Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025

06:10, 30/10/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Chiều 29/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã nghe và thảo luận tại Tổ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
[links()]
 
Tham dự phiên họp tại điểm cầu Quảng Ngãi có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; các ĐBQH tỉnh và đại biểu khách mời. 
 
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Bộ trưởng Bộ TN& MT Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
 
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trinh bày Tờ trình
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trinh bày Tờ trình
Tham gia thảo luận tại Tổ về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV của tỉnh Quảng Ngãi thống nhất nội dung kế hoạch cơ cấu lại nền kinh giai đoạn 2021-2025 như Chính phủ trình. Đồng thời, đề nghị kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 phải gắn với 3 nhiệm vụ đột phá và 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm, giai đoạn 2021 – 2025, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. 
 
Từ đó xác định phạm vị, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện đảm bảo có tính hệ thống và thống nhất, sử dụng nguồn lực hiệu quả, không trùng lặp hoặc rời rạc với nhau trong thực hiện chiến lược phát triển đất nước theo Nghị quyết XIII của Đảng. 
 
Về mục tiêu, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương tán thành với ý kiến của một số thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị điều chỉnh mục tiêu đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 ở mức cao hơn 45% để phấn đấu, thúc đẩy cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết là với các nước trong khu vực. Tăng cường mức đóng góp của TFP trong GDP cũng đồng thời góp phần cải thiện chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam. 
 
Các ĐBQH khóa XV của tỉnh tham dự phiên họp tại điểm cầu Quảng Ngãi
Các ĐBQH khóa XV của tỉnh tham dự phiên họp tại điểm cầu Quảng Ngãi
Đồng quan điểm với đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, đại biểu Lương Văn Hùng – Đoàn ĐBQH khóa XV của tỉnh cũng đề nghị, việc cơ cấu lại nền kinh tế phải gắn với việc quán triệt và thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược và 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng.
 
Theo đại biểu Lương Văn Hùng, vấn đề đột phá trong cơ cấu lại nền kinh tế là hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; phát huy vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn làm nhiệm vụ trọng tâm.
 
“Cơ cấu lại nền kinh tế phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được thực hiện đồng bộ, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa Trung ương với địa phương. Phát huy yếu tố con người, giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam, đây là nguồn lực, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững”, đại biểu Lương Văn Hùng nói. 
 
Đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, do tác động lâu dài của dịch Covid-19 làm sự gián đoạn chuỗi cung ứng và chậm trễ trong vận chuyển và sức ép về tài chính nên các doanh nghiệp sẽ không thể bảo đảm sản xuất trong dài hạn; nguy cơ thiếu hụt lao động ảnh hưởng rất lớn đến việc khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp.
 
Do đó, đại biểu Lương Văn Hùng đề xuất cần tập trung hoàn thiện khung pháp lý, khung chính sách(nhằm tạo thuận lợi cho ngành công nghiệp phát huy tiềm năng, vai trò huyết mạch của nền kinh tế; hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp trong nước, tạo cơ hội phát triển các doanh nghiệp đầu tàu, hình thành chuỗi cung ứng, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, để ngành công nghiệp trong nước phát triển bền vững.
 
“Chính phủ cũng cần có các giải pháp tháo gỡ tập trung vào những ngành, lĩnh vực mang tính “dẫn dắt”, đối tượng, khu vực đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, tạo lượng lớn việc làm cho người lao động, có tác động lan tỏa, lâu dài, đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, kịp thời đón đầu nhu cầu của thế giới đang dần mở cửa sau đại dịch thay vì dàn trải nguồn lực.  Tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế số, kinh tế xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tăng tốc độ chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh, đổi mới công nghệ”, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị. 
 
Toàn cảnh phiên họp tại Nhà Quốc hội
Toàn cảnh phiên họp tại Nhà Quốc hội
Trước đó, sáng cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao và tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng thời, nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm: khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh để trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
 
Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung cụ thể của dự án Luật, như: hồ sơ và bố cục dự thảo Luật; sự phù hợp của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với Hiến pháp và các luật có liên quan; phạm vi điều chỉnh; áp dụng pháp luật; chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm; hợp đồng bảo hiểm (quy định chung về hợp đồng bảo hiểm; nội dung hợp đồng bảo hiểm; hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe; hợp đồng bảo hiểm tài sản và thiệt hại; đề phòng hạn chế tổn thất, phòng, chống gian lận bảo hiểm, giải quyết tranh chấp); doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm (cấp phép thành lập và hoạt động; tổ chức hoạt động; cơ cấu tổ chức quản lý; khả năng thanh toán và biện pháp can thiệp; sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin; trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong bảo mật thông tin; thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm);...
 
Kết thúc nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm.
 
Ngày mai (30/10), Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
 
Tin, ảnh: N.ĐỨC
 

.