Thu hồi nợ thuế: Cần giải pháp căn cơ

04:06, 15/06/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng đến nay nợ thuế không những không giảm mà có chiều hướng tăng cao, nhất là nợ khó thu. Nếu không có giải pháp hiệu quả, thì rất khó có thể thu hồi được nợ thuế.

TIN LIÊN QUAN

Nợ thuế gia tăng

Theo số liệu thống kê của ngành thuế, đến 30.4.2019, tổng số nợ thuế của các tổ chức, cá nhân trong toàn tỉnh là 659 tỷ đồng, tăng 127 tỷ đồng (23%) so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng thu 433 tỷ đồng, chiếm 65% tổng số nợ, tăng 115 tỷ đồng và tăng trên 36% so với đầu năm. Nợ khó thu 226 tỷ đồng, chiếm gần 27% tổng số nợ, tăng 11 tỷ đồng (5,1%) so với đầu năm.

Cán bộ Đội quản lý thuế liên xã số 01 (Chi cục Thuế Bình Sơn) thu thuế hộ kinh doanh trên địa bàn.
Cán bộ Đội quản lý thuế liên xã số 01 (Chi cục Thuế Bình Sơn) thu thuế hộ kinh doanh trên địa bàn.


Ngoại trừ Chi cục thuế Sơn Hà - Sơn Tây giảm 407 triệu đồng nợ thuế so với đầu năm, các đơn vị còn lại đều tăng nợ, trong đó một số đơn vị tăng cao như: TP.Quảng Ngãi tăng 17,2 tỷ đồng (16%); Sơn Tịnh tăng 2,6 tỷ đồng (31%); Bình Sơn tăng 5,9 tỷ đồng (20%); Tư Nghĩa tăng 3,5 tỷ đồng (22,5%); Nghĩa Hành tăng 495 triệu đồng, (21%); Minh Long tăng 420 triệu đồng (420%); Đức Phổ - Ba Tơ tăng hơn 10 tỷ đồng (61%); Trà Bồng - Tây Trà tăng 3,2 tỷ đồng (61%).

Theo Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Võ Hùng: Nguyên nhân dẫn đến nợ thuế là do số tiền nợ cũ tồn đọng của những năm trước không thu hồi được; tiền thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), thu nhập cá nhân phát sinh do DN kê khai, quyết toán năm 2018 không nộp kịp thời dẫn đến tăng nợ; một số DN chậm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo thông báo của cơ quan thuế.

Mặt khác, trong 4 tháng đầu năm 2019 có 175 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, 18 DN và chi nhánh giải thể tự nguyện, 30 DN, chi nhánh bỏ địa chỉ kinh doanh; một số DN kinh doanh kém hiệu quả, khó khăn về tài chính và ý thức chấp hành pháp luật thuế của một bộ phận người nộp thuế còn thấp, dẫn đến chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Đặc biệt, khoản nợ thuế của Tổ hợp nhà thầu Technip đã tồn tại trong thời gian dài (số tiền chậm nộp đến nay đã hơn 160 tỷ đồng), Cục thuế cũng đã nhiều lần kiến nghị lên Bộ Tài chính, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng xử lý.

Số nợ thuế cao, cộng với số tiền phạt nộp chậm cứ “đội” lên mỗi ngày, làm số nợ khó thu tăng theo. Ngoài ra, đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nhưng chưa được thanh toán, theo quy định số nợ này không tính tiền chậm nộp, nên DN để nợ kéo dài.

Còn nhiều bất cập

Trong 4 tháng đầu năm 2019, ngành thuế đã ban hành 35.593 lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp, để đôn đốc người nộp tiền nợ thuế vào ngân sách; áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với 196 DN; công khai thông tin 203 DN và 455 hộ kinh doanh không chấp hành nghĩa vụ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin điện tử của ngành. Đồng thời, làm việc với 17 DN nợ thuế lớn như: Tổ hợp nhà thầu Technip, Công ty TNHH Đồng Tâm Quảng Ngãi, Chi nhánh Quảng Ngãi – Công ty CP kinh doanh bất động sản Minh Hoàng, Công ty TNHH giấy Hải Phương, Công ty CP Licogi, Công ty TNHH xây dựng thương mại Viễn Dương... để động viên, đôn đốc thu nộp tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Qua đó, đã thu nộp ngân sách 566 tỷ đồng tiền thuế nợ đọng.

Mặc dù vậy, công tác thu nợ thuế hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bởi một số biện pháp cưỡng chế, như kê biên tài sản không đạt hiệu quả trong thực tế, khi tài sản của nhiều DN có số tiền nợ thuế lớn, kéo dài đã được thế chấp, hoặc trị giá không cao. Hay nhiều DN đã rút khỏi địa điểm đăng ký kinh doanh mà đơn vị quản lý thu thuế không biết.

