“Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” và “Tuần lễ biển đảo” được tổ chức tại Lý Sơn và TP Quảng Ngãi, hứa hẹn sẽ thu hút một lượng lớn khách du lịch và người tham gia lễ hội về Quảng Ngãi, “chủ nhà” sẽ chuẩn bị những gì để đón khách?
Thành phố Quảng Ngãi đã dành sẵn một slogan, như một lời hứa và lời nhắc nhở với chính mình: “ Người Quảng Ngãi làm đẹp cho Quảng Ngãi”. Lâu nay, người Quảng Ngãi đi học hành và làm ăn ở các địa phương khác trong cả nước không phải là ít. Và họ đã góp một phần đáng kể làm đẹp cho những vùng đất mà họ cư trú. Ngược lại, những người trong cả nước đã chọn Quảng Ngãi làm nơi “đất lành chim đậu” cũng đã bằng lao động sáng tạo, bằng cách sống và đặc trưng văn hóa tiếp thu được từ quê hương mình, làm đẹp cho Quảng Ngãi.
Để chuẩn bị cho “ý thức làm đẹp” này, UBND TP Quảng Ngãi đã tổ chức cuộc họp với tất cả các chủ nhà hàng, khách sạn, những đơn vị làm dịch vụ, kể cả những người buôn bán lẻ, để quán triệt chủ trương của thành phố nhằm bảo đảm sự ổn định giá cả sinh hoạt trong suốt thời gian lễ hội, kiên quyết loại trừ lối buôn bán theo kiểu “chặt chém”, thấy khách đông thì nâng giá vô tội vạ. Một phần quan trọng nữa, là thái độ của “chủ nhà”-đặc biệt là những chủ nhà buôn bán và làm dịch vụ-phải niềm nở, thân thiện với khách. Đây cũng chính là phần cơ bản mà mọi người dân Quảng Ngãi cần thể hiện khi tiếp xúc với “khách xa tới Quảng Ngãi mình”.
Nhiều khi, chỉ là một lời chào, một sự niềm nở không mất tiền mua, một cử chỉ giúp đỡ nhỏ bé nhưng cần thiết, một thái độ thân thiện và hiếu khách, một lời chỉ đường cặn kẽ và ngọt ngào… Tất cả sẽ khiến du khách mới lần đầu tới Quảng Ngãi cảm thấy đây là vùng đất ấm áp với những con người dễ thương, dễ mến, dễ gần.
Dĩ nhiên, để đón khách xa tới một cách chu đáo, thì không những cần thái độ hay tình cảm, mà còn cần sự chuẩn bị nơi ăn chốn ở, những dịch vụ tiện ích cụ thể phục vụ khách. Cái này thì Quảng Ngãi chưa có nhiều kinh nghiệm. Cơ sở vật chất, đặc biệt ở đảo Lý Sơn, còn hết sức thiếu thốn. Với TP Quảng Ngãi, thì khả năng “cháy phòng” khách sạn là có thật. Còn ở đảo Lý Sơn, thì không ai đặt vấn đề “cháy phòng” ở đó cả, vì thực tế số khách sạn, nhà nghỉ và cả nhà công vụ ở đảo là rất ít ỏi. Khi phải đón một lượng khách lớn đột biến, thì chuyện không thể đáp ứng được yêu cầu của khách là đương nhiên. Hình thức du lịch “Home stay” (du lịch ở nhà dân) cũng chưa được đặt ra ở Lý Sơn, như nó đã thành bình thường ở Cù lao Chàm (Hội An).
Vì thế, Quảng Ngãi cần coi lần đón khách này như một cơ hội để tập dượt, để nhìn ra những cái thiếu, cái yếu của mình, đặng chuẩn bị tốt hơn cho những lần đón khách trong tương lai gần.
Nhưng khi mỗi người dân Quảng Ngãi đều có ý thức “làm đẹp cho Quảng Ngãi”, thì đó sẽ là nền tảng để Quảng Ngãi có thể trở thành một địa điểm du lịch mà du khách “đến rồi còn trở lại”.
Thao Thảo