(Báo Quảng Ngãi)- Trong năm 2022, Sở Tài chính đã đề ra nhiệm vụ cụ thể, mang tính đột phá, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tài chính công.
[links()]
Đổi mới quản lý tài sản công
Năm 2021, Sở Tài chính đã tổ chức rà soát, thống kê, lập danh sách tài sản công được giao quản lý từ cấp huyện đến cấp tỉnh, gồm nhà, đất và xe ô tô. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 4.346 tài sản công là nhà, đất; trong đó, cấp tỉnh quản lý 562 cơ sở, cấp huyện quản lý 3.784 cơ sở. Về xe ô tô công, theo rà soát, hiện có 252 chiếc. Sở Tài chính đã xây dựng và trình UBND tỉnh phương án sắp xếp, quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả.
Cơ sở ở số 6 Lê Văn Sỹ, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi), sẽ được đấu giá trong năm 2022. Ảnh: PV |
Năm 2022, Sở Tài chính tham mưu cho tỉnh tổ chức bán đấu giá hàng chục cơ sở nhà, đất, dự kiến thu cho ngân sách từ 200 - 300 tỷ đồng. Hiện tỉnh đã đưa ra đấu giá 2 cơ sở nhà công sản, là nhà số 6 Lê Văn Sỹ và số 73 Phan Đình Phùng (TP.Quảng Ngãi). Tuy nhiên, do có vướng mắc, nên mới chỉ đưa ra đấu giá thành công nhà số 73 Phan Đình Phùng, thu về hơn 5 tỷ đồng. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức bán đấu giá các nhà công sản không có nhu cầu sử dụng, để thu ngân sách, tránh bỏ hoang, lãng phí tài sản công, gây nhếch nhác nội ô thành phố.
Đẩy mạnh việc phân cấp
Từ năm 2022, hoạt động mua sắm công tập trung đã được đổi mới, theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho các đơn vị, địa phương, đảm bảo việc mua sắm tự chủ, kịp thời hơn. Theo đó, mua sắm công theo hình thức tập trung chỉ còn áp dụng đối với 2 mặt hàng là bàn ghế học sinh và máy vi tính. Còn lại được phân cấp cho các đơn vị, địa phương để phù hợp với nhu cầu thực tế, khắc phục tồn tại khi áp dụng cơ chế mua sắm tập trung.
Thời gian qua, Sở Tài chính đã chủ trì, phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành một số văn bản đẩy mạnh việc phân cấp quản lý tài sản công; phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công... Việc phân cấp mạnh cho địa phương, cơ sở gắn với tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát. Đặc biệt, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phân cấp chi ngân sách cho cấp huyện, thông qua việc xóa bỏ không còn quy định thẩm quyền chi ngân sách tối đa của Chủ tịch UBND cấp huyện đến mức 500 triệu đồng.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Luyệt cho biết, Sở sẽ tập trung vào các nội dung như triển khai trên diện rộng cơ chế khoán biên chế và kinh phí hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ. Đẩy mạnh việc phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa các cấp chính quyền địa phương; hoàn thiện các chế độ, định mức phân bổ, định mức chi tiêu; tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách; quản lý và sử dụng tài sản công; ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực quản lý tài chính... Mục đích là đưa nền tài chính công của tỉnh minh bạch, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp.
THANH NHỊ