(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù sách điện tử ngày càng phát triển, song nhiều người vẫn giữ thói quen đọc sách in. Để tiết kiệm chi phí và cũng là thỏa đam mê sưu tầm sách, nhiều bạn đọc chuyên “săn” sách giảm giá.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL, là một trong số những người chuyên “săn” sách giảm giá. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, ông đã tìm mua sách cũ, sách giảm giá để tiết kiệm chi phí. Có khi, ông lại mua được sách mình cần, liên quan đến chuyên môn, nếu may mắn còn mua được sách quý hiếm. Mỗi lần đi công tác ngoài tỉnh, ông thường dành thời gian đến các hiệu sách, hay ở các con đường bán sách cũ, như phố Đinh Lễ, Tràng Thi (Hà Nội), Lê Lợi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, đường sách Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh), hay các hội chợ có quày bán sách... để mua sách, nhất là sách giảm giá. “Giờ thì ở nhà tôi, chỗ nào cũng sách, có khi đã đến hơn ba nghìn cuốn. Nhưng đâu phải sách nào cũng đọc hết, có nhiều cuốn thi thoảng mới “lôi ra”, xem có gì liên quan không, để so sánh, đối chiếu tư liệu, để kiểm tra những chỗ mình viết có đúng hay không”, TS.Nguyễn Đăng Vũ cho biết.
Thạc sĩ Lê Đức Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Liên cấp thành phố giáo dục Quốc tế (TP.Quảng Ngãi) cho rằng, đọc sách giúp bạn thư giãn và phát triển tư duy sáng tạo. Ảnh: Trịnh Phương |
Trước đây, TS.Nguyễn Đăng Vũ học văn nên ông chủ yếu mua sách liên quan đến văn chương. Sau này, ông làm công tác quản lý về văn hóa, nên mua nhiều sách lịch sử, văn hóa. Thi thoảng, ông mua sách để tra cứu, như các loại từ điển (Việt, Anh, Pháp, Hán Nôm), sách địa chí, địa dư, sách Niên giám thống kê Đông Dương từ đầu thế kỷ XX...
Ông vui mừng khôn tả khi mua được sách quý, như có lần mua cuốn “Trùng âm dị tự” của Phạm Hữu Điển, in từ năm 1949, bìa cứng, hoa văn nổi, chữ trên bìa nhũ vàng. Đó là cuốn sách giúp ông tra những từ Việt khá cổ mà ngày nay có khi không còn ai sử dụng. Rồi cũng lại thêm những dịp may khác, cách đây khoảng 20 năm, ông mua được mấy cuốn từ điển, như cuốn “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh, in từ năm 1931; cuốn “Việt Nam tân tự điển” của Thanh Nghị, in năm 1952; cuốn “Hán Việt từ điển” của Nguyễn Văn Khôn, in năm 1960; cuốn “Hán Việt tự điển” của Thiều Chửu, in năm 1966; các cuốn ‘Việt Nam thi văn hợp tuyển”, “Việt Nam văn học sử yếu” của Dương Quảng Hàm, in năm 1968; cuốn “Hán Việt thành ngữ” của Bửu Cần in 1971... “Hồi đó, các sách dùng để tra cứu như thế này, mà cũng đã vào loại “sách xưa”, chưa phải là quá đắt, thậm chí còn rẻ hơn những cuốn sách này tái bản. Nhưng với tôi, đó là những cuốn sách thật sự có giá trị, bởi vì là sách mình cần”, TS.Nguyễn Đăng Vũ chia sẻ.
Trong thời đại số, dù có sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và Internet, nhưng vai trò của sách in vẫn rất quan trọng. Theo Phó Hiệu trưởng Trường Liên cấp thành phố giáo dục Quốc tế (TP.Quảng Ngãi) Lê Đức Quỳnh, sách vẫn là nguồn chính cung cấp kiến thức, thông tin và kinh nghiệm của con người. Trên Internet có nhiều nguồn thông tin khác nhau, song sách vẫn đáng tin cậy hơn, vì thông qua các quy trình xuất bản và kiểm tra chất lượng. Hơn nữa, dù có nhiều hình thức giải trí khác nhau nhưng sách vẫn mang đến trải nghiệm riêng biệt và tương tác sâu sắc với tâm hồn người đọc. Sách có thể hình thành ý thức, giáo dục con người. Đối với trẻ em, sách là công cụ giáo dục quan trọng để truyền tải giá trị và kỹ năng sống...
Anh Phạm Tấn Thiên (37 tuổi), hiện công tác tại Văn phòng UBND tỉnh cho rằng, văn hóa đọc không bao giờ lỗi thời. Đọc một cuốn sách khác hẳn với việc xem điện thoại để “lướt” thông tin. Khi còn là học sinh tiểu học, anh Thiên đã mê đọc sách. Mẹ là giáo viên dạy môn Ngữ văn của Trường THCS thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng), vậy nên khi còn bé, anh Thiên có cơ hội được tiếp cận và đọc những tác phẩm văn học. “Lúc đó, mình đọc các tác phẩm của Thạch Lam, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Nhật Ánh và thả hồn liên tưởng mình là nhân vật trong hoàn cảnh ấy. Đến lớp 8, mình có trọn bộ sách của Nguyễn Nhật Ánh và gìn giữ tới giờ”, anh Thiên chia sẻ.
Năm 2005, khi bước vào giảng đường đại học của Trường Đại học Mở TP.Hồ Chí Minh chuyên ngành Đông Nam Á học, anh Thiên càng có cơ hội để thỏa niềm đam mê đọc sách. Anh Thiên tranh thủ thời gian phát tờ rơi để dành dụm tiền “săn” sách giảm giá. “Mình hay lân la các tiệm sách cũ, còn muốn mua rẻ thì phải đến các hội chợ sách. Sau này, công nghệ thông tin phát triển, mình tìm mua sách trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Amazon... Mình thường tìm mua sách về lịch sử và văn hóa, nên chuyện sách cũ, sách mới không quan trọng”, anh Thiên cho biết thêm. Có lần, anh Thiên "săn" được cuốn tiểu thuyết "Em ở đâu" của Marc Levy. Đây là cuốn sách hay vì không chỉ nói lên tình yêu đôi lứa mà còn là sự dấn thân vì lý tưởng của tuổi trẻ.
Việc “săn” sách giảm giá giúp người mua tiết kiệm chi phí. Vì vậy, nhiều người tranh thủ thời gian để “săn” mã giảm giá “khủng” trên các sàn thương mại điện tử. Các mã giảm giá này thường có thời hạn một hoặc vài ngày, hoặc giờ vàng nên "săn" được cuốn sách quý với giá hời là điều không dễ dàng nhưng đó cũng là thú vui của nhiều người.
TRỊNH PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
TIN, BÀI LIÊN QUAN: