Dẹp vé vào ga

09:06, 17/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nói về Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, một nhà nghiên cứu văn hóa ví von: “Nên đổi tên công ty này thành “Nhà bảo tàng đường sắt” thì đúng hơn”. Thật vậy, kể từ khi người Pháp hoàn thành tuyến đường sắt Bắc-Nam năm 1936 đến nay, ngành đường sắt Việt Nam hầu như không có thay đổi gì mấy ngoại trừ chuyện “rút ngắn giờ chạy tàu” từ 48 tiếng còn 30 tiếng cho tuyến Sài Gòn-Hà Nội.

Nhưng thời gian được gọi là “rút ngắn” ấy so với tàu lửa các nước trong khu vực cũng chẳng thể gọi là bước đột phá. Đường ray khổ 1m do người Pháp thiết kế và để lại đến nay vẫn chỉ là … 1m thì có muốn chạy nhanh cũng không thể được!

Trong hệ thống giao thông hiện nay, ngành đường sắt được xem là trì trệ, gây phiền hà và khó chịu cho khách nhiều nhất. Trong hàng loạt những trì trệ ấy thì việc bắt hành khách phải mua vé vào ga để đưa đón người nhà là điều gây khó chịu hơn cả, dù mỗi vé cũng chỉ 2 ngàn đồng. Khó chịu không phải vì chuyện đắt hay rẻ mà là ở sự vô lý của nó. Việc đưa đón người nhà thì có hao mòn gì của ngành đường sắt mà bắt hành khách phải gánh chịu một phần chi phí như vậy? Hay đó chỉ là phần “kiếm thêm” của ngành? Chuyện vô lý ấy xảy ra đã mấy chục năm rồi, ai cũng kêu nhưng không một vị lãnh đạo nào của ngành đường sắt, kể cả Bộ Giao thông Vận tải chịu nghe cả.

Gần đây, sau hàng loạt động thái thúc đẩy ngành đường sắt cải tiến thực chất, Bộ trưởng Đinh La Thăng ra quyết định từ ngày 15.6 tất cả các ga đều không được bán vé đưa đón người nhà. Đừng nghĩ chuyện bãi bỏ mua vé vào ga đưa đón người nhà chỉ có 2 ngàn đồng là chuyện vặt.

Đổi mới cung cách làm việc của ngành đường sắt phải được bắt đầu từ những chuyện “lặt vặt” như thế. Vì trăm thứ được xem là “lặt vặt” ấy mà trút cả lên đầu người dân thì thành chuyện lớn. Người dân đồng tình và ủng hộ quyết định này là vì lẽ đó. Không chỉ dẹp chuyện mua vé vào cổng để đưa đón người nhà, Bộ Giao thông Vận tải còn yêu cầu ngành đường sắt phải nhanh chóng thoát khỏi cái vỏ “bao cấp” mà Nhà nước đã khoác lên ngành mấy chục năm nay.

Giá vé thuộc diện đắt nhất trong các phương tiện giao thông (chỉ đứng sau vé máy bay) nhưng cách phục vụ “thượng đế” của ngành đường sắt thì kém nhất! Từ chuyện buộc khách phải ăn cơm theo vé trên tàu đến việc nâng giá cước vận chuyển ngay trong lúc đường bộ siết chặt quá tải quá khổ, rồi thái độ thiếu thân thiện của cán bộ ngành, từ người bán vé đến nhân viên kiểm soát trên tàu… tất cả đều phản ảnh một cách rõ nhất lề thói làm việc thời bao cấp của ngành này.

Dẹp vé vào cổng để đưa đón người nhà, vấn đề không lớn nhưng nó sẽ khởi đầu cho một loạt những đổi thay sắp tới của ngành đường sắt. Hy vọng, ngành đường sắt từ nay sẽ không còn “há miệng chờ sung” như lời Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ví von mới đây.

Trần Đăng
 


.