(Baoquangngai.vn)- Viết Nhớ con sông quê hương, Tế Hanh viết về sông Trà Bồng, đoạn chảy qua làng Thuận Yên của mình, chứ không lẫn một con sông nào khác, nhưng tình cảm trong bài thơ ấy lại dành cho tất cả những dòng sông Việt Nam.
Cũng như vậy, thơ Tế Hanh không lẫn với thơ của bất cứ nhà thơ Việt nào khác, nhưng đó lại là thơ Việt thuần chất. Đó là thơ mộc mạc sau khi đi qua sự tinh chế của tâm hồn, là thơ hồn nhiên khi chưa nếm trải và khi đã qua bao nhiêu nếm trải.
Tôi yêu thơ Tế Hanh như yêu những dòng sông quê hương tôi, như yêu cái mát lành êm ả cũng như những khoảnh xanh không còn tìm thấy lại của tuổi thơ mình. Hiếm có nhà thơ Việt nào lại có những bài thơ hay, đi vào lòng bạn đọc bất kể họ là người có học hay không có học, người trí thức hay người dân quê như thơ Tế Hanh. Có thể kể Nguyễn Bính, nhưng thơ Tế Hanh lại là một dòng "thơ đồng quê" khác với thơ Nguyễn Bính, nó không trau chuốt như thơ Nguyễn Bính nhưng lại đằm thắm và bất chợt hơn thơ Nguyễn Bính, như cách mà dòng sông chảy qua nhiều vùng đất nhiều thung thổ khác nhau.
Tôi được quen và chơi với Tế Hanh từ sau giải phóng, kể cũng vài chục năm. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy Tế Hanh tự "quảng cáo" về thơ mình. Ông bình thản, dung dị như vùng đất "nước bao vây cách biển nửa ngày sông" của quê hương ông, như chính thơ ông mà ông luôn tự biết và không tự biết. Nhà thơ đích thực là vậy, luôn biết và luôn không tự biết về thơ mình.
Trong cuộc đời làm thơ không hề ngắn của mình, với hàng nghìn bài thơ đã viết, không phải bài thơ nào cũng hay, cũng "đi vào bất tử", nhưng Tế Hanh, theo tôi biết, không bao giờ lấy đó làm điều. Ông vẫn bình thản viết, bình thản không viết, và luôn trân trọng đọc bất cứ tác phẩm của nhà thơ nào khác, ngoài mình. Đó cũng lại là một phẩm chất của nhà thơ lớn, khi biết đọc, biết cảm, biết quý trọng sáng tác của những nhà thơ khác, và không biết hoặc không cần "PR" cho thơ mình.
Thơ Tế Hanh cứ tự nhiên mà sống, cứ tự nhiên mà đi vào lòng bạn đọc, cứ tự nhiên mà cư ngụ ở nơi cao đẹp nhất là trí nhớ con người. Tôi đã về quê Tế Hanh, đã nghe những người dân chài lưới ở đó đọc thuộc lòng những bài Quê hương, Nhớ con sông quê hương. Tôi cũng đã gặp và thân với nhiều nhà "khoa bảng", những trí thức thứ thiệt, và cũng đã nghe họ đọc những bài thơ Tế Hanh sáng tác trước và sau Cách mạng Tháng Tám.
Ngày Tế Hanh qua đời, một nhà báo đã gọi điện phỏng vấn tôi về thơ Tế Hanh, và anh nói: "Hình như người ta cho rằng thơ Tế Hanh sau Cách mạng không hay như thơ Tế Hanh thời Thơ Mới". Tôi đã cười, và đề nghị ai nói đó nên đọc lại thơ Tế Hanh cả trước và sau Cách mạng. Thơ là thơ, không phải lúc nào nhà thơ cũng làm được những bài thơ hay, nhưng thơ xuất phát từ trong tim, trong hồn nhà thơ chứ không phải từ bên ngoài.
Tế Hanh sau năm 1975 vẫn có những bài thơ rất hay, những bài thơ vừa mộc mạc, vừa hồn nhiên "lơ ngơ" đúng chất Tế Hanh, khiến bao người đọc phải xiêu lòng. Hơn mười năm nay, Tế Hanh đã trò chuyện với thơ mình, với dòng sông quê hương mình, dòng sông đời mình trong im lặng. Đó là số phận của nhà thơ, nhưng không phải số phận của thơ ông.
Thơ Tế Hanh vẫn không ngừng chảy trôi, ca hát, lặng lẽ và róc rách như dòng sông Trà Bồng quê hương ông, vẫn tưới tắm mát đẫm bao tâm hồn người dân Việt yêu làng quê mình, đất nước mình, và yêu thơ. Có thể nói, Tế Hanh đã có hơn 10 năm để, trong im lặng, nhìn thấy thơ mình sống.
Đó chẳng phải là một niềm hạnh phúc kỳ lạ cho người làm thơ sao? Có rất nhiều người quê Quảng Ngãi ở nhiều thế hệ đã yêu và thuộc thơ Tế Hanh. Không phải thi sĩ nổi tiếng nào cũng có cái may mắn như vậy: thơ của họ được yêu thích ngay trên quê hương mình.
Không hẳn vì thơ Tế Hanh viết nhiều về quê hương ông:
“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”
Những bài thơ ấy viết về quê hương Bình Dương, Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã khiến Tế Hanh nổi tiếng và được mến mộ trên khắp đất nước này. Nhưng không chỉ có vậy.
