Ngày xưa, ở vùng nông thôn, trong mỗi nhà, dù làm biển hay làm nông đều phải sắm đôi bầu hoặc chiếc bầu. Nó còn có tên gọi rất dân gian là bầu đường hay “thùng quảng”. Bầu được đan bằng tre, chỉ có những thợ đan lát lành nghề mới tạo ra những chiếc bầu vì nó có “cấu tạo” hơi phức tạp. Nhìn phía ngoài, chiếc bầu có hình vòng tròn, phía dưới đáy bầu gom lại, thân bầu loe rộng ra, miệng bầu hơi thắt lại, phía trên miệng bầu luôn có nắp đậy, dưới dáy bầu có chân đế bằng gỗ vững chắc. Khi sử dụng, nếu là chiếc thì có thể khiêng hoặc quảy, nếu dùng cả đôi thì cần chiếc đòn gánh. Vậy nên, mỗi chiếc bầu đều có xỏ 4 sợi dây chắc chắn từ dưới đế gỗ luồn qua hai bên thân như một chiếc gióng để có thể gồng gánh. Chiếc đòn gánh làm bằng tre cứng cáp.
Đôi bầu của người dân xứ Quảng thuở xưa. |
Cũng giống như chiếc thuyền thúng và ghe nan, bầu được sơn quét bằng dầu rái để bảo vệ lớp nan lâu bền qua thời gian và có thể đựng được cả hàng khô lẫn hàng ướt. Đôi bầu rất hữu dụng đối với người dân miền biển, được sử dụng phổ biến nhất là gánh mắm. Một thời, loại mắm được ưa thích, “bán chạy” ở các làng thuần nông vùng đồng bằng hay vùng trung du, miền núi chính là mắm cái. Đây là loại mắm mà quy trình và kỹ thuật muối làm cho cá không chín rục, hoặc còn nguyên con, nước mắm màu đục và đặc quánh lại.
Bên cạnh mắm lọc, mắm nhỉ, người dân gánh mắm cái đi “bán dạo” ở vùng thôn quê hay lên tận vùng cao. Bán được mắm họ liền mua lúa hoặc khoai, mì, đường bát... gánh về. Lúc lúa khoai chưa có thì họ vẫn đổi mắm và hẹn mùa thu hoạch sau sẽ đến gánh về. Mỗi chuyến đi bán mắm, họ phải gánh bộ vài chục cây số từ biển lên nguồn, hoặc theo ghe đò đến chợ vùng cao, rồi từ đó đi đến từng nhà dân để đổi mắm lấy lương thực. Đối với người dân làng chài, khi mùa đông gió bấc, trong nhà họ phải có vài phi lúa, thùng khoai khô mới yên tâm.
Chiếc bầu được người dân đựng bánh in trong ngày Tết. |
Bằng sự chịu thương chịu khó, đôi vai của các bà mẹ quê đã phải gánh gồng bao cực nhọc qua mọi nẻo đường để đảm bảo cuộc sống ấm no cho gia đình. Đôi bầu đã gánh cả cái nghèo khổ, nên người dân làm biển xứ Quảng có câu ca dao: “Gánh nghèo mà đổ lên non/ Gánh quay xuống biển nghèo còn chạy theo”.
Ở các làng thuần nông, đôi bầu được người dân sử dụng để gánh đường bát nên có nơi gọi là “bầu đường”. Mỗi chiếc bầu có thể đựng được 30 cặp đường bát. Đây là loại đường được làm thủ công ở các “che mía”. Mật mía cô đặc đổ vào cái bát tạo thành sản phẩm có màu nâu đen, người dân quê thường gọi là đường bát. Đường bát sử dụng để nấu chè, làm bánh in, bánh tổ, bánh lăng, làm kẹo...
Đối với người dân miền biển, ngoài việc gánh mắm, bầu còn được sử dụng để đựng bánh khô. Mỗi lần Tết đến, từ chiếc bầu gánh mắm trở thành bầu bánh. Các loại bánh Tết của người dân xứ Quảng được đựng trong chiếc bầu để bảo quản. Không khí và côn trùng không thể xâm nhập vào bên trong bầu, nên bánh giữ được cả tháng sau Tết vẫn không bị hư mốc và còn nguyên hương vị. Trẻ con đi chơi hay đi học về, lúc bụng đói, liền mở nắp bầu lấy chiếc bánh in, bánh thuẩn để nhấm nháp.
Hình ảnh đôi bầu và chiếc đòn gánh được trưng bày ở Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi. |
Cặp bầu của người dân xứ Quảng là vật dụng ra đời khá lâu, gắn với thời kỳ khẩn hoang, mở đất của cha ông. Thời nay, đôi bầu không còn công dụng nữa, chỉ là hiện vật còn thấy xuất hiện trong bảo tàng hay trong các bộ sưu tập tái hiện đời sống dân gian. Nó gợi lại bao kỷ niệm xa xưa khó có thể phai mờ trong ký ức của nhiều người. Tên gọi của nó khiến ta hình dung, liên tưởng đến đôi bầu sữa mẹ ngọt ngào cho em thơ nguồn sống, cho hạnh phúc, ấm no trong mỗi gia đình.
Bài, ảnh: TẤN VỊNH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: