(Baoquangngai.vn)- Sau bài viết phản ánh của Báo Quảng Ngãi về hai di tích lịch sử cấp quốc gia đang xuống cấp, bị xâm lấn trên địa bàn tỉnh, Sở VH-TT&DL đã có phản hồi, xác nhận thông tin báo đăng là đúng sự thật. Đồng thời, đưa ra các giải pháp tôn tạo, bảo vệ, khắc phục tình trạng xuống cấp của các di tích.
Di tích Chiến thắng Vạn Tường ở huyện Bình Sơn được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ VH-TT & DL) xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1982, gồm 8 điểm di tích. Từ khi xếp hạng đến nay, di tích này được Bộ VH-TT&DL, Quân khu 5 và UBND tỉnh quan tâm đầu tư tôn tạo nhiều lần bằng các hình thức như: Xây dựng các bia ghi lại nội dung sự kiện lịch sử của di tích, xây dựng nhà bia, nhà che xác xe tăng, xây dựng các tường bao quanh khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích.
Hiện vật xác xe tăng thuộc quần thể Di tích Chiến thắng Vạn Tường bị xâm lấn và xuống cấp. |
Năm 2002, Bảo tàng Chiến thắng Vạn Tường được xây dựng tại xã Bình Hải (Bình Sơn) nhằm lưu giữ, trưng bày và phát huy những hình ảnh, hiện vật về chiến thắng oai hùng của quân và dân ta, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Hiện nay, Bảo tàng Chiến thắng Vạn Tường được Sở VH-TT&DL giao cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh trực tiếp quản lý, bố trí 1 viên chức thuyết minh để phát huy giá trị di tích.
Các điểm di tích gốc thuộc quần thể Di tích lịch sử Quốc gia Chiến thắng Vạn Tường nhiều năm qua cơ bản đã được đầu tư, tôn tạo. Tuy nhiên, có một số điểm thuộc di tích đã bị xuống cấp. Nguyên nhân do điều kiện tự nhiên gây ra, nguồn kinh phí bố trí cho công tác trùng tu còn khiêm tốn…
Quang cảnh nhếch nhác ở điểm di tích Chiến hào thép Lộc Tự. |
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng cho biết, sở đang lập dự toán khoảng 2 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo di tích này, trình UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương thực hiện trong năm 2024 - 2025 nhằm chuẩn bị cho công tác tổ chức Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Vạn Tường (18/8/1965-18/8/2025). Đồng thời, sở sẽ phối hợp với UBND huyện Bình Sơn tham mưu UBND tỉnh phân cấp cho địa phương này trực tiếp quản lý di tích để phát huy được hiệu quả công tác quản lý.
Ngoài ra, thắng cảnh Núi đá Phú Thọ và Cổ Lũy Cô Thôn tại xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia năm 1993. Di tích được UBND TP.Quảng Ngãi quản lý từ năm 2013 đến nay. Hiện di tích này bị xâm lấn nghiêm trọng, trở thành nơi chôn cất người quá cố.
Lãnh đạo Sở VH-TT&DL xác nhận, qua kiểm tra thực tế việc phản ảnh của Báo Quảng Ngãi về tình trạng Di tích lịch sử Quốc gia thắng cảnh Núi Phú Thọ và Cổ Lũy Cô Thôn bị xâm phạm là đúng. Nguyên nhân chủ yếu là do trước và sau khi được xếp hạng là di tích quốc gia thì các hộ dân ở địa phương đã và đang chôn cất người mất trong đất di tích.
Nhiều mồ mả được chôn cất trong khu vực Di tích thắng cảnh Núi Phú Thọ. |
Việc đo vẽ bản đồ và biên bản khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích còn chậm trễ, kéo dài, mới chỉ thực hiện lại vào năm 2022. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về gìn giữ, bảo vệ di tích còn hạn chế. Từ khi được xếp hạng đến nay, các cấp, các ngành chưa quan tâm bố trí kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích.
UBND TP.Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chôn cất người thân tại nghĩa địa của TP.Quảng Ngãi, không mai táng người mất tại núi Phú Thọ và hạn chế việc tu sửa, xây dựng mới các mộ hiện có trong khu vực bảo vệ của di tích.
Đồng thời, sớm đầu tư hoàn thành Dự án công viên Nghĩa trang Tịnh Ấn Viên và mở rộng nghĩa địa Nghĩa Kỳ (giai đoạn 3) nhằm đáp ứng nhu cầu đất mai táng cho người chết của người dân TP.Quảng Ngãi, trong đó có người dân ở xã Nghĩa Phú. Kiểm tra, đánh giá hiện trạng, số lượng mộ nằm trong khu vực I bảo vệ của di tích để có phương pháp di dời đến nơi quy định.
Thành cổ Chămpa ở Di tích thắng cảnh Núi Phú Thọ. |
Tiến hành cắm mốc giới di tích, dựng bản vẽ bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ của di tích Núi Phú Thọ và biển báo cấm người dân mai táng người chết trong diện tích đất di tích. Hàng năm cân đối kinh phí ngân sách cho công tác bảo quản, tu bổ đối với di tích này.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh đưa di tích Núi Phú Thọ và Cổ Lũy Cô Thôn vào danh mục các Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 (kinh phí 15 tỷ đồng) và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 51/QĐ-UBND ngày 14/01/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kèm Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030”.
Trước đó, Báo Quảng Ngãi điện tử đã đăng “Video: Cần sớm trùng tu, tôn tạo Di tích quốc gia Chiến thắng Vạn Tường” vào ngày 15/5/2023 và bài viết “Không để di tích lịch sử, văn hóa bị xâm lấn” vào ngày 31/5/2023, để phản ánh tình trạng hai di tích lịch sử cấp quốc gia bị xuống cấp, xâm lấn nghiêm trọng.
Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, Quảng Ngãi hiện có 254 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Qua rà soát, chỉ có 98 di tích được cắm mốc giới, 41 di tích được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có khoảng 50 di tích bị lấn chiếm, xâm hại. Trong đó, có cả những di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt. Hiện nhiều di tích đang xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích.
Bài, ảnh: T.VƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: