Chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp

06:10, 07/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với cả nước, Quảng Ngãi đã và đang triển khai thực hiện chuyển đổi số. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã có những chia sẻ về tầm quan trọng, mục tiêu đề ra và kết quả bước đầu trong thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
[links()]
 
PV: Xin đồng chí cho biết tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội?
 
Đồng chí TRẦN PHƯỚC HIỀN: Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí, mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có.
 
Vì vậy, chuyển đổi số được xem là cuộc cách mạng của toàn dân, chuyển đổi từ tư duy, nhận thức, sau đó chuyển đổi cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Chuyển đổi số thực sự đang ngày càng trở nên quan trọng ở tất cả các lĩnh vực, được thống nhất thực hiện từ trung ương đến địa phương. 
 
Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến gắn với chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng trong cải cách hành chính.
Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến gắn với chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng trong cải cách hành chính. ẢNH: TL
Thông qua chuyển đổi số, người dân có thể giao tiếp với chính quyền mọi lúc mọi nơi; không phụ thuộc vào không gian, thời gian hay khoảng cách. Kiến nghị hay giải đáp thắc mắc, tra cứu hồ sơ có thể thực hiện bất kỳ lúc nào. Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp (DN).
 
PV: Đến nay, Quảng Ngãi đã triển khai và đạt được kết quả gì trong chuyển đổi số?
 
Đồng chí TRẦN PHƯỚC HIỀN: Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Quảng Ngãi đã bắt đầu triển khai từ năm 2020, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên đến năm 2022 mới thực sự tập trung cao độ. Vì thế, kết quả từ năm 2020 đến nay so với cả nước thì chỉ đạt ở mức trung bình.
 
Tuy nhiên, có một số nhiệm vụ tạo được điểm nhấn, mang lại những chuyển biến rõ nét, hướng đến hình thành chính quyền số, xã hội số. Điển hình là Hệ thống Cổng dịch vụ công - Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh đã thực hiện tích hợp khoảng 500 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
 
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai thực hiện nâng cấp Cổng dịch vụ công - Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh lên phiên bản iGate 2.0 và tiếp tục rà soát, khắc phục các lỗi phát sinh trong quá trình sử dụng.
 
Từ ngày 1/6/2022, tại Bộ phận một cửa tỉnh đã triển khai thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
 
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền (hàng đầu, bên phải) và đại diện Tập đoàn VNPT ký kết hợp tác xây dựng Chiến lược chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. ẢNH: B.HÒA
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền (hàng đầu, bên phải) và đại diện Tập đoàn VNPT ký kết hợp tác xây dựng Chiến lược chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. ẢNH: B.HÒA
Ngoài ra, tỉnh đã đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh (IOC); tổ chức thực hiện các nhiệm vụ truyền thông tuyên truyền về cải cách hành chính và phát trên các nền tảng số, màn hình led...
 
Hiện nay, Quảng Ngãi tập trung triển khai thực hiện nền tảng phát thanh số trên địa bàn tỉnh; duy trì vận hành IOC, tiếp tục phối hợp rà soát, phát triển, tích hợp các phân hệ đã triển khai trên IOC. Tiếp tục hoàn thiện phần mềm Cổng dịch vụ công - Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh (iGate 2.0) và kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh trong công tác chuyển đổi số, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ.
 
Quảng Ngãi hiện đã xây dựng tổ chuyển đổi số cộng đồng đến tận thôn, tổ dân phố. Họ sẽ đi từng ngõ, gõ từng nhà để hướng dẫn từng người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số. Qua quá trình sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, người dân sẽ có kỹ năng số.
 
Có kỹ năng số sẽ thúc đẩy tiêu dùng số, hình thành thị trường số từ đó phát triển kinh tế số, xã hội số. Tổ chuyển đổi số cộng đồng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình thì sẽ giúp cho xã, đến huyện và cả tỉnh nhanh chóng thành công trong chuyển đổi số. Mỗi người dân cũng cần nhận thức, chủ động đòi hỏi chính quyền phải chuyển đổi, đáp ứng yêu cầu chính đáng, thiết thực dựa trên nền tảng số.
 
PV: Mục tiêu mà Quảng Ngãi đặt ra trong chuyển đổi số thời gian đến là gì, thưa đồng chí?
 
Đồng chí TRẦN PHƯỚC HIỀN: Mục tiêu mà Quảng Ngãi đặt ra bám sát theo mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2022 về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025 sẽ cung cấp 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; xử lý trên môi trường mạng 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; cấp huyện 80% và cấp xã 60%.
 
Đồng thời, 100% báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo của UBND tỉnh. Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số với hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; hơn 50% tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử...
 
Các đại biểu tham gia Hội nghị bồi dưỡng, tập huấn cho các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh do Sở TT&TT và Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) tổ chức. ẢNH: BẢO HÒA
Các đại biểu tham gia Hội nghị bồi dưỡng, tập huấn cho các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh do Sở TT&TT và Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) tổ chức. ẢNH: BẢO HÒA
Chuyển đổi số là để phục vụ cho người dân, DN. Vì thế, Quảng Ngãi sẽ xác định ưu tiên chuyển đổi số  trong lĩnh vực người dân cần thiết nhất như y tế, giáo dục, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường. Các sở, ban, ngành phải làm cho người dân thấy được tiện ích từ chuyển đổi số để từ đó chủ động đòi hỏi chính quyền phải thay đổi cách làm, đáp ứng yêu cầu chính đáng một cách nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch dựa trên nền tảng số.

“Để chuyển đổi số đạt kết quả theo lộ trình đã đề ra, cần có sự đồng hành, vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, của cả hệ thống chính trị và người dân. Trong đó, phát huy vai trò của người đứng đầu; phải xem chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và liên tục".
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN PHƯỚC HIỀN
 

Như đối với y tế thì phát triển nền tảng khám bệnh từ xa; giáo dục thì hỗ trợ dạy học từ xa và số hóa tài liệu; lĩnh vực tài chính ngân hàng thì thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững; lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh...

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, điều quan trọng nhất là mỗi người dân phải thay đổi nhận thức, để chủ động đòi hỏi chính quyền phải đáp ứng, cung cấp các dịch vụ thiết yếu của  cuộc sống dựa trên nền tảng số. Chính quyền tỉnh sẽ đầu tư phát triển hạ tầng số theo hướng đi trước một bước, để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu.
 
Để chuyển đổi số đạt kết quả theo lộ trình đã đề ra, cần có sự đồng hành, vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, của cả hệ thống chính trị và người dân. Trong đó, phát huy vai trò của người đứng đầu; phải xem chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và liên tục. Trong đó, tập trung truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, của DN trong thực hiện các kế hoạch hướng đến chính quyền số và chuyển đổi số.
 
Chương trình, chiến lược định hướng chuyển đổi số là 10 năm nhưng nếu mỗi năm Quảng Ngãi không cố gắng, không nỗ lực thì các nhiệm vụ cụ thể khó mà hoàn thành. Vì thế, rất cần sự chung tay của toàn dân, các cơ quan, DN cùng phối hợp, thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện chương trình này, góp phần hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số đã đề ra.
 
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
THANH NHỊ ( thực hiện)
 

.