Thu thuế thời xưa

15:43, 15/12/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thu thuế ở làng xã Quảng Ngãi thời xưa, gồm thuế ruộng, thuế thân, thuế lao dịch, thuế muối, thuế thuốc phiện, thuế rượu. Hương ước xưa được xem là “bộ luật làng” quy định rõ ai có trách nhiệm đóng thuế, cũng như cách thức thu thuế.

Các hạng thuế phải thu

Hương ước làng Phủ Lễ, tổng Bình Thượng, phủ Bình Sơn năm Bảo Đại thứ 12 (1937) viết: “Mỗi năm định kỳ thâu thuế. Sau khi lãnh bài chỉ đinh điền, lý trưởng phải trình với hội đồng hương thôn đại hào mục chiếu tính. Người nào ruộng đất bao nhiêu, thuộc hạng gì phải nạp thuế bao nhiêu, kê biên niêm yết rõ ràng, rồi giao cho lý trưởng theo thâu, nếu lý trưởng phù thâu phải trình quan nghĩ trị”.

Trước đây, việc thu thuế thường được tổ chức tại đình làng.
Trong ảnh: Đình Nga Mân, xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ). ẢNH: VÕ MINH TUẤN

Thuế đánh vào nhân khẩu gọi là thuế đinh, thuế đầu người, sưu. Những người dân chính cư trong làng được chia thành 3 hạng: Ti ấu (dưới 18 tuổi), chính đinh (từ 18 đến 59 tuổi) và lão hạng (trên 60 tuổi). Thuế thân đánh vào chính đinh, các ti ấu và lão hạng không phải đóng thuế thân. Thuế đánh vào ruộng đất còn gọi là thuế điền thổ. Quảng Ngãi là tỉnh có nền nông nghiệp lâu đời nên ruộng đất giữ vai trò quan trọng, bởi thế từ xưa các loại thuế ruộng đất rất được coi trọng. Theo hương ước làng Diên Niên phủ Sơn Tịnh: “Thuế ruộng có trích lục, mỗi năm định kỳ thu thuế, chiếu tính người nào ruộng đất bao nhiêu, thuộc hạng gì phải nộp thuế giao cho lý trưởng”. Các thuế khác như thuế muối, thuế rượu, thuế thuốc phiện ít được đề cập đến.

Trước đây, việc thu thuế do hội đồng hào mục chịu trách nhiệm. Hương ước làng Chánh Lộ, phủ Tư Chánh, tổng Tư Điền quy định về Hội đồng hào mục hay còn gọi là Hội đồng hương chính đặt dưới quyền kiểm soát, bảo vệ và hướng dẫn của quan trên (tòa, tỉnh, phủ). Hội đồng gồm có những người kỳ hào, tộc biểu làm hội viên; lý hương và chánh phó xã đoàn đương thứ tham dự, mỗi xóm có một người có tuổi tác, lịch duyệt để làm cố vấn cho hội đồng. Người đứng đầu của hội đồng ấy gọi là Đại hào mục, sẽ chọn những người có danh vọng, phẩm hàm hay trong những người kỳ hào, tộc biểu, cựu lý hương. Trợ lý cho Đại hào mục là thư ký, hương bổn và các hương chức khác. Lý trưởng là người chịu trách nhiệm phối hợp với Hội đồng hào mục để điều hành việc thu các loại thuế.

Cách thức thu thuế

Mỗi khi đến kỳ nộp thuế, người dân trong làng phải đến nộp thuế cho làng trước kỳ hạn, không nên để cho làng đòi nhiều lần. Nếu ai vi phạm các điều, khoản trong hương ước sẽ bị làng khiển trách trước công chúng, hay phạt từ 20 đến 100 đồng bạc, hoặc xin quan địa phương trách phạt. Việc thu thuế thường được tổ chức tại đình làng. Mọi hạng dân chịu thuế đến đình để nộp.

Lý trưởng thu tiền của ai thì phải có biên lai. Khi nào thu đủ thì lý trưởng đem nộp quan sở tại. Những đinh bỏ làng đi mất tích và những người chết trước vụ sưu mà không có sản nghiệp lưu lại thì đồng dân phải san bổ nộp thay. Hương ước làng Chánh Lộ, ở khoản 141 nêu rõ: “Sẽ dùng những cuốn biên lai tồn căn để thu thuế. Biên lai có hai phần để ghi số hiệu từ một đến một trăm, một phần giao cho người đóng thuế, một phần để lại lưu chiếu. Số tiền thu ghi trong biên lai phải giống nhau và không nên gạch bỏ hay gom tẩy, số tiền phải viết bằng chữ số và chữ thiệt. Lý trưởng ký áp vào phần biên lai, đưa cho người đóng thuế ký, hoặc điểm chỉ vào biên lai để lưu chiếu”.

Việc thu thuế đối với dân ngụ cư tại làng Chánh Lộ cũng bằng một biên lai riêng, nhưng sẽ được xuất trước, ghi đầy đủ tên họ, số tiền thuế và lý trưởng ký áp vào phần biên lai, giao cho người đi thu thuế gặp những người dân ngụ cư để thu. Khi nhận biên lai thì người đi thu chịu hết trách nhiệm, phải nhận đủ số tiền thuế tương ứng với số biên lai. Nếu như trong số biên lai xuất thu mà thiếu một người do đi vắng, thì người đi thu phải về báo cho lý trưởng và nộp lại biên lai ấy. Làng sẽ cử người đi đòi, nếu người nào cố tình không nộp thuế sẽ bị làng coi thường và trách phạt.

Sau khi thu thuế sẽ tính toán số tiền thu được tại nhà lý trưởng hoặc đình làng, rồi nộp cho quan địa phương. Việc thông báo cho người dân thì hầu như làng nào cũng lập danh sách sao yết dán tại đình làng. Đình làng là trụ sở hành chính của làng xã, hầu hết công việc của chính quyền cơ sở đều giải quyết tại đình làng.

Làng xã truyền thống xưa có tục ăn uống khi làng có việc. Lễ tiết trong năm, ăn khao, ăn khoán là những sinh hoạt phổ biến. Lệ hương ẩm hay phân ngôi thứ theo chiếu ngồi ăn cũng từ đó mà ra. Việc sưu thuế là việc hệ trọng của làng nên khi tổ chức thu thuế, làng bày ra sự ăn uống: “Khi ăn họp bổ thuế, lý trưởng phải ứng cho dân ăn họp một bữa, ăn uống hết bao nhiêu cũng bổ về theo đinh điền”.

Bài, ảnh: VÕ MINH TUẤN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 15:43, 15/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.