương mại phải tiến hành các thủ tục pháp lý để bán tàu, thu hồi nợ vay.
 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy phát biểu tại phiên họp.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy phát biểu tại phiên họp. ẢNH: CẨM BÌNH
Dẫn số liệu tại tỉnh Quảng Ngãi, đại biểu Đặng Ngọc Huy cho biết, toàn tỉnh có 63 chủ tàu tham gia đóng tàu theo Nghị định 67; trong đó có 11 tàu vỏ thép, 51 tàu vỏ gỗ. Hiện nay, có 45 tàu hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả được nợ gốc, lãi theo cam kết với dư nợ 245,9 tỷ đồng; 32/41 tàu phát sinh nợ xấu bị khởi kiện ra tòa để xử lý bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Điều này đã gây ảnh hưởng đến công tác an sinh xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và giảm số lượng tàu cá vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo. 
 
“Cử tri đang rất lo lắng, trăn trở với thực trạng như: Nguồn vốn đầu tư chưa thực sự phát huy hiệu quả; ngư dân thì đối diện với nhiều rủi ro đang hiện hữu, rơi vào tình cảnh nợ nần, bỏ nghề truyền thống mà nhiều thế hệ gia đình họ đã gắn bó. Chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển thủy sản là đúng đắn, nhưng hiệu quả kinh tế đối với ngư dân chưa đạt được như mong muốn trong thực tiễn”, đại biểu Đặng Ngọc Huy nói. 
 
Năm giải pháp lớn để hỗ trợ ngư dân
 
Đại biểu Đặng Ngọc Huy cho rằng, nguyên nhân của khó khăn trên có cả chủ quan lẫn khách quan. Đó là, trong các năm vừa qua, nguồn lợi thủy sản bị khai thác quá mức, tình hình thời tiết và an ninh trên biển không thuận lợi nên các tàu hoạt động ít hiệu quả hơn. Thiết kế và chất lượng hệ thống phục vụ khai thác của một số tàu vỏ thép không bảo đảm, dẫn đến phải sửa chữa khắc phục. 
 
Vốn đầu tư đóng tàu nhất là tàu vỏ thép quá lớn, chi phí cho từng chuyến biển ngày càng tăng, trong khi giá và sản lượng đánh bắt không tăng dẫn đến không đủ chi phí bỏ ra cho từng chuyến biển. Một số chủ tàu không lường được được hết phương án trả nợ cho ngân hàng, chọn nghề khai thác không phù hợp, dẫn đến không hiệu quả. Do vậy, khi không trả lãi đúng hạn, thì chủ tàu sẽ không còn được hưởng lãi suất ưu đãi 1%/năm, mà phải chịu lãi suất thương mại 7%/năm. 
 
Nhiều chủ tàu thiếu bạn thuyền đi biển có tay nghề để đưa tàu vào hoạt động sản xuất. Các cảng cá và khu neo trú bão chưa được đầu tư đảm bảo thuận lợi để tàu về cập bến xuất bán sản phẩm, phát triển hậu cần nghề cá và tránh, trú bão an toàn. Đội tàu hậu cần nghề cá chưa đáp ứng yêu cầu trong việc cung ứng nhiên liệu, nhu yêu phẩm và thu mua hải sản để nâng cao hiệu quả hoạt động đánh bắt xa bờ…
 
Tàu Biển Đông 01 được đóng theo Nghị định 67 của ngư dân Võ Văn Hân, ở xã Bình Châu (Bình Sơn), đã đưa ra bán đấu giá để thu hồi nợ.
Tàu Biển Đông 01 được đóng theo Nghị định 67 của ngư dân Võ Văn Hân, ở xã Bình Châu (Bình Sơn), đã đưa ra bán đấu giá để thu hồi nợ. ẢNH: TL
Theo đại biểu Đặng Ngọc Huy, vấn đề này, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đã tổng hợp chuyển đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 và Bộ NN&PTNT đã có văn bản trả lời là, Bộ đang phối hợp với bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 67. 
 
Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành đã nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân về các vấn đề liên quan và Chính phủ cần có thời gian xem xét, ban hành các chính sách mới phù hợp. Tuy nhiên hiện nay, giá nhiên liệu tăng cao, nguồn lợi thủy sản thì ngày càng cạn kiệt, cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh 2 năm qua đã tác động rất lớn đến hoạt động đánh bắt hải sản. 
 
Do đó, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn đối với chủ tàu Nghị định 67 và tiếp tục phát triển hoạt động khai thác thủy sản, đại biểu Đặng Ngọc Huy đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ hơn các vấn đề sau:
 
Thứ nhất, xem xét nâng thời hạn cho vay để giảm áp lực trả nợ gốc, điều chỉnh cơ cấu lịch trả nợ linh hoạt, hợp lý để tránh phát sinh nợ xấu. Có cơ chế đặc thù với nghề biển gồm: Quy định và phân loại nợ xấu, bảo hiểm thân tàu, cung cấp vốn vay lưu động để trang bị ngư lưới cụ, hỗ trợ và đơn giản hóa điều kiện, thủ tục hỗ trợ chi phí nhiên liệu đánh bắt vùng biển xa và tàu dịch vụ hậu cần thác hải sản xa bờ.
 
Thứ hai, tiếp tục phát triển đồng bộ đội tàu dịch vụ hậu cần đối hoạt động đánh bắt xa bờ để đáp ứng việc cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm, thu mua hải sản cho tàu đánh bắt. Từ đó nâng cao tính chuyên nghiệp, tiết giảm chi phí, tăng thời gian hoạt động đánh bắt hải sản, thực hiện chuỗi liên kết khai thác - tiêu thụ hải sản, nâng cao hiệu quả kinh tế.
 
Thư ba, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ đối với tàu vỏ thép.
 
Thứ tư, quan tâm thực hiện chính sách đầu tư hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão theo Nghị định 67. Trong đó, đối với tỉnh Quảng Ngãi, cần quan tâm hỗ trợ kinh phí nguồn ngân sách trung ương để đầu tư mới dự án Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Sa Cần (cảng cá loại II); đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Sa Huỳnh (cảng cá loại I), cũng như tiếp tục đầu tư nạo vét sông lạch và các cửa biển.
 
Thứ năm, tăng cường đào tạo nghề thuyền viên để tạo nguồn lao động biển ổn định.
 
CẨM BÌNH - HOÀNG ANH

.