Thơ Tế Hanh thuyết phục người Quảng Ngãi chính bởi hồn thơ ông vô cùng thuần phác: đó là tâm hồn của một người dân quê Quảng Ngãi. Vì những lý do lịch sử, địa lý và những gì khác nữa, mà tâm hồn người Quảng Ngãi đặc biệt thuần phác. Tâm hồn ấy có thể mãnh liệt, có thể cực đoan và đôi khi có thể tinh tế, nhưng cái nổi bật nhất của nó là sự thuần phác, ngây thơ, nghiêng hẳn về nội cảm, một nội cảm nhiều khi cô đơn, nhiều khi tủi thân và cũng nhiều khi đầy một cảm giác bơ vơ:
“Chim bay về núi tối rồi
Không cây chim đậu không mồi chim ăn”
Đó là ca dao. Còn với thơ Tế Hanh, lại là:
“Tôi con đường nhỏ chạy lang thang
Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng”
Hay:
“Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vương víu trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau”
Không phải vì mấy câu thơ ấy của Tế Hanh mà người ta nảy ra sáng kiến làm đường sắt cao tốc, nhưng mấy câu thơ ấy bộc lộ một khía cạnh tình cảm của người Quảng Ngãi: rất dễ mủi lòng, dễ thương thân:
“Sầm Sơn có những cặp bên nhau
Mắt trong mắt, tay trong tay, âu yếm
Sao ta vẫn một mình với biển
Em ở đâu rồi, em ở đâu?”
Và:
“Anh nhìn giếng giếng sâu trong vắt
Nước như gương soi lẻ bóng hình anh”
Luôn nhìn mặt nước thành mặt gương soi, đó là cảm thức của một người cô đơn, một cảm thức bơ vơ tự nguồn. Cảm giác ấy trong thơ Tế Hanh là cảm giác của một đứa trẻ, nó trong trẻo và buồn dịu nhẹ, nhưng đôi khi day dứt. Đó cũng là một cảm giác của nhiều người Quảng Ngãi khi phải xa cách quê hương mình. Thời dịch Covid-19, ta cứ thử đọc một đoạn thơ về tình cảm, về quê hương nào đó của Tế Hanh cho những người quê Quảng Ngãi đang bị tắt nguồn bôn ba lặn lội kiếm sống cực nhọc tại Sài Gòn, những người muốn hồi hương mà không thể về quê được, tôi bảo đảm họ sẽ oà lên khóc.
Thơ Tế Hanh là viết cho những con người ấy, là dành cho họ, chứ không dành cho những ai no cơm ấm cật, vô cảm với đồng loại hay với quê nhà. Có lẽ sau khi Tế Hanh đã đi xa mãi mãi, mà ta cảm thấy thơ ông ngày càng gần gũi với người Quảng Ngãi nói riêng, và người dân Việt nói chung. Tế Hanh làm thơ dễ dàng như giọng nói của ông, đó là một chất giọng nhỏ nhẹ, miên man như nước sông trôi chảy và đậm đặc âm sắc Quảng Ngãi. Suốt đời, dù sống ở Hà Nội lâu hơn ở quê nhà, Tế Hanh vẫn giữ nguyên giọng nói của người Quảng Ngãi, không một chút pha trộn. Hãy nghe trong chất giọng mộc mạc ấy cái tình của người Quảng Ngãi, nó sâu đậm và thảng thốt hơn là ta tưởng:
“Chiêm bao bừng tỉnh giấc
Biết là em đã xa
Trên tường một tia nắng
Biết là đêm đã qua”
Sự giản dị đến tinh lọc đã khiến thơ Tế Hanh thoạt đọc thoạt nghe tưởng như không có gì, nhưng khi ngẫm lại, từng trải qua, thấm thía với, ta mới cảm nhận được chiều sâu của nó. Đó là chiều sâu của một lòng sông nước xanh đậm, của một cái giếng đá ong mà ta không nhìn được thấu đáy. Thơ Tế Hanh dễ dàng, bộc lộ, thân thiện nhưng không phải loại thơ phân tích, thơ cấu trúc, thơ biểu tượng. Thơ ấy không làm cho ai choáng ngợp. Vậy mà không phải dễ để ta có thể cảm nhận nó, thấu suốt nó hoàn toàn. Vì đó là thơ nội cảm, nó như mặt nước luôn bị rung nhoè, khó nắm bắt dù rất gần gũi. Mỗi nhà thơ lớn đều có những đóng góp rất riêng của mình cho Thơ nói chung. Tế Hanh góp cho thơ tiếng nói nhỏ nhẹ của tâm hồn ông, tâm hồn của một đứa trẻ nhà quê không bị tàn phá bởi cuộc sống đô thị:
“Phố này anh đến tìm em
Người qua lại tưởng anh tìm bóng cây”
“Người qua lại” ấy là người của đô thị, của thành phố, họ không thể nào biết đứa bé nhà quê kia đang tìm cái gì, mơ tưởng đến cái gì. Có phải vì vậy mà khi Hà Nội trở nên quá đỗi xô bồ, kinh tế thị trường, Tế Hanh đã lặng lẽ nằm và im lặng. Đứa trẻ trong ông đã tự thu mình lại, chìm sâu mãi vào giấc mơ riêng của nó. Một giấc mơ lặng lẽ đến 10 năm.
THANH THẢO