(Baoquangngai.vn)- Ngày 30/10, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội thảo luận trực tuyến góp ý vào dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025; dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021- 2025).
Tham dự phiên họp tại điểm cầu Quảng Ngãi có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; các ĐBQH tỉnh và đại biểu khách mời.
Thảo luận tại phiên họp về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đa số ý kiến các đại biểu cho rằng sự cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, áp dụng mô hình kinh tế phù hợp, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh để tạo động lực tăng trưởng.
Theo các đại biểu phân tích, quá trình triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội đã được thực hiện một cách đúng hướng, bài bản, đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, hoàn thành 17/22 mục tiêu, đạt 77,3% tổng số mục tiêu đề ra tại Kế hoạch. Tuy nhiên vẫn còn 5/22 mục tiêu chưa hoàn thành, đều là những mục tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động. Qua quá trình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém cần rút kinh nghiệm.
Các đại biểu đề nghị cần chỉ rõ nguyên nhân đối với hạn chế, yếu kém của từng nội dung cụ thể, trong đó đi sâu phân tích, đánh giá cụ thể hơn nguyên nhân chủ quan quản trị, điều hành; nguyên nhân do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường và bổ sung nguyên nhân khách quan như nhiều vấn đề quan trọng trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là những vấn đề phức tạp, đòi hỏi thực hiện trong thời gian dài…
|
Các đồng chí điều hành phiên họp tại Nhà Quốc hội |
Tham gia thảo luận trực tuyến về nội dung này, đại biểu Đặng Ngọc Huy- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm 2016-2020 đạt khoảng 6%/năm. Nếu loại trừ tác động của đại dịch Covid-19 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt cao so kế hoạch. Lạm phát luôn duy trì ở mức dưới 4% trong suốt giai đoạn 2016-2020, giúp ổn định nền kinh tế vĩ mô, được các nước, tổ chức quốc tế đánh giá cao. Chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện thể hiện qua chỉ tiêu Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 ước khoảng 45,42%, vượt xa so với mục tiêu 30-35% kế hoạch đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, dịch chuyển sang các ngành thâm dụng công nghệ, giảm mạnh tỷ lệ lao động nông nghiệp.
Bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu Đặng Ngọc Huy cũng chỉ ra những mặt hạn chế, như : Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch, chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đạt 30% theo kế hoạch. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm. Cơ cấu lại đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiệu quả đầu tư công chưa cao.
Cùng với đó, một số dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, chậm được xử lý dứt điểm. Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, chưa tạo nền tảng năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, chưa đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp trong nước dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp đạt thấp …
|
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy tham gia thảo luận trực tuyến. |
Đại biểu Đặng Ngọc Huy đề nghị, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 phải gắn với 3 nhiệm vụ đột phá và 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng 13 đã đề ra; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và đặt nó trong mối quan hệ với phát triển liên kết vùng; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm, giai đoạn 2021-2025, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Từ đó, xác định phạm vị, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện đảm bảo có tính hệ thống và thống nhất, sử dụng nguồn lực hiệu quả, không trùng lặp hoặc rời rạc với nhau trong thực hiện chiến lược phát triển đất nước theo Nghị quyết XIII của Đảng.
Về mục tiêu, đại biểu Đặng Ngọc Huy tán thành với ý kiến của một số thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị điều chỉnh mục tiêu đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 ở mức cao hơn 45% để phấn đấu, thúc đẩy cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết là với các nước trong khu vực.
“Cơ sở về đề nghị này là vì giai đoạn 201-2020, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt 45,4% và còn dư địa lớn trong giai đoạn 2021-2025, khi mà chúng ta đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0, ưu tiên phát triển kinh tế số, cải thiện thị trường tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Tăng cường mức đóng góp của TFP trong GDP cũng đồng thời góp phần cải thiện chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam. Theo Phụ lục 2 kèm theo Kế hoạch cho thấy, Chỉ số cạnh tranh toàn cầu giữa Việt Nam bình quân ASEAN-4 thì hầu như các mặt, Việt Nam đều thấp với khoảng cách xa”, đại biểu Đặng Ngọc Huy nói.
Về các nhóm nhiệm vụ và chỉ tiêu, đại biểu Đặng Ngọc Huy thống nhất với 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện trình bày trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025, trên cơ sở tiếp tục các nhiệm vụ trong giai đoạn 2016-2020 và bổ sung một số nhiệm vụ.
Ngoài ra, đại biểu Đặng Ngọc Huy đề nghị, đối với 5 mục tiêu không đạt được trong giai đoạn 2016-2020, ngoài mục tiêu phát triển số lượng doanh nghiệp khó dự lường vì tác động của đại dịch Covid-19 đến việc doanh nghiệp hoạt động, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản. Nhưng đối với các mục tiêu khác như: thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 4 nước ASEAN phát triển nhất; tỷ lệ lao động qua đào tạo, thì phải đặt quyết tâm chính trị cao để hoàn thành. Đồng thời, cần đánh giá, tổng kết mô hình Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem có hiệu quả hay không.
Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư, mà trước hết là sớm trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) để tháo gỡ những điểm nghẽn trong quản lý và sử dụng đất đai. Ứng mạnh mẽ công nghệ, cùng với huy hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để tận dụng tài nguyên số để nâng cao hiệu quả quản trị sản xuất, kinh doanh, quản lý nhà nước, phát triển kinh tế số.
|
Toàn cảnh phiên họp tại Nhà Quốc hội. |
Góp ý vào dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), các đại biểu cho rằng, việc quy hoạch đất đai theo từng giai đoạn phải sát thực tế, với tình hình kinh tế - xã hội, với quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương. Việc chuyển đổi mục đích đất phải có sự tính toán, rà soát, thận trọng. Bên cạnh đó, cần có sự thể hiện đầy đủ, công khai hóa, minh bạch, số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê diện tích tất cả loại đất trên lãnh thổ Việt Nam, quản lý sử dụng đất phải cụ thể, chính xác nhất (điển hình như các loại đất rừng, đất ở, đất nông nghiệp, đất quốc phòng - an ninh).
Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai; có giải pháp xây dựng bản đồ quản lý đất đai, thể hiện rõ quy hoạch đất đai của từng địa phương, tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng...
Sau 11 ngày làm việc (từ ngày 20 đến 30/10/2021) theo hình thức trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến các điểm cầu tại Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành tất cả các nội dung, chương trình đề ra. Kỳ họp sẽ tiến hành họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 8 đến 13/11/2021.
Tin, ảnh:
N.ĐỨC