Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

04:07, 27/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành nông nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng quy trình sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế; đồng thời tạo thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước. 
 
[links()]
 
Từng bước đổi mới 
 
Hiện nay, hệ thống hạ tầng CNTT trong ngành nông nghiệp bước đầu đáp ứng nhu cầu tin học hóa trong cơ quan, đơn vị. Cổng thông tin điện tử của Sở NN&PTNT là một trong những kênh để người dân, doanh nghiệp tìm kiếm thông tin, theo dõi, giám sát các hoạt động. Sở NN&PTNT đã triển khai bộ phận một cửa để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đến nay, Sở NN&PTNT đã cung cấp 30 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc lĩnh vực thủy sản, trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y, quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp.
 
Năm 2022, Bộ NN&PTNT đã chọn 2 lĩnh vực đột phá để đẩy mạnh chuyển đổi số, đó là trồng trọt và chăn nuôi.Trong lĩnh vực trồng trọt Quảng Ngãi đã triển khai tưới tiết kiệm, vận hành tưới tự động với gần 3.000ha lúa, rau màu; triển khai xây dựng mã số của một số sản phẩm như dưa hấu, ớt... Sở NN&PTNT đang triển khai thực hiện Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quản lý và theo dõi tình hình sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đối với chăn nuôi, nhờ ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, đã giúp cải tạo chất lượng đàn gia súc. Sau quá trình lai tạo, tỷ trọng đàn bò lai ước đạt 73,5%. Một số cơ sở đã bước đầu áp dụng chuyển đổi số trong khâu chăn nuôi. 
 
Một trong những khó khăn hiện nay của ngành nông nghiệp trong chuyển đổi số là hạn chế về nguồn nhân lực, sản xuất còn mang tính thời vụ, quy mô nhỏ...
Một trong những khó khăn hiện nay của ngành nông nghiệp trong chuyển đổi số là hạn chế về nguồn nhân lực, sản xuất còn mang tính thời vụ, quy mô nhỏ...
Đơn cử như Công ty TNHH MTV Hà Tân, ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa); Trại Chăn nuôi heo Huỳnh Cường, ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn), sử dụng công nghệ giám sát trại chăn nuôi bằng hệ thống camera từ xa. Trang trại chăn nuôi heo thịt theo hướng công nghiệp sạch Phú Hiệp, ở xã Long Mai (Minh Long), sử dụng công nghệ dây chuyền thức ăn công nghiệp tự động. Nhân công chỉ cần nhấn nút, thức ăn tự động đổ vào các máng ăn. Ngoài ra, để xử lý chất thải chuồng trại, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng Nhà máy Xử lý chất thải nông nghiệp An Hội, ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). 
 
Một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh cũng đã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh thông qua các trang mạng xã hội, trang điện tử bán hàng. Tiêu biểu như HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi, HTX Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận, HTX Rau sạch Mầm Việt... Các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP được giới thiệu, quảng báo qua Trang thông tin điện tử Chương trình Mỗi xã một sản phẩm...
 
Ứng dụng công nghệ hiện đại 
 
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, công tác theo dõi diễn biến rừng được áp dụng bằng phần mềm FRMS, sử dụng công nghệ giải đoán ảnh (GIS) và viễn thám trong công tác cảnh báo cháy rừng... Qua đó, giúp đơn vị quản lý xây dựng phương án phòng, chống cháy rừng kịp thời, hiệu quả. Trong đó, phần mềm cập nhật diễn biến rừng (FRMS) được thiết kế theo hướng tích hợp tự động sử dụng các nguồn ảnh vệ tinh để theo dõi biến động về rừng; kết nối giữa bản đồ số với cơ sở dữ liệu và truy xuất kịp thời trên các ứng dụng dễ dàng... Phần mềm này còn cho phép người dùng cập nhật diễn biến trạng thái của lô rừng, đồng bộ kết quả cập nhật lên hệ thống dữ liệu trung tâm của Tổng cục Lâm nghiệp; có thể báo cáo bản đồ hiện trạng rừng cấp xã, huyện, tỉnh vào bất cứ lúc nào, nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.
 
Đối với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, sử dụng phần mềm phát hiện sớm điểm cháy từ ảnh viễn thám, các thông tin về điểm cháy được cập nhật hằng ngày trên hệ thống của Cục Kiểm lâm. Người được phân công trực phòng cháy, chữa cháy rừng có trách nhiệm theo dõi các điểm cháy, cập nhật thông tin tọa độ điểm cháy, thông tin chi tiết về loại rừng, vị trí lô, khoảnh, tiểu khu và chủ rừng quản lý để thông báo cho các cơ quan, đơn vị có liên quan nhanh chóng xác minh, có các biện pháp xử lý kịp thời nếu cháy rừng xảy ra.
 
