(Baoquangngai.vn)- Ngày 3.10, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Quảng Ngãi gồm bà Phạm Thị Thu Trang- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi và bà Đinh Thị Phương Lan-Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã có buổi tiếp xúc với cử tri xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) và Tịnh Ấn Tây (TP. Quảng Ngãi).
Tại các buổi tiếp xúc, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Quảng Ngãi, bà Phạm Thị Thu Trang- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã báo cáo với cử tri về tình hình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi từ đầu nhiệm kỳ đến nay và nội dung chương trình kỳ họp thứ II, Quốc hội khóa XIV.
Sau khi nghe thông báo nội dung chương trình kỳ họp của Quốc hội khóa XIV, cử tri xã Nghĩa Lâm đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương cần quan tâm đến việc giám sát vấn đề xả thải gây ô nhiễm môi trường tại các doanh nghiệp, nhất là sau sự cố Fomosa làm ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh ven biển miền Trung đã gây lo lắng cho nhân dân. Cần có chế tài xử lý nghiêm tình trạng phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật giả và vấn đề an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.
|
Cử tri xã Nghĩa Lâm kiến nghị với ĐBQH |
Cử tri xã Nghĩa Lâm cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và tỉnh Quảng Ngãi quan tâm giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho người có công với cách mạng còn tồn đọng; giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường. Quan tâm đến chính sách, đầu tư ngân sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, cử tri cũng đề nghị, các cấp có thẩm quyền xây dựng cầu vận tải hàng hóa qua kênh chính nam, vì 50% sản phẩm nông- lâm nghiệp của địa phương đều phải vận chuyển qua kênh Thạch Nham. Sớm phân bổ nguồn vốn hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 167, vì đến nay đã quá lâu nhưng chưa được hỗ trợ…
|
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri tại xã Tịnh Ấn Tây |
Tại xã Tịnh Ấn Tây, cử tri kiến nghị với đại biểu Quốc hội và các cấp có thẩm quyền cần có kế hoạch đào tạo và kết hợp với giải quyết việc làm phù hợp với ngành đào tạo cho sinh viên; quan tâm đến sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, vì giá sản phẩm nông sản của nông dân làm ra như mía, mì… hiện nay giá rất thấp, có lúc không đủ chi phí đầu tư.
Nhiều cử tri kiến nghị cần hạ thấp cao trình san lấp mặt bằng tại khu đô thị - dịch vụ Vsip để hạn chế ngập úng cục bộ khu dân cư hiện hữu trong mùa mưa lũ, bởi hiện nay mặt bằng sang lấp quá cao so với khu dân cư hiện hữu, nhất là các điểm tiếp nối với cơ sở hạ tầng hiện hữu (thực tế cao từ 2-3m).
Bên cạnh đó, cử tri cũng cho rằng việc đề xuất độ tuổi nghỉ hưu đối với nam là 62, nữ 60 là không phù hợp, vì người ở tuổi 55 sức khỏe dần đi xuống, tư duy kém hơn lớp trẻ, năng suất lao động thấp, ít nhạy bén so với lớp trẻ, nếu tăng tuổi nghỉ hưu (cả nam và nữ) sẽ tăng thêm gánh nặng ngân sách nhà nước về chi lương, vì người lớn tuổi có hệ số lương cao so với người mới tuyển vào (chỉ lợi cho BHXH trả lương hưu).
Trong khi đó, hiện nay, học sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng không có việc làm quá nhiều, không thay thế được cho người đủ tuổi nghỉ hưu là lãng phí chất xám. Chính vì vậy, cử tri đề nghị giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay và quy định tăng tuổi cho những nhà khoa học.
Sau khi nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri xã Nghĩa Lâm và Tịnh Ấn Tây, các Sở, ngành và huyện Tư Nghĩa, TP. Quảng Ngãi đã tiếp thu, giải trình làm rõ những nội dung liên quan mà cử tri quan tâm.
Tại các buổi tiếp xúc, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, bà Đinh Thị Phương Lan- Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của bà con cử tri, đồng thời sẽ tổng hợp phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi.
N.Đức