(Báo Quảng Ngãi)- Thiên Lý là một nhà báo năng động, thường đi công tác và lưu trú ở nhiều nơi khác nhau. Cô từng có những buổi sáng thức dậy để ngắm bình minh, hay mỗi chiều tà thả hồn theo bóng thiên di dần khuất sau chòm mây tím. Nhưng có lẽ mỗi lần ra đảo, được đón những tia nắng đầu tiên trong ngày, bao giờ cô cũng có cảm giác bình yên, thư thái. Thiên Lý hẹn báo thức để dậy đúng giờ, vì nghe đâu nơi vùng đảo tiền tiêu này bước chuyển thời gian nhanh hơn ở đất liền thì phải. Cô phì cười trước suy nghĩ vừa thoáng qua rồi tắt điện thoại, đi ngủ.
Sau mấy năm trở lại đảo, Thiên Lý đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cuộc sống của người dân đã thay đổi không ngừng. Nhiều công trình dân sinh mọc lên, khang trang và bề thế. Nhiều dịch vụ được mở ra. Các điểm tham quan được quy hoạch, đầu tư. Đường sá hầu hết đã nâng cấp, rộng thoáng. Cầu cảng cũng xây mới. Khách du lịch vào ra tấp nập.
***
Thiên Lý nghe ai đấy vừa gọi tên mình, là Nhựt. Anh bao giờ cũng vậy, kiểu xưng hô nửa khách sáo, nửa ngầm giữ khoảng cách như thế. Ban đầu, cô cảm thấy không vui, nhưng dần dà nghe quen, lại thấy hợp lý. Tính ra, cô nhỏ hơn anh chỉ vài tuổi. Nhựt vội vã chạy ra từ cụm bàng vuông ở bên cạnh đình làng.
- Cô ra khi nào vậy? Đi viết bài, đưa tin hay du lịch?
- Cả hai! Thiên Lý cười hấp háy mắt và bảo mới ra chiều hôm qua, chuyến cuối. Nhựt có vẻ lúng túng, chỉ tay vào khoảng đất rộng cạnh đình. Ở đó, Thiên Lý thấy nhiều hình nhân bằng giấy màu, dáng đứng oai phong trên những chiếc thuyền cũng làm từ giấy. Đây là hình ảnh mô phỏng đoàn thuyền binh phu vượt trùng khơi trong lễ khao lề thế lĩnh.
Nhựt tỏ ra hiểu biết, kể cho Thiên Lý nghe về lễ hội khao lề thế lính được duy trì hằng năm của người dân huyện đảo. Cô vừa nhìn ngắm những hình ảnh mô phỏng vừa nghe “thuyết minh viên” nói. Nhựt nói say sưa, cảm giác những gì anh biết được là ký ức không phai, là điều mà ông cha cần lưu truyền cho con cháu mai sau.
- Cô biết không? Nhựt đến bên một chiếc thuyền trang trí sặc sỡ, trên đấy là những hình nhân dõi mắt về phía khơi xa... Khi mới thành lập hải đội, hằng năm người dân trên đảo lại được tuyển mộ để làm binh phu đi khai thác và bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa. Người ta gọi là "thế lính". Việc tổ chức lễ khao lề thế lính là một hình thức tri ân, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn nhằm ghi nhớ công ơn người xưa. Trong số ấy, nhiều người ra đi tìm kiếm sản vật và cắm mốc hải phận mà không trở về.
- Cô thấy gì đằng kia không?
Theo tay Nhựt chỉ, Thiên Lý trông thấy những nấm mộ bằng cát nằm lô nhô, khuất lấp trong lùm cỏ xước, nhiều nấm mộ bị vạt hoa muống biển phủ lên, lại không ngay hàng thẳng lối. Cô nhìn anh thắc mắc. Nhựt nhẹ nhàng, giọng đầy xúc động:
- Đấy là mộ gió!
- Mộ... gió? Thiên Lý ngạc nhiên hết sức khi lần đầu tiên nghe đến.
