(Báo Quảng Ngãi)- Ngành y tế tỉnh đã có nhiều điểm sáng trong công tác chuyển đổi số, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Phát triển y tế chuyên sâu
Giữa tháng 11/2023, khi đang đi đánh bắt hải sản ven bờ, ngư dân Phạm Nhỏ (52 tuổi), ở xã Đức Minh (Mộ Đức) không may bị tai nạn lao động, khiến chân trái của ông bị dập nát. Ông Nhỏ nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh. Sau khi cắt bỏ mô hỏng, khâu nối gân cơ bị đứt, che phủ các vị trí bị lộ gân và xương cho bệnh nhân, các y, bác sĩ tiếp tục chăm sóc vết thương bằng kỹ thuật hút lực âm kết hợp với liệu pháp ô xy tại chỗ. Đây là một trong các kỹ thuật mới, được bệnh viện triển khai trong năm 2023.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai kỹ thuật cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn cho bệnh nhân từ tháng 12/2023. |
“Kỹ thuật này giúp quá trình liền vết thương diễn ra nhanh chóng hơn bằng cách loại bỏ dịch tiết, giảm phù nề, giúp tăng cường lưu thông máu đến vết thương và tăng cường cung cấp ô xy cho mô, giúp "hồi sức" phần mô tổn thương đang có nguy cơ hoại tử. Việc điều trị bằng kỹ thuật này còn giúp tăng lực kéo các cạnh của vết thương lại với nhau, giúp thu nhỏ vết thương. Nhờ đó, vết thương của bệnh nhân Phạm Nhỏ hồi phục nhanh chóng”, Bác sĩ chuyên khoa I Lê Đức Bình- Khoa Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình - Bỏng (BVĐK tỉnh) cho biết.
Theo Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Huỳnh Thị Thuận, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, năm 2023, cùng với việc duy trì rất tốt các kỹ thuật áp dụng trước đó, bệnh viện tiếp tục triển khai 13 kỹ thuật mới, gồm: Cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn điều trị các rối loạn nhịp chậm, điều trị thoái hóa khớp bằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, hút áp lực âm liên tục trong điều trị vết thương, vết bỏng... Đây đều là các kỹ thuật chuyên sâu, giúp bệnh viện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.
Để triển khai hiệu quả kỹ thuật mới, bệnh viện đã cử nhiều đợt bác sĩ đi đào tạo chuyên môn tại bệnh viện tuyến trung ương; mời các bác sĩ, chuyên gia giỏi về đào tạo chuyên môn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho y, bác sĩ bệnh viện. Nhờ đó, nhiều kỹ thuật mới, khó, dần phát triển hoàn thiện, trở thành kỹ thuật thường quy, giúp bệnh viện cứu sống nhiều bệnh nhân nặng. Trong đó, nổi bật là kỹ thuật can thiệp mạch vành, giúp cứu sống hàng nghìn bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Kỹ thuật ECMO, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở...
Hướng đến nền y tế hiện đại
Tính đến tháng 12/2023, Bệnh viện (BV) Sản - Nhi tỉnh là 1 trong 50 bệnh viện đầu tiên trong cả nước triển khai bệnh án điện tử. Có bệnh án điện tử, bệnh nhân không phải lưu trữ các loại giấy tờ như: Kết quả chẩn đoán, xét nghiệm, danh mục thuốc... vì tất cả thông tin này đều được lưu trên hệ thống phần mềm của BV.
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất Tỉnh luôn rất quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực y tế, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Hiện tại, 2 công trình y tế lớn của tỉnh là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tại phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) và Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh, tại xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh), với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng đang triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Tháng 7/2023, Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIII cũng đã thông qua Nghị quyết Quyết định chủ trương đầu tư dự án Đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị y tế của ngành y tế. Theo đó, từ năm 2023 - 2026, tỉnh sẽ đầu tư khoảng 350 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện và mua sắm trang thiết bị y tế. |
“Năm 2023, BV tiếp nhận, điều trị hơn 55 nghìn lượt bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân đông, nếu thực hiện bệnh án giấy, các y, bác sĩ sẽ tốn nhiều thời gian khi cần truy cứu lại hồ sơ, nhất là trong trường hợp khẩn cấp phục vụ công tác cấp cứu, hội chẩn. Còn khi triển khai bệnh án điện tử, các y, bác sĩ chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên máy tính là có thể tra cứu ngay hồ sơ bệnh án của người bệnh. Việc này cũng giúp BV tiết kiệm rất nhiều diện tích, không gian trong lưu trữ hồ sơ”, Giám đốc BV Sản - Nhi tỉnh Nguyễn Đình Tuyến chia sẻ.
Hướng tới nền y tế hiện đại, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập của tỉnh tập trung đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh; triển khai đồng bộ công tác khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip; hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt.
Từ những nỗ lực đó, năm 2023, chuyển đổi số ngành y tế của tỉnh vượt chỉ tiêu đề ra. Theo Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 4/4/2023 về Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số năm 2023, có 2 chỉ tiêu đối với ngành y tế, gồm: Tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa trên 30%, tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử trên 80%; tỉnh Quảng Ngãi đều đạt cả 2 chỉ tiêu này từ tháng 8/2023.
Theo Giám đốc Sở Y tế Phạm Minh Đức, hướng đến nền y tế hiện đại, chất lượng, ngành y tế tiếp tục xem chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian đến. Đồng thời, tiếp tục chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp nhận nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu từ các BV tuyến trung ương để nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Tranh thủ các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế để đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân.
Bài, ảnh: Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: