Thu ngân sách năm 2022: Kỳ vọng và thách thức đan xen

06:03, 03/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thu ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là nguồn thu từ hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng thì cũng còn nhiều thách thức.
[links()]
 
Tín hiệu tích cực
 
Năm 2022, Quảng Ngãi được trung ương giao dự toán thu ngân sách hơn 11,65 nghìn tỷ đồng; UBND tỉnh giao thu hơn 16,7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã thu hơn 3.665 tỷ đồng, đạt 31,4% dự toán trung ương, gần 22% dự toán tỉnh, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hơn 2.470 tỷ đồng, đạt 41,6% dự toán trung ương, hơn 31% dự toán tỉnh, tăng 105% so cùng kỳ. Các khoản thu còn lại khoảng 1.195 tỷ đồng, đạt gần 21% dự toán trung ương, 13,6% dự toán tỉnh, bằng 100% so cùng kỳ.
 
Tàu hàng cập cảng Dung Quất để nhập hàng xuất khẩu.          Ảnh: Thanh Nhị
Tàu hàng cập cảng Dung Quất để nhập hàng xuất khẩu. Ảnh: Thanh Nhị
Qua đánh giá, so với dự toán tỉnh giao, có 10/16 khoản đảm bảo tiến độ dự toán. Còn so với cùng kỳ, hầu hết các khoản thu đều tăng. Trong đó, một số khoản tăng cao như: Doanh nghiệp nhà nước trung ương tăng gần 99%, doanh nghiệp nhà nước địa phương tăng 19%, thuế thu nhập cá nhân tăng 26,2%, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tăng hơn 310%, thu tiền cho thuê đất tăng 97%... Số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng đạt ở mức cao so với dự toán. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, Cục Hải quan tỉnh đã thu được 1.800 tỷ đồng, đạt 25%. Nhìn chung, các mặt hàng, thị trường chủ lực đều có sự khởi đầu năm mới khả quan, kỳ vọng cả năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực.
 
Theo đánh giá của ngành thuế, sở dĩ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong 2 tháng đầu năm đạt khá, là nhờ giá dầu thô thế giới ở mức hơn 80 USD/thùng (giá dự toán giao 60 USD/thùng). Xuất phát từ nhu cầu xăng dầu của thị trường, trong khi các nguồn cung gặp nhiều khó khăn, từ đầu năm đến nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã điều chỉnh tăng kế hoạch sản xuất lên hơn 15% so kế hoạch ban đầu. Sản lượng của Nhà máy bia Sài Gòn- Quảng Ngãi cũng đạt khá.
 
Nhiều thách thức đang đặt ra
 
Năm nay, Quảng Ngãi đặt mục tiêu thu khoảng 3.100 tỷ đồng tiền sử dụng đất (SDĐ), thực hiện thu từ tháng 1 đến hết tháng 9/2022. Trong đó, thu từ dự án bất động sản do ngân sách đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng (cấp tỉnh quản lý khoảng 2.100 tỷ đồng, cấp huyện quản lý 400 tỷ đồng), còn lại là các dự án do tư nhân đầu tư.

Từ ngày 1/2/2022, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% sẽ được giảm xuống còn 8%. Đây là một trong số nhóm chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/NQ-QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế  -  xã hội.

 
Theo quy định, việc giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không được áp dụng chính sách này. Cụ thể, mức giảm thuế đối với cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ. Đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn.
 
Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh cho biết, việc áp dụng chính sách giảm thuế này sẽ tác động giảm thu ngân sách khoảng 200 tỷ đồng trong năm 2022. Hiện Cục Thuế đang tập trung khai thác các nguồn thu vãng lai phát sinh, để bù đắp khoản hụt thu này. 
 
Ngoài ra,  ngành thuế đang chỉ đạo các chi cục thuế bám sát địa bàn để hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách đối với các đối tượng hộ kinh doanh, doanh nghiệp thuộc diện giảm thuế GTGT. Bản chất thuế GTGT là người tiêu dùng cuối cùng chịu thuế. Do đó, việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người nộp thuế phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các lĩnh vực thuộc đối tượng được giảm thuế. 
 
