Những giấc mơ cho quê hương và tình yêu

21:18, 12/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sinh năm 1958, Lê Văn Sơn từng là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi. Đọc tập thơ “Những giấc mơ” (Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi, 2009) của anh, tôi chợt nhận ra: Sơn viết ít, lời lẽ mong manh, nhẹ nhàng, nhưng thật sự là những bài thơ hay về quê hương và tình yêu.

 

Trong tập thơ “Những giấc mơ”, Lê Văn Sơn ít đề cập đến những chủ đề lớn mà  thể hiện những rung động tinh tế từ những chi tiết nhỏ, kể cả khi viết về con người và mảnh đất quê hương.

Viết về làng quê nơi mình sinh sống, anh không nói đến “La Hà thạch trận”, sự tích ông Khổng Lồ mà gửi những rung động nhẹ nhàng của lòng mình vào một tà áo trắng qua cầu, một bàn chân huyền thoại, một hòn Đá Đôi chung thủy đứng bên nhau cùng màu phượng hồng lên môi, lên mắt: “cầu La Hà vạt áo trắng em qua/ bàn chân Khổng Lồ nhuốm màu huyền thoại/hòn Đá Đôi thay điều muốn nói/ phượng cháy hồng trong mắt trên môi” (Phượng ơi).

Lê Văn Sơn yêu quê hương tự trong sâu thẳm lòng mình, nhưng anh không nói đến những mái đình xưa cổ hay tán đa rợp bóng xanh che, hoặc mênh mông ruộng đồng, sông bãi... mà lại nhận ra một thực tế buồn, là quê hương ngày càng vắng bóng gái trai: “Cái cổng làng xưa cũ/ ngóng ai buồn đến lạ lùng” (Tóc lá). Bọn trẻ kéo nhau về phố, vườn xưa cỏ hoang khuất lấp, cây mai vẫn tự rụng lá, đơm hoa: “Bỏ lại sau lưng những mảnh vườn xưa/ cỏ loang khuất lấp/ giành giật bon chen hư ảo xứ người/ cây mai góc sân tự mình rụng lá/ xòe lửa vàng cười với nắng mưa” (Khuất lấp). Đúng là những câu thơ buồn mà không hề bi quan, chỉ nêu lên một đối lập để neo giữ tình quê. Rung động nhỏ làm nên tình yêu lớn trong thơ là như vậy!

Đến với biển, Lê Văn Sơn ít chú tâm đến cái màu xanh điệp trùng của đại dương, mà lại gửi hồn thơ vào những màu sắc khác ánh lên lung linh từ một vỏ ốc nhỏ nhoi: “Ai bảo biển khơi chỉ một màu xanh/ khi vỏ ốc này lung linh màu sắc/ màu nâu hiền lành như màu của đất/ đỏ rực mặt trời, tím biếc hoàng hôn” (Ốc biển). Về với núi rừng, anh lại rung động cùng những bông lau triền sông dọc đường như cánh tay vẫy gọi những khát khao: “Hoa lau đong đưa nở trắng triền sông/ cánh tay của rừng khát khao chào vẫy” (Gọi thầm). Với Sơn Tây bạt ngàn rừng núi, Lê Văn Sơn thả hồn cùng điệu dân ca dê-ô-dê độc đáo gắn liền với một phong tục đẹp của người Ca Dong vào cái đêm người con gái từ biệt gia đình chồng, cõng con thơ trở về nhà cha mẹ ruột khi người chồng không may qua đời sớm: “Ngày mai/ người mẹ trẻ cõng đứa con thơ dại/ cõng theo nỗi đơn côi/ trở về nhà dưới bóng rừng heo hút.../ Đêm cuối cùng ở nhà chồng em hát/ dê-ô-dê vĩnh biệt một mối tình/ dê-ô-dê cho sự sống hồi sinh” (Tiếng chim từ quy)...

Với những rung động tinh tế, Lê Văn Sơn để lại những câu thơ đẹp về tình yêu đôi lứa. Cỏ may trong tình yêu thường đan cài trên áo quần những đôi trai gái trong làng khi hò hẹn, nhưng Lê Văn Sơn đã phát hiện ra mình bị cỏ may ghim ngay giữa phố phường, đó là loại cỏ-may-ánh-mắt vướng chân người qua lúng liếng mắt giai nhân: “Đi ngang qua/ vạt cỏ may/ sợi vương, sợi gãy/ đan dày nhớ thương/ vỉa hè chật/ giữa phố phường/ mắt ai lúng liếng lại vương/ ơ kìa!” (Cỏ may ngoài phố). Qua những nông nổi, dại khờ để vuột mất tình yêu, chợt nhận ra, anh đã ân hận, “tiếc nuối”, để rồi van xin tình yêu quay lại, và rút ra bài học đắt giá cho đời mình: “Cây xương rồng lặng lẽ nở hoa/ Giờ ly biệt mới biết mình nông nổi/ Đừng trôi, đừng trôi - sóng ơi quay lại/ em muốn tan vào anh/ dẫu cay đắng nhường nào/ đất bạc màu ai nỡ bạc tình nhau” (Tiếc nuối).

Thơ Lê Văn Sơn nhẹ nhàng, chơi vơi như “những giấc mơ”, nhưng ẩn bên trong câu chữ mong manh là độ nặng của tứ thơ và thẳm sâu triết lý cuộc đời: “mỗi cuộc đời như mảnh đất nhỏ thôi/ sao chẳng gieo trồng cây-lành-trái-ngọt/ dù chỉ là trong giấc mơ” (Những giấc mơ).

Dù tên những bài thơ của anh mang hơi hướng bay bổng, lãng mạn, mơ hồ và thầm kín với tiếng thầm thì nho nhỏ, nhưng ẩn chứa bên trong là một tình yêu quê hương tha thiết, nặng ân tình. Tình yêu đó, chính là cội nguồn, là căn tính để vượt qua không gian, thời gian. Dù bất kỳ ai muốn dong thuyền “phiêu lãng” giữa biển đời mênh mông, cuối cùng rồi cũng mong muốn được quay về nơi triền sông thơ ấu: “Trăm năm, rồi nghìn năm/ Bia đá rêu phong, duềnh doàng bia miệng/ Con thuyền nào phiêu lãng/ thèm triền sông quê nhà” (Vu vơ). Quê hương và tình yêu, là nơi chốn để quay về: “Cây mai già thêm một lần tự mình rụng lá/ Mùa xuân phập phồng như kẻ yêu nhau” (Đang thở).

MAI BÁ ẤN
 


Ý kiến bạn đọc


.