Nhựt mỉm cười, ra hiệu cho Thiên Lý ngồi xuống gờ bê tông dưới cây bàng vuông sum suê cành lá, mắt anh đăm đăm, mông lung.
Cô biết không, mộ gió là những nấm mộ không có thi thể, dành cho người ra đi không bao giờ trở về. Bên trong những nấm mộ ấy đều có hình nhân bằng đất sét. Mỗi nấm mộ gió đều “vận” vào một người lính tham gia hải đội đã hy sinh. Người dân trên đảo đã chôn cất những hình nhân này giống như chôn người thật. Lễ mai táng diễn ra thiêng liêng nên người thân của những người lính đã hy sinh cảm thấy con em mình thực sự đang nằm dưới những nấm mộ gió.
Thiên Lý nghe mà lòng dâng trào bao cảm xúc. Cô không ngờ hòn đảo mình đã từng đến lần đầu, gặp Nhựt khi vừa tốt nghiệp, lại ẩn chứa bên trong nhiều điều cần khám phá. Và Nhựt, chàng ngư dân chất phác hôm nào nay đã chững chạc, hiểu biết. Anh cũng vừa được sung vào ban lễ hội của làng, đồng thời hướng dẫn du khách tham quan, tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng của đảo.
Một điều bất ngờ hơn nữa, Nhựt đang xin phép thành lập công ty lữ hành, để du khách biết đến nhiều hơn về đảo, về đặc sản tỏi... Nhựt còn khoe ý tưởng xây những homestay gần gũi, thân thiện ở những địa điểm có view đẹp.
Thiên Lý ngồi trên bãi cát, hướng mắt ra biển, tận hưởng sự êm ái của không gian bao la lúc bình minh. Trên bầu trời, từng đám mây bắt đầu pha màu nắng bồng bềnh nối nhau trôi về hướng xa. Biển sớm êm dịu. Những con sóng nhỏ dặt dìu, vỗ bờ cát rồi tan ra. Người dân ra biển tắm và tập thể dục rất đông. Bãi biển đầy ắp tiếng nói cười, tiếng khua nước rạt rào.
- Thiên Lý!
Thiên Lý giật mình ngơ ngác, Nhựt gọi đúng tên cô. Ở phía mép nước, anh đang chạy lúp xúp, hai tay vung vẫy, thở ra hít vào khoan khoái. Cô mỉm cười nhìn anh. Nhựt giơ tay lên vẫy vẫy:
- Cô có thích biển không?
- Thích lắm!
- Ra tắm nhé?
Thiên Lý lắc đầu. Cô rất thích biển, nhất là những buổi bình minh hay đêm trăng thanh nhưng lại... sợ nước. Nhớ hồi còn bé, ba đưa cô đi biển chơi. Ôi thôi! Giờ ngồi nghĩ lại Thiên Lý còn rùng mình. Hôm ấy, vì mãi giỡn sóng nếu ba không kịp thời thì cô đã...
Biển vắng, trăng thượng tuần rắc những ánh vàng lấp lánh, dập dềnh trên mặt nước đen thẫm. Hai người ngồi trên mỏm đá, bên dưới sóng vỗ rì rào, mắt nhìn những chiếc tàu màu xanh viền đai đỏ đang nằm gối bãi. Nhựt không nói gì, chỉ nhìn đăm đăm về phía chân trời nơi có những ngôi sao bé nhỏ vô thường hiện lên rất sớm vào những đêm không mây.
- Cô thấy gì không? Anh đưa tay chỉ vào khoảng không trước mặt.
- Không thấy gì cả! Thiên Lý lắc đầu.
Nhựt buông thõng một tiếng thở dài, vẻ thất vọng. Cảm giác, nỗi buồn trong lòng anh như tiếng sóng vỗ vào ghềnh chua chát. Thiên Lý cảm giác mình vô tâm, vội nhìn bâng quơ. Nhựt vẫn không nói gì, mắt dõi về một nơi vô định. Thiên Lý cũng ngồi yên, lòng xáo trộn trước không gian heo hút gió và sóng biển. Cái không gian hoang vắng và kỳ ảo dễ xui khiến con người ngược dòng thời gian về với ký ức... Cô thầm nghĩ vậy. Và điều đó đã đúng với Nhựt, ngay lúc này. Anh quay lại nhìn cô. Đôi mắt buồn miên man... Đó là câu chuyện đã qua, một nỗi buồn ghim chặt trong ký ức của những người dân trên đảo. Nhiều chiếc thuyền mất tích trong những lần đi biển bất ngờ gặp trận cuồng phong...
Đêm ấy, Thiên Lý trằn trọc không sao ngủ được. Màn hình máy tính bật sáng. Bài báo còn dở dang, cô chưa định hướng phần kết sẽ như thế nào, nhưng có điều gì đó thôi thúc là cô sẽ viết về Nhựt, người con của đảo, yêu đảo vô cùng mà cô thầm ngưỡng mộ.
Gió từ biển thổi từng cơn mang theo hương biển mặn nồng, Thiên Lý bật dậy đóng cửa sổ. Mưa rồi. Tiếng mưa mỏng và nhẹ, phả vào tâm tư cô giai điệu nhẹ nhàng...
Thiên Lý trở lại đảo nhân giải dù lượn quốc gia được tổ chức tại đây. Cô đi về phía biển. Bài hát ngày nào còn vẳng bên tai: “Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về...” . Mỗi lần nghe, cô lại nhớ đến đảo, nhớ đến Nhựt và nhớ đến những buổi bình minh da diết, cồn cào. Ngày cô trở về tòa soạn, mang theo những đêm trăng, mang theo ba vỏ sò, mang theo cả ánh mắt đầy yêu thương của Nhựt, cùng bài báo hoàn thành hơn cả những gì dự định viết. Bởi những gì Nhựt kể, cô đã hiểu thấu, tường tận.
Chiều đã xuống, bóng nắng đã ngả vàng trên con đường đầy cát dẫn ra bãi biển. Gió cuộn mình se lạnh. Tiếng sóng biển vỗ oàm oạp như giục Thiên Lý bước nhanh hơn. Hôm nay rằm, sau chuyến ra khơi dài ngày, những con thuyền đã trở về bến, neo sát bên nhau. Đám trẻ dân chài da đen nhẻm, cởi trần trùng trục túa ra bãi biển chạy giỡn hoặc bò lăn trên cát. Thiên Lý vẫn lang thang trên bãi biển như thử tìm xem trong vô số dấu chân in trên bờ cát có dấu chân nào của Nhựt hay không.
- Nó đang tập luyện chuẩn bị cho cuộc thi bơi vượt biển cháu à! Ông già trông coi đình làng hào hứng. Thiên Lý nhìn ông chờ đợi. Ông già chậm rãi từng lời, khiến cô càng thêm háo hức.
Biển đang tung bọt trắng xóa. Trong lòng Thiên Lý vỡ òa bao cảm xúc. Hình ảnh Nhựt hiện lên trước mặt, giọng nói, tiếng cười và nhất là ánh mắt cương trực và đầy khát vọng. Cô đi tìm Nhựt.
Hoàng hôn tím đẫm. Sương chiều đã dầm dề trên ngọn bàng vuông, loáng bạc. Hai người đi ra bãi biển. Biển đã thẫm lại, sóng cũng lặng lẽ. Bất chợt, cả hai dừng lại và ngước nhìn một ngôi sao bé nhỏ ở cuối chân trời. Giọng Nhựt trầm ấm: Sinh mệnh mỗi chúng ta được chiếu ứng bởi một ngôi sao. Cô Thiên Lý chọn đi. Tôi thì ngôi sao phía xa kia, ngôi sao sáng nhất đấy... Nó sẽ không vụt tắt mà hóa thân vào muôn đợt sóng yêu thương, cất lên khúc hát dâng đời...
Thiên Lý hấp háy mắt trước câu nói đầy triết lý của Nhựt. Cô biết anh là người hiểu biết và luôn đau đáu cho sự phát triển, đổi thay của vùng đảo, nơi anh sinh ra và lớn lên.
SƠN TRẦN