(Baoquangngai.vn)-
Sáng 16/3, tại phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực công thương. Đây là hoạt động chất vấn đầu tiên được tổ chức tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệnhiệmkhóa XV.
[links()]
Phiên chất vấn được thực hiện trực tiếp kết hợp kết nối trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cả nước, đồng thời được tường thuật trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam và phát thanh. Dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu phòng Diên Hồng có: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các ĐBQH kiêm nhiệm ở trung ương;…
Dự phiên chất vấn còn có Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-môi trường Trần Hồng Hà,.… Tham dự tại điểm cầu Quảng Ngãi có Phó trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương, cùng các đại biểu Quốc hội của tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc tại phiên chất vấn. |
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, phiên chất vấn lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho thấy, hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, có những chuyển biến tích cực và thực chất, được dư luận và cử tri đồng tình, đánh giá cao.
Đây là hoạt động giám sát trực tiếp và hiệu quả của Quốc hội, góp phần lan tỏa tinh thần đổi mới, linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động giám sát và các hoạt động của Quốc hội nói chung, bám sát thực tiễn và hơi thở của cuộc sống, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức chất vấn đối với hai nhóm vấn đề: Thứ nhất, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của ngành công thương, liên quan trực tiếp đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Thứ hai, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, liên quan trực tiếp đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về các nội dung nêu trên.
Đoàn ĐBQH tỉnh dự phiên chất vấn bằng hình thức trực tuyến. |
Trong phiên chất vấn sáng 16/3, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên theo 3 nhóm vấn đề chính. Cụ thể, tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường; phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; Giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản.
Trả lời chất vấn về tình hình cung ứng xăng dầu thị trường trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, giá xăng dầu thế giới biến động từng ngày theo chiều hướng tăng cao do đứt gãy nguồn cung, biên độ giá tăng từ 40 – 60%. Trong bối cảnh ấy, thị trường trong nước lại gặp khó khăn do liên doanh Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cung ứng từ 35 - 40 sản phẩm xăng dầu trong nước bị giảm đột ngột, từ 100% giảm xuống có lúc chỉ còn 55% và thường xuyên chỉ ở vận hành ở mức 70-80% công suất.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời tại phiên chất vấn sáng 16/3. |
Trước tình hình này, từ đầu năm 2022, Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp chỉ đạo nhập khẩu đủ sản lượng để bù vào thiếu hụt. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, hết Quý I năm 2022 vẫn bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu trong nước. Cụ thể là đến giữa tháng 2 thì cả nước vẫn còn trữ lượng 3 triệu khối xăng dầu, đủ điều kiện đến hết tháng 3. Đặc biệt, về giá, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã điều hành theo đúng quy định của pháp luật, tức là 10 ngày/lần và bám sát giá thế giới.
Về công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, bộ đã ban hành và tham mưu Chính phủ sửa đổi, ban hành nhiều cơ chế, chính sách. Qua đó, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho lực lượng quản lý thị trường và các lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện hàng trăm đợt kiểm tra trước để kiểm tra đột xuất với nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế.
Quang cảnh phiên chất vấn ở đầu cầu phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Internet. |
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tấn công triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả lớn. Nhờ vậy, tình hình vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ở hầu hết các địa bàn nổi cộm, tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể so với trước đây.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu, Bộ Công Thương đã cùng với các bộ, ngành liên quan kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc, trao đổi với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam. Bộ cũng đẩy mạnh giao thiệp với các đối tác phía bạn thông qua nhiều hình thức trực tuyến và công thư để cùng tìm giải pháp để xử lý kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành giải quyết ùn tắc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công thương làm Trưởng ban để phối hợp cho các bộ, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mở lại và duy trì thông quan các cửa khẩu...
Nhờ những biện pháp này, tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc đã từng bước tháo gỡ. Lượng xe chờ xuất khẩu đã giảm đáng kể, nhất là thời điểm cận và ngay sau Tết Nguyên đán.
Tin, ảnh:
T.PHƯƠNG