(Báo Quảng Ngãi)- Trong những khoảnh khắc diễn ra trong năm, có lẽ đêm giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất với mỗi người. Nó không chỉ là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới mà đó còn là thời khắc của sum họp, của đoàn tụ trong mỗi gia đình. Ngay thời khắc đó, ông bà, cha mẹ sẽ căn dặn con cháu những điều cần thiết, nhắc nhở cho con cháu luôn nhớ về tổ tiên, phải biết tạc dạ và tri ân những bậc tiền nhân đi mở làng lập ấp; cha mẹ cũng sẽ nói với các con về điều hơn lẽ thiệt đã diễn ra trong năm… Năm cũ cùng những vui buồn sẽ được khép lại, một trang của năm mới cũng sẽ được mở ra ngay trong thời khắc giao thừa.
Thế nhưng, không phải ai cũng được đoàn tụ, được ngồi quanh bếp lửa của nồi bánh chưng cuối năm để nói về những vui buồn, còn mất. Trong lúc bao gia đình háo hức đón đợi thời khắc bàn giao giữa năm cũ và năm mới, chăm chú lắng nghe lời chúc tết của người đứng đầu Nhà nước thì có hàng trăm người vẫn còn miệt mài với công việc ở hầu khắp các ngả đường. Họ là những công nhân vệ sinh, sẽ dọn những túi rác cuối cùng để phố phường, xóm làng sạch đẹp khi bước vào năm mới. Gọi họ là những người không có giao thừa là vậy.
Cứ độ khoảng 23 giờ là công nhân vệ sinh môi trường bắt đầu công việc quét dọn, thu gom rác thải. Ảnh: T.L |
Do đặc thù của công việc nên số công nhân dọn vệ sinh trên các ngả đường từ thành phố Quảng Ngãi đến các vùng nông thôn xa xôi ở khắp các huyện, trừ huyện Lý Sơn, đều phải ra khỏi ngôi nhà của mình để thực thi công việc. Không phải đến đêm giao thừa, số công nhân này mới làm công việc dọn vệ sinh mà ngày nào họ cũng làm công việc vất vả ấy. Tuy nhiên, đêm giao thừa, khối lượng công việc sẽ nhiều hơn do những ngày cuối năm, lượng hàng hóa nhiều, số rác cũng theo đó tăng lên buộc số công nhân này vừa phải tăng số lượng người vừa phải tăng công suất quét dọn và thu gom rác.
Ông Đoàn Nhật Linh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Quảng Ngãi nói rằng, đêm giao thừa năm nay, Công ty sẽ huy động khoảng 800 người ra đường thực thi công việc của đêm cuối cùng năm Quý Mão, trong số này có khoảng 40% là phụ nữ. Có hàng chục gia đình mà cả vợ lẫn chồng đều là công nhân dọn vệ sinh phải ra đường đêm đó. Khoảng 800 đến 1.000 tấn rác đang đợi họ! Thương cảm nhất là những chị em phụ nữ chân yếu tay mềm phải lao động ngay trong thời khắc năm cùng tháng tận giữa cái lạnh cắt thịt cắt da. Còn một điều này nữa, công việc bếp núc dồn vào những ngày cuối năm, đêm giao thừa rất cần bàn tay sắp xếp của các chị, nhưng vì công việc, những người phụ nữ ấy đành phải gác lại, nhờ cha mẹ hai bên phụ giúp.
Rác và chất thải là một phần trong sinh hoạt của con người. Đối với những ngày Tết, do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng lên nên lượng rác cũng tăng theo. Đối với rác ở các chợ, những công nhân dọn vệ sinh vất vả đã đành, việc dọn dẹp những chậu hoa bị đập vỡ, những cành hoa vương vãi tung tóe trên các vỉa hè lại càng làm cho họ vất vả hơn.
Năm nào cũng vậy, có không ít người mua hoa cứ đợi đến phút cuối cùng chuẩn bị đón giao thừa thì mới đi mua hoa vì lúc bấy giờ những người bán hoa cũng mong bán nốt số hoa còn lại dù giá rẻ để về kịp đón giao thừa. Tuy nhiên, nhiều người bán hoa có suy nghĩ tiêu cực rằng, thà đập bỏ còn hơn là bán rẻ. Cuối cùng, chính cái cách hành xử với hoa, cả người đợi mua giá rẻ lẫn người đập bỏ hoa, đều trút gánh nặng lên vai các chị các anh công nhân vệ sinh môi trường! Đó là điều thật đáng tiếc vì gần như năm nào cũng diễn ra!
Để có một cái Tết vui tươi, đầm ấm, gia đình quây quần bên nhau đêm giao thừa và rủ nhau đi chơi xuân, mỗi gia đình người Việt không chỉ chuẩn bị đồ ăn thức uống truyền thống có tự ngàn xưa hoặc những món ăn mà mình ưa thích mà còn rất cần một không gian thoáng đãng, rất cần những con đường sạch sẽ, trong lành. Chính những người công nhân vệ sinh đường phố ấy đã và đang đáp ứng nhu cầu đó của tất cả chúng ta. Hy sinh việc riêng để phục vụ cho cộng đồng một cách tốt nhất, đó chính là cách hành xử của những người không biết đến giao thừa này.
Tự đáy lòng, chúng ta luôn ơn nghĩa họ khi được tận hưởng một mùa xuân ấm áp và trong lành từ những việc làm của các anh các chị công nhân dọn rác này.
TRẦN ĐĂNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: