Mịt mù tuyết bay: Một tập truyện giàu cảm xúc

17:42, 17/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- "Mịt mù tuyết bay" là tập truyện ngắn của tác giả Vũ Thị Thanh (hiện sống tại Quảng Ngãi), do Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi xuất bản với 116 trang, gồm 10 thiên truyện. Tập truyện xuất bản đã lâu nhưng cũng để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc.

 

Mỗi truyện ngắn kể về mảnh đời riêng của một người phụ nữ với những tâm trạng khác nhau, trong những hoàn cảnh riêng biệt, nhưng ẩn trong đó tâm trạng của nhiều người. Vì thế nhiều người có thể tìm thấy thấp thoáng bóng mình trong hình hài nhân vật.

Nước Nga và thân phận của những người phụ nữ đã từng gắn bó với xứ sở xa xôi ấy trong một khoảng thời gian rất đặc biệt là hai chủ đề mà người đọc không khó để nhận ra từ sự quan tâm của tác giả xuyên qua văn phẩm này. Đó là một nước Nga đẹp và thấp thoáng buồn. Nước Nga của những người mẹ nhân từ, hồn hậu và nhiều trí thức, nghệ sĩ luôn mang trong mình khát vọng làm điều gì đó để nhân loại trở nên tốt đẹp và lương thiện hơn.

Có lẽ những năm tháng được học hành, sống và làm việc ở nước Nga, niềm đam mê văn học và tình cảm sâu đậm đối với những người bạn Nga là ngọn nguồn để tác giả viết những trang đầy xúc động. Những dòng sau đây là của một người Nga nói với cô gái có tên Tanhia, nhưng cũng có thể là của tác giả viết cho chính mình: “Tôi cố không nghĩ về cái mặt trái của con người, bao lần tôi nhắc lại với cô điều này. Và nếu cô điều chỉnh, tự điều chỉnh được điều này trong bản thân, nó sẽ làm cho cô hạnh phúc, hạnh phúc mà không phụ thuộc vào những điều mình phải sở hữu hoặc mong muốn. Tanhia, giá mà cô hiểu được! Lúc ấy thì mắt cô sẽ đầy nắng, cái lúm đồng tiền thì sẽ tròn xoay trên má. Tôi muốn nhìn thấy cô luôn luôn như thế”. (Nhật ký cho anh).

Hầu hết những phụ nữ Việt Nam trong các truyện ngắn không còn trẻ nữa, nhưng chưa thể gọi là đã vào tuổi trung niên, có học vấn ở những mức độ khác nhau, đến với nước Nga từ khi còn trẻ để học tập hoặc lao động, chịu tác động bởi những biến cố ở nước Nga vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước. Tác giả tập trung khai thác thân phận của những người phụ nữ Việt Nam sinh sống ở nước Nga. Chuyển động xã hội và những hệ quả tất yếu của nó có thể khiến cho những người phụ nữ này thành công trên đường đời, cũng có thể gặp nhiều va vấp, nhưng tất cả có một điểm chung là họ luôn trăn trở, lăn lộn để thay đổi cuộc đời, vươn đến những ước mơ.

So với các thế hệ phụ nữ đi trước, họ mạnh mẽ hơn, linh hoạt hơn trong việc thích ứng với cuộc sống, sẵn sàng đối mặt với những thách thức mà các thế hệ đi trước chưa hề gặp. Song, cũng chính vì vậy mà họ trở nên mong manh hơn, dễ tổn thương hơn về mặt tinh thần. Vòng xoay nghiệt ngã, cuống cuồng của xã hội đang sống khiến họ không có nhiều giây phút thảnh thơi, thậm chí nhiều khi mất hướng hoặc héo úa, xơ cứng trong tình cảm.

 “...Nhưng thật lạ là lúc ấy, khi nghe cái tin Nam có vợ từ chính miệng anh, Hoài không hề cảm thấy một nỗi đau nào hết. Có thể vì cô đã quá đau đớn cái ngày anh từ bỏ cô ở bên Nga rồi, cũng có thể vì chừng ấy thời gian, cả hai người đã phải sống, phải trải qua những biến cố, những cảm xúc khác nhau khiến cho họ trở thành xa lạ. Không biết nữa, Hoài không thể phân tích tách bạch những gì cô suy nghĩ khi đó, chỉ biết là lúc ấy, đi bên Nam trên hè phố Yết Kiêu, cô chỉ thấy thương Nam, mặc dù người đáng thương, bị bỏ rơi chính là cô. Thế nhưng tình cảm ấy cũng yếu ớt đến nỗi cô lạ lẫm nghe mình an ủi Nam bằng cái giọng người dưng. Câu chuyện có sôi nổi lên đôi chút khi nhắc đến Xecgây. Rồi Hoài đứng bên này hè phố nhìn Nam băng qua đường bắt xe, chỉ thấy cái dáng quen quen chứ không còn thân thương nhói lòng như lần đầu tiễn Nam ở K. hai năm về trước”. (Những người bạn Nga).

Trong tập truyện “Mịt mù tuyết bay” có những trang diễn đạt nội tâm kết hợp miêu tả ngoại cảnh rất hay, trong đó tình yêu thiên nhiên, vẻ đẹp của quê hương, đất nước và tâm trạng nhân vật hòa quyện vào nhau, tạo nên những bức tranh sinh động:

“Đoàn tàu vẫn hối hả lao nhanh. Những hầm ngầm sẫm tối mang lại cảm giác đi trong bóng đêm đã lùi lại đằng sau. Qua khỏi đèo Hải Vân là hết lạnh rồi, cứ như sang một thế giới khác vậy. Ngoài kia nắng ấm chan hòa, mới là tháng Giêng mà lúa đã xanh đến mát mắt trên những cánh đồng. Vẫn biết lộ trình của đoàn tàu đi về phương Nam, nhưng không hiểu lần nào từ Bắc vào Huyền cũng có cảm giác là nó đưa cô đi về phía  biển. Biển nơi ấy đang vẫy gọi: xanh thẳm, ầm ào, hiền từ mà dữ dội. Và thật ấm. Thậm chí cô như thấy hơi thở của nó từ xa: nồng nàn, lan toả.

Trong rất nhiều lý do để ở lại và lập nghiệp ở miền Trung, có một phần vì Huyền thích biển. Sinh ra ở cái nơi mở mắt ra là thấy núi, cái cảm giác rộng mở, khoáng đạt mà bao la do biển mang lại với Huyền mãi mãi là điều diệu kỳ. Bởi núi thì đứng im, hầu như không thay đổi, còn biển thì ngược lại, có thể gần đấy, thực đấy mà lại xa xăm, bí ẩn khôn cùng, mỗi phút giây là một đổi thay không ngừng nghỉ”. (Đi về phía biển)

“Tuy Hoà” là truyện ngắn được bạn đọc yêu thích, “Xuân sớm” và “Buổi chiều đầy nắng” cũng vậy, song “Mịt mù tuyết bay” mới là một đoản thiên xuất sắc và được tác giả chọn làm tựa đề chung cho tập sách của mình. Không thể dẫn ra nguyên một truyện ngắn, nên bạn đọc hãy cầm lấy tập sách của Vũ Thị Thanh và đồng hành cùng tác giả.

LÊ HỒNG KHÁNH
 


Ý kiến bạn đọc


.