(QNg)- Sau Tết, tay xách nách mang, dòng người là dân vùng thôn quê ở Quảng Ngãi lại cùng nhau hành trình vào TP.HCM, kể cả đến với bất kỳ những khu đô thị lớn nào trong nước - những nơi mà có thể giúp họ kiếm được thu nhập cao hơn so với việc tay cuốc, tay cày nơi ruộng đồng quê nhà. Cuộc mưu sinh diễn ra trong sự chật vật vốn dĩ đã quen thuộc và đeo bám người nghèo ở Quảng Ngãi suốt hàng bao nhiêu năm qua.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thực tế, những người vào TP.HCM kiếm sống, phần lớn là nông dân, hay nói rõ hơn là những người không có việc làm ổn định, những người có thu nhập thấp. Họ vào TP.HCM hay ngược ra tận Hà Nội để làm nghề "thợ đụng" (đụng đâu làm đó miễn là có thu nhập). Chỉ có ít người may mắn có được chỗ làm... "vip", lương hậu hĩnh, còn lại là đi "buôn gánh bán bưng".
Có người cả năm quần quật bên gánh hàng rong nơi xa xứ, đến cuối năm, chắt bóp chi tiêu, dành dụm cũng chỉ dôi ra được chừng vài triệu đồng. Số tiền này vị chi cũng chỉ đủ mua tấm vé xe đò về quê ăn Tết, mua vài bộ quần áo mới cho con, mua ít bánh kẹo vui Tết cùng gia đình... Sau Tết, họ lại quay ngược từ quê đến nơi mưu sinh cũ để tiếp tục kiếm tiền như một "thói quen" dù biết cuối năm họ cũng vẫn chỉ dư được chừng ấy tiền chứ không khá hơn.
Vậy tại sao họ vẫn cứ phải tìm đến những nơi đô thị sầm uất để kiếm tiền, bỏ lại sau lưng ruộng vườn, người thân? Quả thật, với người nông dân nếu cứ bám đất, bám làng ở nhà thì chẳng biết bấu víu vào đâu, không biết kiếm đâu ra tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày. Thanh niên trai tráng trong làng cũng không có công ăn việc làm ổn định. Nếu có thu nhập ổn định ở quê (chỉ cần bằng hoặc xấp xỉ với mức thu nhập khi lên thành phố mưu sinh ít ỏi kia) thì chắc chắn chẳng có mấy ai rời làng. Nhưng giấc mơ ấy đã không đến được với họ. Chính vì vậy mà dòng người vùng thôn quê ở miền Trung, ở Quảng Ngãi cứ nối tiếp nhau vào TP.HCM mỗi năm.
Điều này đã và đang tạo ra những mặt đối lập không mong muốn. Ở những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội,... dân nhập cư mỗi lúc một tăng, vượt quá khả năng chịu đựng và gây ra những hệ lụy: thiếu chỗ ở, kẹt xe, mất an ninh trật tự, áp lực điều hoà dân số cho phù hợp ở những nơi này trở thành gánh nặng... Còn ở vùng quê - nơi mà những người dân rời quê mưu sinh thì những thửa ruộng "bờ xôi ruộng mật" bị bỏ hoang, gia đình xa cách, con cái không được chăm nom, làng quê buồn tẻ vì có những ngôi nhà cửa đóng then cài suốt cả năm trời, cái nghèo vẫn đeo bám trên từng mái nhà như thuở nọ..
Khi nào thì người dân vùng nông thôn trong cả nước không phải đi kiếm sống ở những thành phó xa? Và đến khi nào họ an tâm ở lại quê nhà lao động để vực dậy kinh tế nông thôn thì vẫn còn là một bài toán chứa nhiều ẩn số. Chính phủ đang triển khai thực hiện mô hình "xây dựng nông thôn mới" với mục tiêu là nâng cao chất lượng sống ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, việc này sẽ rất khó khăn nếu không có cách "níu chân" và giảm áp lực ly hương. Thôn quê chỉ có người già và trẻ em thì liệu có thuận lợi trong vấn đề xây dựng nông thôn mới chăng?.
Đang có rất nhiều vấn đề đặt ra cho cơ quan quản lý Nhà nước trong một lộ trình dài hơi nhằm có bước đột phá căn cơ, giúp giảm đi những cuộc ly hương từ thôn quê lên thành thị nhưng đảm bảo được cuộc sống tối thiểu cho người dân vùng nông thôn: ăn đủ no, mặc đủ ấm...
Võ Minh Huy