Phát huy tiềm năng du lịch, văn hóa

14:15, 23/05/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Tư Nghĩa có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh có giá trị. Lợi thế này đang được huyện phát huy nhằm phát triển du lịch, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhiều điểm đến

Những ngày nắng nóng, khu vực bãi Dừa, xã Nghĩa Hòa trở thành điểm hẹn của người dân, du khách, đông nhất là vào dịp cuối tuần. Đến đây, họ được hưởng không khí trong lành và thưởng thức các món hải sản tươi ngon. 

Nhiều bạn trẻ thì chọn suối Mơ, ở xã Nghĩa Kỳ, để thả mình trong dòng nước suối mát lạnh và tha hồ check in. Còn vào dịp Tết đến Xuân về, tại các làng hoa Nghĩa Hiệp, thị trấn La Hà ngập tràn sắc hoa cúc, hoa lay ơn, hoa đồng tiền, hoa thược dược... Thương lái từ các tỉnh đổ về mua hoa, còn các bạn trẻ từ khắp nơi trong tỉnh đổ về ngắm hoa, chụp ảnh. 
Khu du lịch sinh thái Bãi dừa, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) nhìn từ trên cao.     Ảnh: TH.PHƯƠNG
Khu du lịch sinh thái Bãi dừa, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) nhìn từ trên cao. Ảnh: TH.PHƯƠNG

So với các địa phương trong tỉnh, huyện Tư Nghĩa có khá nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh với nhiều loại hình khác nhau. Nếu muốn tìm lại dấu xưa, du khách có thể tìm đến Di tích quốc gia Chùa Ông, hoặc đoạn Trường Lũy đi qua 4 xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Thắng, Nghĩa Sơn, Nghĩa Thọ. Nếu muốn tìm đến những di tích lịch sử đấu tranh cách mạng có thể về thăm di tích Tượng đài 4 dũng sĩ xã Nghĩa Hiệp, vụ thảm sát ở thôn 2 xã Nghĩa Lâm. 

Huyện Tư Nghĩa cũng đã phối hợp với tỉnh thu hút đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tắm bùn suối nước nóng xã Nghĩa Thuận và Khu du lịch sinh thái Bãi dừa (Cocoland River Beach Resort) xã Nghĩa Hòa. Đây là những điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong tỉnh, trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm cho người dân địa phương. 

Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch

Những năm qua, huyện Tư Nghĩa đã khoanh vùng bảo vệ 20 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Đồng thời, phối hợp với ngành VH-TT&DL lập hồ sơ đề nghị cấp trên công nhận 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 8 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Mỗi di tích lịch sử, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền rộng rãi nhằm phát huy giá trị.

Huyện Tư Nghĩa đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích đình Điền Trang xã Nghĩa Trung.
                                                                                                                                                                                                              Ảnh: ĐVCC
Huyện Tư Nghĩa đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích đình Điền Trang xã Nghĩa Trung. Ảnh: ĐVCC

Mới đây, ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh đình Điền Trang, xã Nghĩa Trung. Đây là nơi phát hiện Yoni của người Chăm có niên đại từ thế kỷ XI. Trưởng phòng VH - TT huyện Tư Nghĩa Huỳnh Ngọc Thuận cho biết, việc tổ chức công nhận Di tích lịch sử Đình Điền Trang có ý nghĩa quan trọng, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa. Đây còn là hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về bề dày lịch sử mà cha ông đã để lại.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, huyện Tư Nghĩa đã xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Năm 2014, tỷ lệ gia đình văn hóa của huyện đạt 88%, thì đến năm 2023 đạt trên 92%; danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa năm 2023 đạt 100%. Công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động văn hóa, TD-TT của nhân dân cũng được đẩy mạnh, đạt được những kết quả tích cực.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Đoàn Việt Vân cho hay, để du lịch phát triển, huyện tiếp tục phát huy những điểm du lịch đã hình thành. Đồng thời, tăng cường quảng bá, phát triển các sản phẩm du lịch làng nghề, đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, các mô hình du lịch cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông công cộng để rút ngắn thời gian lưu thông và tạo thuận lợi cho người dân và du khách đến tham quan. Tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như phục dựng các làn điệu dân gian, hát bài chòi để làm phong phú thêm loại hình du lịch. Thông qua Tuần lễ du lịch của tỉnh được tổ chức hằng năm, huyện Tư Nghĩa sẽ tăng cường giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch của huyện qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tham gia các sự kiện lớn của tỉnh nhằm thu hút đầu tư và tạo cơ hội giao lưu học hỏi, hợp tác phát triển văn hóa, du lịch tại địa phương.

TRƯỜNG AN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:15, 23/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.