(Báo Quảng Ngãi)- Lòng biết ơn là nền tảng đạo đức mà mỗi người cần bồi đắp. Chính vì vậy, việc giáo dục lòng biết ơn cho thế hệ trẻ sẽ giúp trẻ hoàn thiện nhân cách tốt đẹp trong tương lai.
Làm gương cho trẻ
Từ khi con còn nhỏ, chị Hồ Thị Kim Thuận, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), đã định hướng, dạy cho con biết ơn và thể hiện lễ nghĩa với mọi người ở quanh mình. Cháu Ngô Mẫn Quân, con gái chị Thuận, mới 5 tuổi đã biết tự chăm sóc bản thân, phụ giúp đỡ công việc nhà, quan tâm đến người thân và những người xung quanh.
Chị Thuận chia sẻ, việc dạy con biết ơn mọi người và quý trọng những thứ xung quanh rất quan trọng, đây là nền tảng giúp con hoàn thiện nhân cách tốt hơn. Tôi thường kể con nghe câu chuyện về lòng biết ơn, dạy con biết khoanh tay cảm ơn khi nhận món đồ từ ai đó. Tôi cũng không quên dành lời khen hoặc phần thưởng nhỏ để khích lệ con. “Với con trẻ, dạy bằng lời nói thôi chưa đủ, mà phải qua việc làm cụ thể, con mới hiểu được giá trị của lòng biết ơn. Tôi thường đưa con đến quét dọn, dâng hương ở nghĩa trang liệt sĩ; hướng dẫn con gói quà để tặng người nghèo”, chị Thuận chia sẻ.
Chị Hồ Thị Kim Thuận, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), luôn dạy con tỏ lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ và mọi người xung quanh. Ảnh: MỸ DUYÊN |
Cùng mẹ trở về sau khi thắp hương nghĩa trang liệt sĩ, Mẫn Quân cảm ơn mẹ vì được mẹ ghi vào bảng thành tích việc tốt. Mẫn Quân bày tỏ, con được mẹ dạy phải biết kính trọng, biết ơn công lao của ông bà, cha mẹ, biết trân trọng những điều con có và yêu thương, giúp đỡ người khác. Có như vậy, con mới trở thành người tốt.
Để xây dựng lòng biết ơn cho con cháu của mình, ông Trần Văn Điểm, ở thôn Tú Sơn 2, xã Đức Lân (Mộ Đức), luôn làm gương cho con cháu từ cử chỉ, lời nói, cho đến những việc làm, hành động cụ thể. Ông Điểm cho rằng, ông bà, cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên và quan trọng ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ. Không chỉ trẻ con cần thể hiện lòng biết ơn, mà tôi cũng không ngần ngại cảm ơn vợ, con, cháu đã nấu cho mình bữa cơm ngon, hoặc giúp tôi có bộ quần áo thơm tho. Từ nhỏ, các con, cháu luôn bày tỏ lòng cảm kích, biết ơn những điều mình được nhận. Các thành viên trong gia đình thường ghi nhớ những sự hỗ trợ, giúp đỡ từ người khác.
Bên cạnh việc giáo dục kỹ năng, các trường mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ... cũng chú trọng lồng ghép bài học về tình yêu quê hương, đất nước, qua đó ươm mầm, nuôi dưỡng lòng biết ơn cho trẻ từ khi còn nhỏ. Chị Nguyễn Thị Lệ Diễm, chủ cơ sở Nhà trẻ Việt Nhí, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) cho rằng, muốn trẻ hình thành các đức tính tốt, ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ, cô giáo cần dạy cho các con về điều gì nên làm, không nên làm. Ở độ tuổi mầm non, các con dễ bắt chước, học theo, nhưng cũng không phải tự nhiên con biết thể hiện lòng biết ơn, mà đó là hành trình giáo viên, cha mẹ kiên nhẫn giải thích, hướng dẫn và làm gương cho trẻ hình thành lòng biết ơn.
Nuôi dưỡng lòng tốt
“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là những tục ngữ quen thuộc, thể hiện triết lý nhân văn sâu sắc về lòng biết ơn của người Việt. Nuôi dưỡng và rèn luyện lòng biết ơn không chỉ giúp mỗi cá nhân ghi nhớ và trân trọng những giá trị tốt đẹp, mà còn lan tỏa năng lượng tích cực trong suy nghĩ và hành động của bản thân đến người khác. Khi hướng lòng về những điều tốt đẹp, còn giúp mỗi cá nhân trưởng thành và hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Với chị Huỳnh Thị Bạch Tuyết (21 tuổi), ở xã Ba Động (Ba Tơ), lòng biết ơn của thế hệ trẻ chính là biết ơn gia đình, quê hương, đất nước, biết ơn công lao của các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh để thế hệ trẻ được sống trong hòa bình. Có nhiều cách để thế hệ trẻ thể hiện lòng biết ơn như tích cực rèn luyện bản thân, tham gia các hoạt động, phong trào, làm việc nhà để giúp đỡ cha mẹ. Mỗi ngày, chị Tuyết thường giữ thói quen ghi vào cuốn nhật ký những điều tốt mình đã nhận trong ngày. Đây là một cách để chị nuôi dưỡng và rèn luyện lòng biết ơn từ những giá trị trong cuộc sống.
