Thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường: Nguy cơ thất thu

02:07, 29/07/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm mỏ khoáng sản, chủ yếu là cát, đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường còn đang trong thời gian khai thác. Tuy nhiên, việc thu thuế trong lĩnh vực này hiện gặp nhiều khó khăn.
TIN LIÊN QUAN

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp (DN) được cấp quyền khai thác khoáng sản, song nguồn thu thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường trong lĩnh vực này đạt rất thấp. Trong khi đó, việc khai thác khoáng sản đã ảnh hưởng rất lớn đến hạ tầng giao thông, môi trường và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên...
Cần tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cần tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Điều đó cho thấy, công tác phối hợp quản lý và thu ngân sách giữa ngành thuế và các đơn vị liên quan còn thiếu chặt chẽ. Mặc dù trung ương và tỉnh đã bổ sung, điều chỉnh một số chính sách nhằm siết chặt công tác quản lý; phương pháp tính thuế khoáng sản minh bạch hơn, nhưng chưa thật sự mang lại hiệu quả. Trong khi đó, hoạt động quản lý sản lượng khai thác, tọa độ mỏ, hợp đồng thuê đất, an toàn khai thác mỏ đá... vẫn còn bỏ ngỏ.

Năm 2019, huyện Sơn Tịnh được Cục Thuế tỉnh giao chỉ tiêu thu thuế khai thác khoáng sản 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay đã nửa năm trôi qua mà nguồn thu này vẫn không thực hiện được. Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Sơn Tịnh Lê Văn Tuấn cho biết: “Tình hình DN nợ tiền khai thác khoáng sản rất nhiều, trong đó có một DN nợ gần 1 tỷ đồng. Ngành thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, nhưng vẫn chưa có hiệu quả”.

Theo ông Tuấn, nguyên nhân dẫn đến nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản gia tăng là do chính sách. Theo đó, DN khai thác khoáng sản được tự kê khai, nộp thuế. Phương thức này là nhằm cải cách hành chính, giảm thiểu thủ tục đối với DN, nhưng cũng để lại nhiều bất lợi đối với việc thu thuế, phí tài nguyên. Bởi lẽ, việc đi kiểm tra từng DN, từng phương án vận chuyển và kiểm tra từng hóa đơn mua bán của các DN đối với ngành thuế là rất khó. Chưa kể các trường hợp mua bán không có hóa đơn.

Năm 2019, Cục Thuế tỉnh được giao dự toán thu 60 tỷ đồng từ cấp quyền khai thác khoáng sản. Đến cuối tháng 6.2019, ước thu được gần 24 tỷ đồng, đạt 40% dự toán tỉnh giao, bằng 61% so cùng kỳ. Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Võ Hùng cho biết: Đến nay, DN nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản gần 11 tỷ đồng. So với năm 2018, thì khoản nợ này đã giảm nhiều, song số DN chây ỳ trong nộp thuế lại gia tăng, trong đó có 4 trường hợp phải cưỡng chế hóa đơn nhưng vẫn không thu được nợ. Do đó, ngành thuế đã đề nghị UBND tỉnh, Sở TN&MT tước giấy phép khai thác khoáng sản đối với các DN trên.

Kiên quyết xử lý các DN nợ kéo dài

Trước thực trạng nhiều DN khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chây ỳ, không chịu nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh kiểm tra, rà soát, tổng hợp các trường hợp chưa thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để có chế tài xử lý. Theo đó, đề xuất UBND tỉnh đình chỉ, hoặc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.


Bài, ảnh: HỒNG HOA


 

.