Ngành tư pháp tích cực triển khai Đề án 06

09:11, 01/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Quá trình thực hiện Đề án của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) ở lĩnh vực tư pháp vẫn còn những khó khăn. Do đó, ngành tư pháp đang thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ vướng mắc.
 
[links()]
 
Trong số 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06, thì lĩnh vực tư pháp có 6 thủ tục hành chính (TTHC) ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh như đăng ký khai sinh, khai tử; đăng ký kết hôn, cấp phiếu lý lịch tư pháp, liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí.
 
Từ ngày 14/7/2022, công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện tiếp nhận hồ sơ trên hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh. Dữ liệu sẽ được chuyển về hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch, không phải nhập dữ liệu 2 lần như trước đây.
Từ ngày 14/7/2022, công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện tiếp nhận hồ sơ trên hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh. Dữ liệu sẽ được chuyển về hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch, không phải nhập dữ liệu 2 lần như trước đây.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ nêu trong Đề án 06 vẫn còn gặp những khó khăn. Đa số người dân có tâm lý lo ngại về sự không thuận tiện, khó thao tác khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên trực tiếp đến cơ quan nhà nước để nộp hồ sơ. Mặt khác, theo quy định hiện hành, khi làm giấy khai sinh, đăng ký kết hôn thì người có yêu cầu phải có mặt tại cơ quan đăng ký hộ tịch, ký sổ hộ tịch. Do vậy, việc đăng ký thực hiện trực tuyến nhưng sau đó công dân vẫn phải đến cơ quan đăng ký hộ tịch. Hơn nữa, không phải người dân nào cũng có điện thoại thông minh, máy tính, có thể kết nối và thao tác trên máy nhằm thực hiện TTHC trực tuyến.
 
Bên cạnh đó, một số UBND cấp xã bố trí một công chức tư pháp - hộ tịch, nhưng phải thực hiện khối lượng công việc rất nhiều. Việc số hóa kết quả giải quyết và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử song song với bản giấy, trong khi kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của một số công chức tư pháp - hộ tịch còn hạn chế. Theo quy định của Chính phủ, 70% TTHC phải được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Thế nhưng, một khi đã công bố giải quyết dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 thì phát sinh hồ sơ, nếu làm không đạt sẽ bị trừ điểm. Trong khi đó, không thể bắt buộc người dân phải làm trực tuyến. Theo quy định của Luật Hộ tịch, khi đăng ký kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con kết hợp khai sinh... thì người có yêu cầu phải có mặt tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Việc đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử phải ký sổ hộ tịch thì mới kết thúc quy trình thực hiện...
 
Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu liên thông giữa các ngành cũng còn xảy ra nhiều lỗi, giao diện còn phức tạp. Cổng dịch vụ công - Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh phiên bản Igate 2.0 còn nhiều ứng dụng chưa kết nối với Cơ sở dữ liệu dân cư. Hệ thống thông tin quản lý lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp sử dụng từ năm 2012, nên việc tích hợp thường xuyên bị lỗi kết nối, lỗi đồng bộ dữ liệu...
 
Toàn ngành tư pháp hiện đang tích cực triển khai thực hiện Đề án 06. Trong đó, Sở Tư pháp phối hợp Sở TT&TT thực hiện cung cấp các dịch vụ công thiết yếu ở lĩnh vực khai sinh, khai tử, kết hôn ở mức độ 3 và lĩnh vực lý lịch tư pháp trên dịch vụ công quốc gia ở mức độ 4; cấp bản sao trích lục hộ tịch tại cấp tỉnh, huyện, xã ở mức độ 4. UBND cấp xã cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ở mức độ 4. Hiện nay, ngành đã tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch, hệ thống quản lý lý lịch tư pháp với cổng dịch vụ công - hệ thống thông tin một cửa điện tử.
 
Bài, ảnh: BÁ SƠN
 
 

.