“Buổi tối, tôi thường ghi ra từ 5 - 10 điều mà tôi cảm thấy biết ơn trong ngày hôm đó. Nuôi dưỡng lòng biết ơn còn giúp tôi có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Tôi vẫn nhớ và biết ơn câu nói của một người chị đã giúp tôi có quyết định mạnh mẽ, đó là thi lại đại học để chọn ngành phù hợp. Trước đó, tôi từng học ngành ngôn ngữ Hàn tại một trường đại học ở TP.Hồ Chí Minh. Khi nhận ra mình không phù hợp với ngành học đó, tôi vô cùng phân vân, khó khăn để lựa chọn. Người chị đã động viên, khích lệ tôi nên rẽ hướng khác. Vì thế, tôi quyết định thi lại và học ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên của Trường Đại học Phạm Văn Đồng”, chị Tuyết bộc bạch.
Nhà trẻ Việt Nhí lồng ghép chủ đề về biết ơn Bác Hồ, các thế hệ cha anh trong các tiết học. Ảnh: M. DUYÊN |
Theo thạc sĩ tâm lý học Võ Thị Thiều, giảng viên Khoa Sư phạm xã hội (Trường Đại học Phạm Văn Đồng), lòng biết ơn là một trong những phẩm chất cần thiết của mỗi người, là khởi điểm của hạnh phúc, cũng là ngọn nguồn của sự tiến bộ và nỗ lực. Một người có lòng biết ơn sẽ trân trọng sinh mệnh, cuộc sống và vạn vật. Cuộc sống của họ sẽ tràn đầy cảm xúc cũng như năng lượng tích cực.
“Lòng biết ơn không tự nhiên mà có, mà được xây dựng từ những trạng thái cảm xúc lặp đi lặp lại, từ sự giáo dục, quan sát hành vi ứng xử của những người xung quanh và trở thành thuộc tính lâu dài, hình thành nên nhân cách, đạo đức tốt đẹp của con người. Việc giáo dục lòng biết ơn cho thế hệ trẻ là điều rất cần thiết. Bên cạnh vai trò của nhà trường, cha mẹ chính là chiếc nôi nuôi dưỡng đặc biệt quan trọng của lòng biết ơn, giúp con có thể hiểu, nuôi dưỡng cảm xúc tốt đẹp và trân trọng mọi thứ xung quanh”, thạc sĩ Võ Thị Thiều chia sẻ.
Nghĩ về lòng biết ơn từ một quỹ học bổng
Một trong những khoảnh khắc khiến nhiều người xúc động tại chương trình trao học bổng Thắp sáng ước mơ năm 2024 do Báo Quảng Ngãi, Tỉnh đoàn phối hợp với Ban vận động thành lập Quỹ Học bổng nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, Nhóm những người bạn Quảng Ngãi tại TP.Hồ Chí Minh tổ chức, đó là các em học sinh, sinh viên nhận học bổng tặng hoa và gửi lời cảm ơn đại diện nhà tài trợ.
Em Lê Thảo Duyên, hiện là sinh viên Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế), đã ôm chầm bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Âu Cơ, xúc động bày tỏ lòng biết ơn vì em đã được giúp đỡ, hỗ trợ vật chất, tinh thần trong suốt thời gian qua.
Học sinh, sinh viên tặng hoa cảm ơn nhà tài trợ tại chương trình trao học bổng Thắp sáng ước mơ năm 2024. Ảnh: B.HÒA |
Là một trong số học sinh nhận học bổng của chương trình Thắp sáng ước mơ, em Lê Thị Hồng Diễm, học sinh lớp 8C, Trường THCS Minh Thạnh (Mộ Đức), xúc động gửi lời cảm ơn đến gia đình nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ và các nhà tài trợ. Các suất học bổng, phần quà không chỉ có giá trị về vật chất, mà còn chứa đựng, gửi gắm biết bao tình yêu thương, niềm tin của các tấm lòng nhân ái rằng các em sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập. Em hứa cố gắng học thật tốt để xứng đáng với sự quan tâm, yêu thương của các cô, chú, bác.
Dẫn con đi nhận học bổng Thắp sáng ước mơ, chị Phạm Thị Tiêm (34 tuổi), dân tộc Hrê ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) bộc bạch, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nên khi nghe con được xét chọn nhận học bổng trị giá 3 triệu đồng cùng với phần quà Trung thu từ chương trình, tôi mừng rơi nước mắt. “Tôi dặn con gái luôn ghi nhớ, biết ơn và cố gắng học thật tốt để không phụ lòng các cô, bác đã dành tặng học bổng”, chị Tiêm cho hay.
Những người tham dự chương trình ai cũng xúc động khi nghe ông Bùi Duy Chính, Trưởng nhóm những người bạn Quảng Ngãi tại TP.Hồ Chí Minh, bày tỏ lòng biết ơn quê hương đã sinh ra, nuôi nấng những người con nay đã trưởng thành ở khắp mọi miền đất nước. “Với tấm lòng hướng về quê hương, những người con xa quê luôn trăn trở, đau đáu đóng góp cho quê nhà. Và những suất học bổng tặng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là một trong những việc làm thể hiện lòng biết ơn của những người con Quảng Ngãi. Cảm ơn những người bạn đã đồng hành, giúp đỡ quỹ học bổng, cảm ơn các em học sinh, sinh viên và gia đình đã đến tham dự chương trình đông đủ để chúng tôi được tận tay trao các suất học bổng, phần quà đến các em”, ông Chính chia sẻ.
BẢO HÒA - MỸ DUYÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: