Cách đây 57 năm, một trung đội lính Nam Triều Tiên từ căn cứ Quang Thạnh, xã Tịnh Thọ tràn vào thôn Phước Bình, xã Tịnh Sơn. Tại đây, đội quân đánh thuê đã dùng tiểu liên bắn xối xả và ném lựu đạn vào người dân, làm cho 68 đồng bào, trong đó có 21 cụ già, 47 phụ nữ và trẻ em bị sát hại. Ba ngày sau, lính Nam Triều Tiên từ căn cứ núi Tròn mở cuộc càn quét vào thôn Diên Niên. Tại đây, chúng đã giết hại 112 người dân vô tội. Chỉ trong 2 ngày, lính Nam Triều Tiên đã tàn sát 180 thường dân thôn Diên Niên và Phước Bình.
Năm nay đã gần 80 tuổi, bà Nguyễn Thị Hùng (từng là du kích địa phương) kể lại, địch đến gom dân rồi xả súng bắn. Nhiều gia đình bị sát hại dã man. “Gia đình tôi có 5 người mất trong vụ thảm sát, gồm mẹ, các anh, chị, em tôi. Riêng tôi và cha may mắn đi lừa bò, trốn trong núi nên sống sót. Vượt lên đau thương, tôi tham gia du kích địa phương, đứng lên cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương”, bà Hùng rưng rưng kể.
Vùng đất Diên Niên - Phước Bình, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) hôm nay. |
Gia đình anh Nguyễn Thanh Hải, ở thôn Phước Bình cũng có người thân mất trong vụ thảm sát. Anh đã nỗ lực học tập phấn đấu trở thành Chỉ huy trưởng quân sự xã, góp sức xây dựng quê hương. “Gác lại quá khứ để vươn đến khát vọng hòa bình, giờ chúng tôi chỉ mong thế giới này không còn nỗi đau chiến tranh. Là cán bộ ở địa phương, tôi tâm niệm phải nỗ lực phục vụ tốt nhất cho nhân dân; tạo sự đồng thuận để xây dựng quê hương giàu đẹp”, anh Hải bộc bạch.
Vùng đất Diên Niên, Phước Bình nói riêng, xã Tịnh Sơn nói chung hôm nay đã thay màu áo mới. Người dân đã nỗ lực cần cù lao động, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Anh Phan Quang Thái (33 tuổi), ở thôn Diên Niên, là nạn nhân chất độc da cam. Dù khuyết tật, nhưng anh Thái đã không ngừng nỗ lực, vươn lên phát triển kinh tế. Anh Thái chia sẻ, cha anh từng tham gia kháng chiến, bảo vệ quê hương. Noi gương truyền thống cách mạng của thế hệ cha, ông đi trước, dù không khỏe mạnh như những thanh niên khác, nhưng tôi đã nỗ lực chăn nuôi 3 con bò lai, gần 200 con gà thả vườn. Nhờ đó, tôi vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.
Còn ông Nguyễn Nga, ở thôn Phước Bình, giờ tóc đã hoa râm, vượt lên đau thương khi chứng kiến người thân đã mất trong vụ thảm sát, ông xây dựng gia đình văn hóa, nỗ lực phát triển kinh tế, chăm lo cho các con ăn học chu đáo. “Những năm qua, nhờ Đảng và Nhà nước đầu tư đường sá, nước sạch, hướng dẫn người dân phát triển các mô hình kinh tế, hỗ trợ vốn vay... nên gia đình tôi đã tận dụng đất đồi, đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế”, ông Nga cho hay.
Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Sơn Nguyễn Hồng Nhân cho biết, bằng sự đồng lòng, quyết tâm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tịnh Sơn đang phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2024. Đến nay, toàn xã đã đạt 13 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Tổng giá trị sản xuất năm 2023 của xã ước đạt 545,9 tỷ đồng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 1,4%. Gia đình đạt chuẩn văn hóa gần 95%. Toàn xã có 3 trường học thuộc 3 cấp học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư khang trang, 100% các tuyến đường giao thông nông thôn đã được bê tông. Đời sống của người dân từng bước được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người của xã trong năm 2023 ước đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm...
Điểm xảy ra vụ thảm sát Diên Niên - Phước Bình đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Vào các ngày tưởng niệm, lễ, Tết, người dân và nhiều du khách thường xuyên đến thăm viếng, tưởng nhớ những người đã mất. |
Bài, ảnh: TRÍ PHONG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: