Đừng để bị "bỏ lại phía sau"

09:07, 30/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Cách làm nào tốt nhất, tiết kiệm nhất, an toàn nhất, đạt kết quả tốt nhất để phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển là câu hỏi lớn đặt ra”. Đó là những vấn đề mà Thủ thướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) với các Ban chỉ đạo xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương vào sáng 23.7.

TIN LIÊN QUAN

Để thúc đẩy xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số, ngày 7.3.2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

Với phương châm CPĐT phải lấy người dân làm trung tâm, lấy sự thuận tiện, hài lòng của người dân làm mục tiêu và phải bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Vì thế, mục tiêu của CPĐT là cung cấp thông tin và dịch vụ công dựa trên nền tảng số tới mọi người, mọi lúc, mọi nơi; tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng; tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định của Chính phủ.

Những hành động quyết liệt của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ, đòi hỏi các ngành, các địa phương cũng phải tích cực vào guồng, cùng chuyển động, để trước hết, không để ngành mình, địa phương bị… “bỏ lại phía sau”. Bởi việc triển khai xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử phải đảm bảo sự kết nối thống nhất, đồng bộ giữa trung ương và địa phương.

Cùng hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn dựa trên nền tảng số, UBND tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng chính quyền điện tử; các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã xây dựng các trang, cổng thông tin điện tử. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã đưa ứng dụng Zalo, triển khai phần mềm một cửa điện tử (phần mềm Igate) vào phục vụ công tác, nhằm giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc làm thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước...

Song bên cạnh những kết quả đạt được, thì việc xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhiều cơ quan, đơn vị chưa chú trọng đến việc ứng dụng nền tảng công nghệ số vào trong công tác chỉ đạo, điều hành; việc gắn kết giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính còn bất cập và có rất ít website do sở, ngành, địa phương quản lý hoạt động hiệu quả...

Xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử là công việc mới, việc khó, cần đầu tư cả nguồn lực tài chính và nhân lực. Nhưng không vì thế mà chúng ta không quyết tâm thực hiện, để theo kịp với lộ trình chung. Để không bị “bỏ lại phía sau”, tỉnh khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó là nâng cao nhận thức và năng lực ứng dụng CNTT cho cán bộ và người dân trong việc điều hành, tác nghiệp, sử dụng và tham gia phát triển chính quyền điện tử tỉnh.    


          HOÀNG HÀ
 


.