(Baoquangngai.vn)-
Ngày 23/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sau khi làm việc tại Hội trường, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), thảo luận về Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021...Tại điểm cầu Quảng Ngãi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy chủ trì phiên thảo luận.
[links()]
Tại phiên làm việc trực tuyến từ Hội trường Diên Hồng Nhà Quốc hội đến 62 điểm cầu trong cả nước, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ.
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó đã kế thừa hợp lý các quy định hiện hành; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới cơ bản phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong đề nghị xây dựng luật.
Luật Thi đua, khen thưởng sau khi sửa đổi có 8 chương và 98 điều. Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về thi đua, khen thưởng, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng.
Thảo luận tại tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình và cơ bản thống nhất cao về hai dự thảo Luật (sửa đổi). Các đại biểu cho rằng, việc ban hành 2 luật này là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn hiện nay, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Các ĐBQH khóa XV của tỉnh dự Kỳ họp tại điểm cầu Quảng Ngãi |
Liên quan đến dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), các ĐBQH của tỉnh nhận định dự thảo luật quy định một số danh hiệu thi đua chưa bao quát hết các phong trào từ cơ sở; một số đối tượng chưa được xem xét khen thưởng; thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng còn thể hiện sự bất cập, cộng dồn, chưa hợp lý. Dự thảo luật quy định việc xét tặng các danh hiệu thi đua mang tính tiếp nối, kế thừa, khen từ thấp đến cao, việc quy định về tỷ lệ % được xét, đề nghị khen thưởng của từng cơ quan, đơn vị, địa phương đã làm cho công tác thi đua mang tính “hình thức, phong trào”, đề nghị nên xem xét quy định một cách cụ thể về các tiêu chí danh hiệu thi đua, không phải là sự “gối đầu”.
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương cho rằng, nên liệt kê đầy đủ các tiêu chuẩn ở các hình thức khen thưởng bậc cao, để không phải giao cho Chính phủ quy định, hướng dẫn ở các Nghị định, vì hiện tại ở dự thảo luật cũng đã đưa ra tiêu chuẩn nhưng chưa đủ, dự thảo nghị quyết kèm theo cũng có tính chất liệt kê.
Bên cạnh đó, tại Điểm đ, khoản 2 Điều 6 của dự thảo, quy định về nguyên tắc thi đua khen thưởng “Quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác và khen thưởng tại địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo bỏ chữ “quan tâm”.
Góp ý vào dự án Luật điện ảnh sửa đổi, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương- Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị việc sửa đổi phải bám sát tinh thần, chủ trương Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong lĩnh vực văn hóa. Về chính sách ưu tiên phát triển điện ảnh, đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kinh nghiệm các nước có nền điện ảnh phát triển, nhằm tạo sự đột phá. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung 1 điều quy định về chính sách ưu tiên phát triển điện ảnh làm cơ sở phát triển chuyên nghiệp, ưu tiên nguồn lực đầu tư, hình thành các hãng phim, kênh truyền hình vươn tầm quốc tế.
Ngoài ra, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cũng đề xuất bổ sung nội dung về hợp tác quốc tế để tăng cường hợp tác, phát triển phù hợp với xu hướng hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế, từ đó tiếp thu kinh nghiệm, công nghệ, nhằm xây dựng nền điện ảnh Việt Nam ngày càng phát triển.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ |
Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Tiếp đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2021. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2021.
Quốc hội cũng nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.
Cũng tại phiên họp tại hội trường Quốc hội nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến (trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn). Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Cuối phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Tin, ảnh:
N.ĐỨC