Nghị lực của một người khuyết tật

09:58, 14/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dù bị khuyết tật, chỉ cao hơn 1m, nhưng chị Lư Thị Viết Thương (37 tuổi), ở thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi), chưa bao giờ là gánh nặng của gia đình. Chị luôn chịu khó lao động, phụ ba mẹ nuôi các em ăn học và là điểm tựa của bà ngoại.     
[links()]
 
Sau trận sốt bại liệt lúc nhỏ, từ một đứa trẻ lành lặn, cơ thể của Thương bị ảnh hưởng khiến cột sống cong vẹo, tay chân teo lại. Với thân hình nhỏ bé, bước đi khập khiễng  nhưng từ ngày còn bé, chị Thương đã không ỷ lại vào gia đình mà luôn tự lập vươn lên. Chị Thương chia sẻ, dù cơ thể ốm yếu nhưng suốt những năm đi học, tôi đều tự đạp xe đến trường. Các bạn khác đạp xe 15 - 20 phút tới trường, còn tôi thì gấp đôi thời gian, nhưng không vì thế mà nản lòng. Tôi cũng cố gắng học đến THPT, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại là chị cả trong nhà nên tôi nghỉ học, vào TP.Hồ Chí Minh làm việc để phụ ba mẹ nuôi các em.
 
Chị Lư Thị Viết Thương, ở thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi), làm mứt gừng để bán.
Chị Lư Thị Viết Thương, ở thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi), làm mứt gừng để bán.
Để có tiền giúp đỡ gia đình, nuôi các em học cao đẳng, đại học, suốt 15 năm ròng, chị Thương không quản ngại vất vả đi bán vé số. Đến khi gia đình ổn định hơn, các em đã ra trường đi làm, năm 2016, chị Thương mới quay về quê sinh sống, lo cho bản thân mình. “Lúc rời TP.Hồ Chí Minh về quê, sức khỏe tôi cũng đã yếu hơn nhiều, nên tôi mở một quán tạp hóa nhỏ để buôn bán. Vào mùa hè, tôi bán thêm nước giải khát, còn đến những tháng cuối năm sẽ làm thêm các loại mứt”, chị Thương cho biết.
 
Dù tay chân không nhanh nhẹn như người bình thường, nhưng chị Thương lại rất khéo tay. Thế nên, những món mứt gừng, mứt dừa chị làm ngày càng được nhiều khách hàng yêu thích, ủng hộ. Từ những người thân quen, hàng xóm ủng hộ, giờ đây khách hàng của chị có ở trong và ngoài tỉnh. Trung bình những tháng cuối năm, mỗi tháng chị làm và bán ra 60 - 70kg mứt dừa, mứt gừng rim. “Từ tháng 10 đến tháng 2 là thời điểm nhiều khách đặt hàng làm mứt nhất. Để các loại mứt thơm ngon, ngoài kỹ lưỡng trong khâu chọn nguyên liệu, làm sạch sẽ thì cứ khi nào khách đặt hàng tôi mới bắt tay vào làm. Khách hàng đến với các sản phẩm của tôi ban đầu vì muốn ủng hộ, thương hoàn cảnh của mình, nhưng để giữ chân được họ thì chất lượng sản phẩm phải tốt”, chị Thương bộc bạch.
 
Không chỉ tự lập, chịu khó làm việc để lo cho bản thân, những năm gần đây sức khỏe của bà ngoại chị Thương giảm sút, lại không có ai kề cận nên chị đảm nhận việc phụng dưỡng, chăm sóc bà. Trong căn nhà nhỏ, hằng ngày chị Thương vẫn chăm chỉ lao động và săn sóc người bà đã gần 90 tuổi. Chị Thương chưa bao giờ nghĩ mình là người khuyết tật để trông chờ vào sự giúp đỡ, thương hại của người khác, thay vào đó, chị luôn suy nghĩ tích cực, lạc quan và nỗ lực không ngừng.
 
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ khuyết tật tỉnh Phan Thị Hồng Nga cho hay, Thương là cô gái luôn cầu tiến và chăm chỉ lao động. Không chỉ siêng năng làm việc, Thương còn rất chịu khó học hỏi. Mỗi khi có khóa học rèn luyện kỹ năng, các lớp dành cho người khuyết tật, thì Thương luôn nhiệt tình tham gia. Thương là tấm gương sáng về nghị lực sống và ý chí vươn lên cho các bạn nữ khuyết tật học tập, noi theo.
 
Bài, ảnh: H.THU
 
 

.