(Báo Quảng Ngãi)- Trong hành trình phát triển của Báo Quảng Ngãi luôn có sự đồng hành của các cộng tác viên. Họ như người nhà của Báo Quảng Ngãi, luôn tâm huyết, trách nhiệm, không ngại khó khăn, vất vả để có thông tin hay nhất gửi về tòa soạn, góp phần làm nội dung tờ báo đa dạng, phong phú và hấp dẫn...
NGƯỜI BẠN ĐẶC BIỆT...
Trong số rất nhiều người bạn đồng hành với Báo Quảng Ngãi suốt 35 năm qua, có lẽ nhà thơ Thanh Thảo là người bạn đặc biệt nhất. Ông là bạn đọc hiếm khi bỏ sót số báo nào trong hơn 6.200 số báo đã phát hành của Báo Quảng Ngãi. Ông xúc động khi nhớ lại tờ báo Quảng Ngãi số đầu tiên (001). “Tờ báo có măng set màu đỏ. Số báo hôm ấy tôi cũng có góp một bài thơ với tựa đề "Cứ thế sông Trà". Ngày ấy, báo phát hành 10 ngày/kỳ, bài chất lượng, đúng theo tinh thần báo chí cách mạng”, nhà thơ Thanh Thảo chia sẻ.
Nhà thơ Thanh Thảo. Ảnh: T.NHỊ |
Từ số báo đầu tiên ấy cho đến hôm nay, ở tuổi gần 80, nhà thơ Thanh Thảo vẫn luôn đồng hành, viết bài cộng tác đều đặn với báo Quảng Ngãi. Đặc biệt, ông đảm nhận viết bài cho mục “Mỗi tuần một chuyện” trên báo Quảng Ngãi cuối tuần. Ở góc độ là nhà thơ, ông là nguồn đề tài lớn để phóng viên khai thác viết bài cho trang văn hóa - văn nghệ của tờ báo. Với tư cách là Giám đốc điều hành Quỹ “Trái tim bé bỏng” một thời, ông trở thành điểm sáng nhân đạo để viết bài, lan tỏa những việc làm tốt đẹp đến cộng đồng. Nhà thơ Thanh Thảo là người sáng lập và điều hành Quỹ học bổng “Vì trẻ em Sơn Mỹ”, duy trì suốt 27 năm qua từ chính nhuận bút của ông. Ông còn là người dành 2 triệu đồng tiền nhuận bút mỗi tháng để nuôi hai trẻ mồ côi trong suốt nhiều năm sau khi báo Quảng Ngãi có bài đăng về hoàn cảnh đáng thương này.
NỐI NHỊP CẦU THÔNG TIN GIỮA ĐẢO VỚI ĐẤT LIỀN
Dù đã nghỉ hưu nhưng bà Lý Thị Thái, công tác tại Đài Truyền thanh huyện Lý Sơn trong những năm 1995 - 2010, vẫn không quên những kỷ niệm một thời đồng hành với Báo Quảng Ngãi. Bà Thái kể, đây là thời điểm tôi có số lượng tin, bài cộng tác nhiều nhất trên báo Quảng Ngãi. Ngày ấy, điều kiện ra, vào đảo Lý Sơn rất khó khăn, thỉnh thoảng mới có một vài phóng viên ra đảo tác nghiệp. Vì vậy, bà Thái là người thường xuyên và kịp thời đưa tin từ đảo về tòa soạn. Lúc ấy, điều kiện tác nghiệp và gửi bài về tòa soạn rất khó khăn. Viết tay, bỏ vào phong thư rồi đem ra bưu điện gửi.
Bà Lý Thị Thái. Ảnh: T.HẬU |
Những ngày mưa bão, biển động, tàu thuyền không xuất bến, có khi gửi cả tuần tin, bài mới đến được tòa soạn. Mỗi lần nhận được tờ báo biếu, bà Thái vui không thể tả hết. “Tin, bài gửi về, anh em ở báo biên tập rất kỹ để sử dụng, rất hiếm khi bị bỏ đi. Khi đọc lại bản tin của mình trên mặt báo, tôi thầm biết ơn anh em tòa soạn, biết ơn Báo Quảng Ngãi. Nhờ tờ báo mà tôi được trở thành cầu nối thông tin giữa đảo xa với đất liền; được chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao”, bà Thái tâm sự.
CÂU CHUYỆN KHÓ QUÊN
Một trong những cộng tác viên lâu năm của Báo Quảng Ngãi ở miền núi là ông Nguyễn Đức Toàn, công tác tại Đài Truyền thanh huyện Sơn Hà. “Tôi yêu nghề báo. Viết tin cộng tác với báo là trách nhiệm và đam mê, vì nhuận bút trong những năm đầu tách tỉnh rất thấp. Khi báo ra, thấy tin, bài của mình là lòng vui như hội”, ông Toàn cho biết.
