Lăng Ông ở Khánh Bắc

22:59, 02/01/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đất nước thanh bình, người dân Khánh Bắc, phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ) trở về làng dựng lại mái nhà xưa. Những con thuyền nhỏ lại rẽ sóng vươn khơi. Người làng chung tay góp công sức, tiền của dựng lại lăng thờ thần Nam Hải để cúng tế, cầu cho sóng yên biển lặng, đánh bắt được nhiều hải sản.

Lăng thờ thần Nam Hải của vạn chài Khánh Bắc, phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ).

Dựng lăng thờ thần

Ở tuổi 84, cụ Huỳnh Bảy, ngụ tổ dân phố Khánh Bắc, phường Phổ Vinh vẫn khỏe mạnh và khá minh mẫn. Cụ tỏ tường những chuyện liên quan đến lăng thờ thần Nam Hải xây dựng trên khu đất khá rộng bên bờ biển xanh. Cụ nghe người xưa kể lại, lăng được xây dựng từ khi vua Gia Long lên ngôi. Ngày nọ, có xác cá voi to lớn dạt vào bờ biển, người dân trong làng cùng nhau lo cúng tế và chôn cất. Sau đó, họ bàn bạc và thống nhất đóng góp công sức, tiền của xây dựng lăng thờ cá voi, gọi là lăng Ông. Ban đầu, lăng được dựng bằng tre, gỗ tạm bợ với mái lợp tranh đơn sơ. Cạnh lăng là 2 am thờ Thủy Long Thần Nữ và Cô Bác (thờ vong hồn những người chết do đuối nước hay lang thang không cửa nhà). Mưa nắng quanh năm cộng với những cơn gió từ biển khơi khiến cho lăng ngày càng bị hư hại. Mọi người bàn nhau mua những cây gỗ chắc chắn rồi dựng cột, gác kèo, bắc rui, mè... Mái lăng được trát lớp đất sét khá dày và lợp tranh lên trên che nước mưa khỏi rã mái đất. Sau hơn 2 năm, họ thành tâm cúng bái rồi khai quật, đưa xương cá vào trong lăng thờ. “Lúc Ông lụy vào bờ phải chọn người cao tuổi có vợ chồng con cái đàng hoàng, gia đình êm ấm và được mọi người nể trọng để làm chủ tang. Sau hơn 2 năm phải chọn ngày tốt mới tổ chức lễ cúng và rước ông vào thờ trong lăng”, cụ Bảy cho biết.

Làng quê gặp thời loạn lạc, cuộc sống của người dân cơ cực trăm bề. Bom đạn tàn phá xóm làng gây ra bao cảnh tang thương. Năm 1966, tàu chiến của quân đội Mỹ ở ngoài biển bắn vào làng khiến những mái nhà tranh chìm trong biển lửa. Lăng Ông cũng bị thiêu rụi trước sự uất nghẹn của dân làng. Mọi người rời làng để tránh khói lửa chiến tranh. Sống ở nơi xa, mọi người luôn nhớ về làng cũ, nhớ lăng Ông bị hư hại bởi bom đạn giặc thù.

Đất nước thanh bình, người dân Khánh Bắc về làng dựng lại mái nhà xưa. Những con thuyền nhỏ lại rẽ sóng vươn khơi giăng lưới. Người làng chung tay góp công sức, tiền của dựng lại lăng thờ thần Nam Hải để cúng tế, cầu cho sóng yên biển lặng, đánh bắt được nhiều cá, tôm. Sau nhiều lần xây dựng, đến nay lăng khá khang trang. Bên trong lăng có 3 gian thờ. Gian giữa thờ thần Nam Hải, hai gian bên thờ những vị thần hộ vệ. Miếu thờ Thủy Long Thần Nữ và thờ Cô Bác cũng được xây dựng khá vững chãi. Người dân trong làng cùng con em sinh sống phương xa cùng chung sức xây dựng nhà sinh hoạt, hội họp khá rộng rãi.

“Kể từ ngày giải phóng đến nay, chúng tôi đã chung sức xây dựng lăng đến 4 lần. Trước mỗi lần xây dựng, Ban vạn tổ chức họp dân để thống nhất mọi việc. Con em quê hương sinh sống ở nước ngoài nghe tin xây lăng cũng gửi tiền về đóng góp", cụ Nguyễn Trung (78 tuổi), vạn trưởng vạn chài Khánh Bắc cho biết.

Thành tâm tế lễ

Sáng mùng 1 Tết, ngư dân trong vạn chài mang hương hoa, bánh trái thành tâm dâng cúng lên các gian thờ. Mọi người khấn nguyện, cầu cho gia đình và xóm làng bình an, biển yên sóng lặng, đánh bắt được nhiều cá, tôm. Rồi họ tay bắt mặt mừng, cầu chúc cho nhau gặp nhiều điều may mắn. Sau Tết, thuyền ra khơi thu về những mẻ lưới khẳm cá tôm trong niềm vui sướng của những ngư dân can trường trên sóng nước. Những bậc cao niên chọn ngày lành vào đầu tháng 2 âm lịch để tổ chức lễ “Xuân thủ kỳ yên”. Nghĩa là lễ: “Đầu năm mừng cuộc sống bình yên”. Dân làng tự nguyện đóng góp kinh phí mổ heo, gà và mua sắm các thứ sửa soạn mâm cỗ dâng cúng đấng linh thiêng. “Một năm có 3 ngày cúng lớn. Đó là ngày đầu tháng hai và 2 ngày giỗ Ông vào ngày 28 tháng 4 và ngày 27 tháng 8 âm lịch. Bà con trong vạn chài đoàn kết lắm, mọi người đóng góp kinh phí rồi mổ heo, làm gà, chị em phụ nữ thì lo nấu nướng để cúng rồi cùng ăn”, cụ Nguyễn Trung cho biết. “Đó là chưa kể đến những năm có hát bội. Nếu rước đoàn hát bội thì cũng phải lo sắm sửa để dâng cúng thần linh và Cô Bác để mong được phù hộ bình an. Kể từ ngày giải phóng đến nay, chúng tôi tổ chức 26 lần hát bội rồi”, cụ Bảy góp chuyện.

Lăng Ông là điểm tựa tinh thần của những ngư dân mưu sinh trên sóng nước. Mỗi khi gặp cuồng phong trên biển, họ thắp hương vái lạy và khấn nguyện thần Nam Hải, Thủy Long Thần Nữ và Cô Bác phù hộ cho tai qua nạn khỏi. Lúc về đất liền, họ liền sắm hương hoa và bánh trái mang đến thắp hương dâng lễ tạ ơn thần. “Thời trước đi biển nguy hiểm lắm. Chỉ với chiếc thuyền nan có gắn buồm nhưng vẫn ra đánh bắt cách bờ khoảng 20 hải lý. Chiếc thuyền như chiếc lá mỏng manh trôi trên sóng nước. Vậy nên ai cũng mong được đấng linh thiên phù hộ đi về bình an. Giờ thì thuyền to, máy móc hiện đại, nghe được dự báo thời tiết nhưng bà con vẫn cầu mong gặp nhiều may mắn. Khi thoát khỏi gió bão trở về nhà là họ sắm lễ vật dâng cúng...”, cụ Bảy tâm sự.

Bài, ảnh: TRANG THY

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 22:59, 02/01/2024

Ý kiến bạn đọc


.