Năm 2022, áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tác động giảm thu ngân sách trên địa bàn tỉnh khoảng 200 tỷ đồng.  Trong ảnh:  Khách hàng mua sắm tại siêu thị GO! Quảng Ngãi.                    Ảnh: Thanh Nhị
Năm 2022, áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tác động giảm thu ngân sách trên địa bàn tỉnh khoảng 200 tỷ đồng. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại siêu thị GO! Quảng Ngãi. Ảnh: Thanh Nhị
Thế nhưng, cũng không loại trừ trường hợp doanh nghiệp cố tình lách luật, kê khai thuế không đúng, dẫn đến đóng chưa đầy đủ các nghĩa vụ thuế cho Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp lớn trong tỉnh đã gửi văn bản đề nghị Cục Thuế hướng dẫn thực hiện chính sách giảm thuế GTGT, nhưng theo ngành thuế, chính sách quy định rất rõ ràng, đối tượng nộp thuế cần tìm hiểu kỹ để thực hiện.
 
Một khó khăn đang đặt ra đối với công tác thu ngân sách của tỉnh năm 2022 là khoản thu từ đất. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện kế hoạch này không như mong muốn, do xuất hiện một số vướng mắc, bất cập về giá khởi điểm và hạ tầng chưa hoàn thiện. Nếu những vấn đề không được quan tâm giải quyết, rất có thể mục tiêu thu 3.100 tỷ đồng từ đất sẽ khó thành hiện thực.
 
Từ đầu năm 2022 đến nay, cơ quan có thẩm quyền đã thông báo bán đấu giá hàng trăm lô nền thuộc các địa bàn từ TP.Quảng Ngãi đến các huyện, thị xã, nhưng kết quả chưa đạt yêu cầu. Thậm chí, có những vị trí đắc địa cũng không có cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá. Nguyên nhân là do giá khởi điểm được đưa ra cho từng lô đất quá cao. Mới đây, UBND tỉnh đã yêu cầu Hội đồng Thẩm định giá đất của tỉnh phải xem xét lại việc xác định giá đất khi đưa ra đấu giá, để xây dựng lại giá đất một cách khoa học, hợp lý hơn. Theo đó, giá đưa ra không quá cao, để nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực sự đăng ký tham gia đấu giá. Đối với cơ sở hạ tầng, tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện để đủ điều kiện đưa ra đấu giá theo quy định của pháp luật.
 
Ngoài ra, năm 2022, UBND tỉnh giao dự toán thu từ bán, thuê nhà sở hữu nhà nước 200 tỷ đồng. Song, từ đầu năm đến nay, nguồn thu này vẫn chưa thực hiện được. Như vậy, ngoài thu ngân sách từ dầu, thì hiện vẫn còn nhiều nguồn thu khác chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn thu vẫn chưa đảm bảo tiến độ. Cụ thể, thu từ hoạt động xổ số mới đạt gần 12%, thu tiền SDĐ đạt 4%, thu tiền bán nhà sở hữu nhà nước 0%, thu tiền cho thuê đất đạt 4,4%...
 
Tăng cường chống thất thu
 
Liên tiếp những năm gần đây, nguồn thu từ tiền SDĐ đều không đạt dự toán xây dựng ban đầu. Trước những áp lực này, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương thẩm định giá đất tính thu tiền SDĐ, giá đất khởi điểm để đấu giá quyền SDĐ... kịp thời thu vào ngân sách nhà nước.
 
Ngành thuế tăng cường quản lý doanh nghiệp thông qua phần mềm quản lý rủi ro.     Ảnh: H.Hoa
Ngành thuế tăng cường quản lý doanh nghiệp thông qua phần mềm quản lý rủi ro. Ảnh: H.Hoa
“Để thu được tiền SDĐ không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành thuế, mà cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan. Hiện Cục Thuế đã xây dựng kịch bản thu tiền SDĐ cho từng dự án”,  Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Tiếp cho biết.
 
Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022, Cục Thuế tỉnh yêu cầu các chi cục thuế, các phòng quản lý thu thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của doanh nghiệp, diễn biến thu, nắm chắc các nguồn thu trên địa bàn. Chú trọng công tác phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu, đặc biệt phân tích cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo khoản thu, sắc thuế, từng địa bàn. Từ đó, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu và dự báo thu hằng tháng, hằng quý sát đúng với thực tế phát sinh.
 
Ngoài ra, ngành thuế tập trung xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, sắc thuế còn thất thu tham mưu cho các cấp có thẩm quyền triển khai các biện pháp quản lý, điều hành thu hiệu quả. Tiếp tục tăng cường công tác chống thất thu trong một số hoạt động, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có rủi ro cao về thuế. Trong đó, chú trọng việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
 
  T.NHỊ - H.HOA
                 
 

.