Ông Nguyễn Đức Toàn trong một lần vượt sông Re viết tin, bài cộng tác với báo Quảng Ngãi. Ảnh: N.ĐỨC |
Ông Toàn kể, vào năm 1999, nước lũ cuốn trôi cầu Linh - Giang, tôi phải băng sông Re về vùng Sơn Cao - Sơn Linh - Sơn Giang phản ánh tình hình mưa bão. Chứng kiến những cánh đồng bị sa bồi thủy phá, người dân thiếu lúa giống để gieo sạ vụ đông xuân, tôi đã có bài thời sự về vấn đề này gửi về tòa soạn. Sau khi bài viết đăng trên báo Quảng Ngãi, huyện Sơn Hà đã chỉ đạo thống kê nhu cầu lúa giống và cấp phát kịp thời cho người dân phục vụ sản xuất. Sau đó, lãnh đạo xã Sơn Cao thay mặt người dân gọi điện cảm ơn. “Chuyến đi của tôi ngày ấy dù có vất vả nhưng thật ý nghĩa. Tôi đã được sống đúng tinh thần nhà báo không ngại hiểm nguy, sát cánh cùng người dân vùng thiên tai”, ông Toàn nhớ lại.
CỘNG TÁC VIÊN CHUYÊN NGHIỆP
Chặng đường dài sau ngày tái lập tỉnh, Báo Quảng Ngãi may mắn có những cộng tác viên làm việc chuyên nghiệp và trách nhiệm. Đó là ông Nguyễn Đoàn Tuấn Kiệt, công tác tại Đài Truyền thanh huyện Bình Sơn. Ông Kiệt nhớ lại, ngày ấy, tôi được đơn vị tạo điều kiện làm tốt vai trò cộng tác viên cho Báo Quảng Ngãi và còn được cấp thẻ thông tin viên. Đến bây giờ, tôi vẫn còn giữ tấm thẻ ấy, tự hào là cộng tác viên của tờ báo là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh.
Ông Nguyễn Đoàn Tuấn Kiệt. Ảnh: T.HẬU |
Ông Kiệt kể, tôi ròng rã nhiều ngày theo đuổi đề tài để viết bài cho báo Quảng Ngãi. Đó là lần đến thôn Thọ An, xã Bình An, khai thác tư liệu viết bài “Nghiêng cánh hoa rừng”; về với người dân ở khu đông Bình Sơn phản ánh tình trạng thiếu nước sinh hoạt qua bài viết “Đất khát”, hay như cùng ngư dân vươn khơi dài ngày viết phóng sự “Đầu xuân cưỡi sóng câu mực”...
Với những nỗ lực trong suốt quá trình cộng tác với báo Quảng Ngãi, ông Kiệt trở thành hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”. “Đây là niềm vinh dự và tự hào rất lớn của bản thân. Báo Quảng Ngãi chính là nơi tôi được trải nghiệm và lớn lên, trưởng thành trong nghề báo”, ông Kiệt tâm sự.
TRÁCH NHIỆM VỚI TÁC PHẨM Thời điểm mới tái lập tỉnh, ông Nguyễn Thái Anh (66 tuổi), nguyên Trưởng phòng Thời sự phát thanh (Đài PT&TH tỉnh) công tác tại Đài Truyền thanh huyện Tư Nghĩa. Ngày ấy, ông là cộng tác viên cốt cán của Báo Quảng Ngãi. Trên những số báo Quảng Ngãi đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh, ông có bài “Trở lại vùng đất trắng Nghĩa Lâm”, “Ngư dân Mai Dậu đầu tư 47 lượng vàng làm nghề cá”, “Góp vốn đóng tàu có trọng tải 100 tấn” và bài “Chấp nhận sự cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất - kinh doanh” trong mục "Suy nghĩ - Đề xuất". “Đề tài có thể do Ban Biên tập định hướng, đặt hàng hoặc chúng tôi đề xuất. Thời đó, đường sá đi lại xa xôi, vất vả, điều kiện làm việc thiếu thốn, nhưng chúng tôi luôn làm việc, tác nghiệp hăng say, cống hiến hết mình vì tác phẩm. Mỗi tác phẩm như đứa con tinh thần nên dồn tất cả tâm sức để thực hiện”, ông Thái Anh cho hay. |
T.NHỊ - T.HẬU - N.ĐỨC - B.HÒA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: