(Baoquangngai.vn)-
Sáng 25/10, Quốc hội khóa XV tiếp tục ngày làm việc thứ 6 của Kỳ họp thứ 2 theo hình thức trực tuyến. Tại điểm cầu Quảng Ngãi, tham dự phiên họp có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; các ĐBQH khóa XV của tỉnh và các đại biểu khách mời.
[links()]
Tại phiên họp sáng nay, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS); Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu; thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS, ĐBQH tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án luật nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời, tháo gỡ khó khăn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
|
Toàn cảnh Phiên họp tại Nhà Quốc hội sáng 25/10. Ảnh: Quochoi.vn |
Góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS, đại biểu Lương Văn Hùng, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Quảng Ngãi, tán thành việc sửa đổi khoản 3 Điều 146 của BLTTHS về Thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố ngay trong lần sửa đổi này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục những khó khăn do tình hình diễn biễn phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay, phát huy nguồn lực của Công an xã để kịp thời xử lý các vụ việc tại địa bàn cơ sở ngay khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm; đồng thời giúp giảm tải cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp huyện khi đã thực hiện việc điều động số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ xuống cấp xã.
Đồng thời, thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về bố trí Công an xã chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã thực hiện quy định của pháp luật. Hiện nay, lực lượng Công an xã - đã được tổ chức chính quy (về chức danh, cơ cấu lực lượng, năng lực, trách nhiệm…) là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã; đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay thì Công an xã càng đóng vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cần thiết phải xử lý ngay vụ việc tại địa bàn cơ sở.
|
Các đại biểu tham dự kỳ họp tại điểm cầu Quảng Ngãi |
Đối với việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148 về Tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị không bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố như đề nghị của Viện Kiểm soát nhân dân tối cao (VKSNDTC) vì cho rằng để khắc phục những khó khăn của công tác này do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thì dự thảo Luật đã quy định giao thêm trách nhiệm cho Công an xã trong kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm nhằm tăng cường hiệu quả giải quyết ngay từ cơ sở.
Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 229 BLTTHS về Tạm đình chỉ điều tra, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, việc quy định căn cứ tạm đình chỉ trong các trường hợp nêu trên cũng dẫn đến việc phải xem xét hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn đang áp dụng. Tuy nhiên, việc này sẽ được thực hiện một cách có căn cứ theo quy định của luật và các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ phải cân nhắc, xem xét, quyết định theo từng trường hợp cụ thể và chịu trách nhiệm bảo đảm để không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi. Còn nếu không bổ sung theo hướng này thì các cơ quan có thẩm quyền cũng không thể tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người bị buộc tội do không còn căn cứ nào để áp dụng vì đã hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, thời hạn điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố.
|
Đại biểu Lương Văn Hùng phát biểu thảo luận |
Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 247 của BLTTHS về Tạm đình chỉ vụ án (trong giai đoạn truy tố) đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị không bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố như đề nghị của VKSNDTC với lý do theo quy định của BLTTHS, VKS phải song hành cùng cơ quan điều tra (CQĐT) từ khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm đến khi kết thúc điều tra. Quá trình đó, VKS được pháp luật giao trách nhiệm là cơ quan “quyết định việc buộc tội” nên có quyền phê chuẩn, hủy bỏ các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra; có quyền đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra và nhiều thẩm quyền khác; cơ quan điều tra phải thực hiện các yêu cầu, quyết định của VKS.
Cùng với đó, VKS được giao trách nhiệm kiểm sát chặt chẽ toàn bộ quá trình khởi tố, điều tra để bảo đảm việc thu thập chứng cứ khách quan, toàn diện, đúng pháp luật. Như vậy, VKS có đầy đủ điều kiện và thẩm quyền yêu cầu cơ quan điều tra thu thập đầy đủ chứng cứ để chứng minh tội phạm, kể cả khi hồ sơ đã chuyển sang giai đoạn truy tố thì VKS tiếp tục có quyền trả hồ sơ 2 lần cho CQĐT yêu cầu bổ sung chứng cứ, phục vụ VKS quyết định việc truy tố.
“Theo báo cáo của VKSNDTC, năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nhưng công tác truy tố lại đạt kết quả cao nhất (tính từ 6 năm trở lại đây), 100% vụ án truy tố đúng thời hạn. Do đó, ý kiến này cho rằng, để hạn chế những tác động của tình hình dịch bệnh đối với việc thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn truy tố thì đề nghị VKS phối hợp chặt chẽ hơn nữa với CQĐT ngay từ giai đoạn đầu để thu thập đầy đủ chứng cứ chứng minh tội phạm; kịp thời đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu điều tra; trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung khi còn thiếu chứng cứ mà VKS không thể tự bổ sung được như quy định tại Điều 245 BLTTHS”, đại biểu Lương Văn Hùng nói.
Theo chương trình kỳ họp, chiều nay (25/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê và nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tin, ảnh:
N.ĐỨC