Trạm đo mực nước tự động lắp đặt tại cầu Hành Tín (Nghĩa Hành).
Trạm đo mực nước tự động lắp đặt tại cầu Hành Tín (Nghĩa Hành).
Trong lĩnh vực thủy lợi, công tác giám sát, quản lý công trình có hệ thống camera theo dõi, giám sát tại đập chính. Tín hiệu được truyền về đơn vị quản lý điều hành và trang website do Tổng cục Thủy lợi quản lý. Đến nay, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã hoàn thành lắp đặt và quản lý vận hành 79 trạm đo mưa tự động, 10 trạm đo mực nước tự động trên các sông và các hồ chứa nước. Thông tin về lượng mưa, mực nước được cập nhật và quản lý qua các phần mềm chuyên dùng VRAIN trên cả nước có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân và cảnh báo thiên tai. Việc giám sát, quản lý các hồ chứa nước có cửa van điều tiết bằng hệ thống camera được vận hành tại hồ chứa nước Núi Ngang (Ba Tơ) và đang triển khai lắp đặt tại một số hồ chứa nước khác.
 
Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Võ Đoàn cho biết, đơn vị đang triển khai thực hiện hệ thống cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa nước nhằm hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý vận hành công trình thủy lợi. Trước đây, các thông tin thay đổi về công trình, hiện trạng... được báo cáo trên giấy. Hiện nay, thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu, các thông số kỹ thuật, diện tích tưới, đơn vị quản lý khai thác... đều được cập nhật thường xuyên, liên tục, giúp quản lý, theo dõi dữ liệu nhanh chóng.
 
Vẫn còn nhiều khó khăn 
 
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở NN&PTNT, chuyển đổi số đã góp phần giảm sức lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của ngành nông nghiệp là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Lao động tại vùng nông thôn phần lớn là lao động phổ thông, nên tay nghề, chuyên môn chưa cao. Tuy mạng không dây đã phủ sóng khắp nơi, nhưng còn thiếu nền tảng về công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh, để tối ưu hóa quy trình chăn nuôi, trồng trọt.
 
Thực tế cho thấy, chỉ một số doanh nghiệp lớn mới đủ điều kiện ứng dụng các phần mềm vào sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận chuyển đổi số. Chủ đầu tư Trang trại chăn nuôi heo thịt theo hướng công nghiệp sạch Phú Hiệp chia sẻ, trang trại của chúng tôi có diện tích gần 6ha, quy mô nuôi 4.000 con. Chi phí đầu tư thiết bị, vận chuyển, lắp đặt lớn. Trong khi đó, trình độ nhân công vận hành trên địa bàn miền núi còn thấp. Do đó, việc ứng dụng hệ thống hiện đại vào quy trình chăn nuôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
 
Trong lĩnh vực HTX nông nghiệp, lộ trình chuyển đổi số diễn ra còn chậm, vì phần lớn các HTX có quy mô đầu tư nhỏ, không đủ điều kiện về tài chính, năng lực vận hành. Riêng đối với lĩnh vực lâm nghiệp, hạ tầng máy móc và trang thiết bị hiện chưa đồng bộ, các phần mềm chuyên dụng thường xảy ra các lỗi kỹ thuật. Hệ thống được sử dụng chung trong toàn quốc nên cơ sở dữ liệu lớn, trong khi hạ tầng công nghệ của mỗi tỉnh khác nhau. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang đề xuất cấp thẩm quyền xây dựng cơ sở dữ liệu riêng của tỉnh, để tích hợp vào hệ thống quốc gia nhằm khắc phục các bất cập.
 
Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số 
 
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, để thúc đẩy lộ trình chuyển đổi số, cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, trang bị các kỹ năng cơ bản giúp nông dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Đồng thời, hỗ trợ kết nối nông dân với doanh nghiệp có nền tảng chuyển đổi số để lựa chọn những giải pháp, ứng dụng phù hợp. Đưa nội dung chuyển đổi số vào chương trình giáo dục, đào tạo và hướng nghiệp giúp lực lượng trẻ có khả năng tiếp cận. Khuyến khích phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ sản xuất mới; lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp. Ngoài ra, để phát triển nông nghiệp bền vững cần có giải pháp về nguồn nhân lực, đất đai, hạ tầng, cơ sở dữ liệu, tài chính, thị trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
 
Bài, ảnh: BẢO HÒA
 
 

.