Cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho trên 1 triệu lao động nông thôn

12:07, 17/07/2013
.

(QNĐT)- Sáng 17/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc nhằm sơ kết 3 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956). Tại đầu cầu Quảng Ngãi, tham dự hội nghị có đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

TIN LIÊN QUAN


Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, đến nay, các địa phương trong cả nước đã chủ động bố trí ngân sách hơn 2.930 tỷ đồng để tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn. Riêng ngân sách Trung ương từ Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ các địa phương đã thực hiện đầu tư 2.451 tỷ đồng cho 576 cơ sở để mua sắm trang thiết bị. Tổng kinh phí hỗ trợ dạy nghề đã sử dụng là 1.641 tỷ đồng.

Cả nước huy động được 1.466 cơ sở có đủ điều kiện tham gia dạy nghề. Cùng với 783 cơ sở dạy nghề, có trên 200 doanh nghiệp và 400 cơ sở khác có đủ điều kiện dạy nghề. Trên 2 vạn giáo viên cơ hữu, giáo viên thỉnh giảng và trên 1 vạn kỹ sư, công nhân có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.

 

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Quảng Ngãi
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Quảng Ngãi


Trong 3 năm, cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho trên 1 triệu lao động nông thôn, đạt trên 77% kế hoạch. Trên 61% lao động nông thôn sau khi học nghề tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động được nâng lên, góp phần tăng thu nhập.

Một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Một bộ phận lao động ở nông thôn đã thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác xã, giải quyết việc làm cho bản thân và các lao động khác. Số người thoát nghèo, số người có thu nhập khá tăng, có nhiều hộ làm giàu, thu nhập đến hàng trăm triệu đồng/năm. Bước đầu đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 3 năm triển khai đề án 1956 cũng còn nhiều hạn chế: Công tác dạy nghề vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Việc triển khai công tác này còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế...

Trong giai đoạn 2013-2015, cả nước phấn đấu hỗ trợ dạy nghề cho khoảng trên 2 triệu lao động, số người học xong có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, hiệu quả cao hơn đạt từ 70% trở lên. Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đối với Trung tâm chung thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện làm đầu mối thực hiện các chức năng nhiệm vụ giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp-dạy nghề -giới thiệu việc làm theo chính sách của đề án.

Qua 3 năm thực hiện đề án, tỉnh ta có trên 13.550 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề. Mỗi năm có trên 3.000 lao động nông thôn được học nghề từ các chính sách hỗ trợ khác. Tỷ lệ lao động học nghề gắn với tự tạo việc làm và tìm được việc làm mới đạt từ 70- 80%.

Năm 2013, sẽ hỗ trợ đào tạo nghề từ ngân sách nhà nước cho 6.500 người; đào tạo nghề cho LĐNT từ nguồn hỗ trợ khác khoảng 10.400 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề tối thiểu là 70%; thực hiện 5 mô hình thí điểm dạy nghề cho lao động nông thôn; đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên...

 

Tin, ảnh: Thanh Phương

 


.