Tác giả - Tác phẩm: Cho những mộng mơ

16:17, 15/12/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau tập thơ đầu với nhan đề “Nghiêng” (2017), tác giả Phạm Thảo, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, hiện là giáo viên Trường Tiểu học Tây Hiệp, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) tiếp tục công bố tập thơ thứ hai “Khất thực mộng mơ”.

 

 Tập thơ “Khất thực mộng mơ” gồm 99 bài lục bát. Do “đi xin mộng mơ” nên thơ Phạm Thảo chan chứa nợ tình. Nợ tình đầu tiên chính là nợ tình quê, nợ tiếng ru hời của mẹ: “Đâu đây vọng tiếng ru hời/ Hồn quê là cả một thời tuổi thơ!” (Hồn quê). Ai chê bai cũng mặc, anh chàng điển trai kia vẫn cứ tự hào cái gốc nhà quê của mình, đèn hoa đô thị có lôi cuốn cỡ nào vẫn không đổi thay: “Gối đầu/ trên mớ rạ rơm/ Nằm nghe/ mùa lúa chín thơm trên đồng” (Hoài niệm tháng Ba). Vì vậy, nợ quê anh vẫn cứ nặng mang, xem món nợ lòng này là của quý, chẳng bao giờ trả mà ngày một thêm vay, để quê hương là nơi chốn trở về: “Về nương dưới rặng cau già/ Tìm dư hương cũ mặn mà ngày nao” (Về)...

Có một điều đặc biệt khi viết về quê hương, bàng bạc trong thơ Phạm Thảo là ánh chiều hoàng hôn quê với rất nhiều sắc vàng xuất hiện. Nào là sắc “vàng hây của ụ rạ”: “Tôi về ụ rạ vàng hây/ Bạn bè í ới gọi nhau trốn tìm” (Hương quê mùa Hạ), có “con rô mắc cạn”, “cánh sen uốn cong cả trời chiều”, cùng với những cánh diều tuổi thơ “neo” trong ánh chiều tà ấy (Hồn quê). Tôi đã thống kê và tìm được 117 từ, cụm từ biểu trưng của đồng quê xuất hiện cùng với 171 từ, cụm từ có ánh hoàng hôn và sắc vàng xuất hiện kể cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: “Tôi về... nơi phía đầu làng/ Ngọn tre gọng vó võ vàng nhớ mong” (Về quê)...

Hết nợ quê rồi lại nợ tình, lại say tình: “Tiễn người sao mãi còn say/ Bể dâu là cuộc trả vay cho đời” (Tiễn Đông). Tác giả lạc đường vào những cơn say cả ngày lẫn đêm: “Một đời lạc điệu cơn say/ Hoang dại đêm/ Hoang dại ngày từ đâu” (Hoang dại say). Té ra, không phải chàng say rượu mà đích thị là say tình: “Ừ thì.../ cạn chén tình say/ Xuân hồng gởi lại/ cuối ngày lãng du” (Cuối ngày lãng du).

Lại thêm cặp lục bát ngắt dòng này nữa: “Rượu cay/ Nhấm với nụ cười/ Trăm năm huyễn mộng/ Tình người đa đoan!” (Dư hương). Cặp lục bát này, về tổng thể, câu lục đối lập với câu bát: Đồ nhấm rượu ở đây là một nụ cười rất thực, nhưng cái cuộc đa đoan tình người lại là chuyện của trăm năm huyễn mộng. Về bộ phận trong từng câu, thì lại cũng là đối lập. Câu lục: Rượu cay thường lấy nước mắt, nỗi sầu làm đồ nhấm, ở đây đồ nhấm lại là nụ cười. Câu bát: Cái huyễn mộng trăm năm rất mơ hồ lại đặt đối lập đồng đẳng với cái đa đoan của tình người trong đời thực. Có lẽ nó hay và lạ là bởi chính sự phi lý này. Thế mới hiểu vì sao trong văn chương hậu hiện đại, dòng “văn chương phi lý” lại từng bước lên ngôi trên văn đàn thế giới. Ta cũng hiểu thêm vì sao trong 99 bài lục bát của Phạm Thảo lại lặp đi lặp lại đến 29 từ, cụm từ liên quan đến những cơn say...

Qua những cơn say, Phạm Thảo như hành khất, “đi xin” món-mộng, món-mơ để bồi đắp lại lòng người đang no-hơi-thực-dụng, bội-thực-cỗi-cằn, cạn-khô-cảm-xúc, mất-hết-mộng-mơ. Phương thuốc để chữa trị những “căn bệnh” ấy, chính là những lời ru quê: “Tôi ru tôi những đêm trường/ Ca dao rơi xuống một vườn trăng mơ/ Tôi ru năm tháng hững hờ/ Hương xưa đọng lại câu thơ trong ngần” (Ru tôi); là nụ cười của tình thân ái: “Ta về tìm lại nụ cười/ An yên giữa sóng gió đời bao la” (Miên man). Cuối cùng, gã ăn mày nhà quê ấy đã- một cách bản lĩnh - tự mình đi làm ăn mày để gom góp mộng mơ, mong giữ lại và dâng cho đời những giá trị mộng đẹp cùng những ước mơ vĩnh cửu:  “Hữu hình sấp ngửa bàn tay/ Kéo mình khất thực giữa ngày mộng mơ!” (Khất thực mộng mơ).

MAI BÁ ẤN

Xuất bản lúc: 16:17, 15/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.