Bất cập nữa là, những chủ DN này lại lập DN khác dễ dàng vì Luật Doanh nghiệp hay Luật Quản lý thuế không quy định việc chủ thể nợ thuế không được lập DN mới. Trong khi đó, theo ngành thuế việc thực hiện cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp trích tài khoản ngân hàng gặp nhiều khó khăn, do DN nợ thuế chuyển sang giao dịch tiền mặt và cơ quan thuế chủ yếu chỉ nắm được số tài khoản không có số dư, hoặc số dư nhỏ không đủ thực hiện cưỡng chế. Ngoài ra, chế tài xử lý các DN nợ thuế cũng chưa nghiêm, bởi luật quy định hành vi được coi là trốn thuế khi số tiền trên 100 triệu đồng trở lên, nhưng nợ thuế ở mức nào, thời hạn bao lâu, thì chưa quy định rõ.

 

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Luyện: "Cần quy định rõ các trường hợp xóa nợ, khoanh nợ"

Theo thống kê, nợ thuế bỏ địa chỉ kinh doanh tăng theo từng năm. Cụ thể, năm 2015 là 64 tỷ đồng, năm 2016 là 92 tỷ đồng, năm 2017 nợ 115 tỷ đồng, năm 2018 trên 140 tỷ đồng. Như vậy, hằng năm có trên dưới 100 tỷ đồng nợ thuế bỏ địa chỉ kinh doanh. Vì thế, không thể xóa nợ theo Luật Phá sản, vì hầu như không có DN phá sản mà DN tự ra đời và tự chết.

Mặc dù không thể thu hồi được khoản nợ trên, nhưng theo Luật Quản lý thuế hiện hành, thì cơ quan thuế vẫn phải theo dõi, quản lý, tính tiền chậm nộp đối với các khoản nợ này, dẫn đến số nợ mà cơ quan thuế phải theo dõi trên sổ sách là rất lớn, nhưng là nợ ảo, tạo áp lực lớn về chi phí, nhân lực quản lý.

Đối với trường hợp xóa nợ cho cá nhân đã chết, hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, các cơ quan chức năng cần phải kiểm tra chặt chẽ, tránh trường hợp bao che cho nhau để trốn thuế. Riêng đối với trường hợp mất hành vi dân sự phải có giấy giám định của cơ quan y tế. Kiên quyết không xóa nợ thuế cho các đối tượng cố tình vi phạm Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan, để đảm bảo công bằng với các đối tượng khác.

 

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Nguyên - Phó trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính - Kế toán: "Chủ thể nợ thuế không được thành lập doanh nghiệp mới"

Hiện nay, chỉ cần vài triệu đồng là một cá nhân đã thành lập được DN, sau đó nợ thuế, bỏ địa chỉ kinh doanh, nhưng lại thành lập một DN khác. Trong khi đó, quá trình giám sát, theo dõi hoạt động sau khi thành lập DN của cơ quan chức năng lại quá lỏng lẻo. Chính sự “dễ dãi” này đã tạo điều kiện để DN lách luật, trốn thuế. Để chấn chỉnh tình trạng này, thì Luật Quản lý thuế cần quy định rõ chủ thể nợ thuế không được thành lập DN mới. Thậm chí, những người thân của chủ thể nợ thuế cũng không được thành lập DN mới, tránh trường hợp lách luật.

Bên cạnh đó, cần phải có Tòa án thuế phối hợp với công an, viện kiểm sát để chuyên xử lý các trường hợp nợ thuế. Vì cơ quan thuế chỉ có chức năng thu hồi hóa đơn, nên không thể răn đe được các DN cố tình nợ thuế.

 

Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Trà Bồng - Tây Trà Lê Tiến Vinh: "Khó kiểm soát doanh nghiệp“ma”

Trong năm 2015 và 2018 có hai doanh nghiệp ở huyện Sơn Tịnh đến hoạt động trên địa bàn huyện Trà Bồng, Tây Trà, nhưng Chi cụcThuế không thu được thuế do không có địa chỉ thường trú. Mặc dù,

 

Chi cục Thuế đã phối hợp với cơ quan chức năng xác minh địa chỉ thường trú và gửi giấy mời, nhưng tất cả đều được bưu điện phản hồi về là không gửi được. Vì thế, nợ cứ treo và vẫn cứ tính tiền chậm nộp.

Ông Lê Thiện Doanh, thành viên Hội đồng tư vấn thuế phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi): "Phải tăng mức phạt đối với các trường hợp chậm nộp tiền thuế"

Theo quy định hiện hành, các trường hợp chậm nộp được tính theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Mức phạt này xem ra vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức phạt của ngân hàng. Chính vì vậy, nhiều DN đang khó khăn về tài chính chấp nhận nợ thuế để trả nợ ngân hàng. Thiết nghĩ, cần phải nâng mức phạt tiền chậm nộp so với quy định hiện nay, để hạn chế tình trạng nợ thuế, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các DN.


HỒNG HOA
(thực hiện)

 


.