Phát huy giá trị di tích, di sản và thắng cảnh

08:03, 28/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Ba Tơ có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Chính quyền địa phương cùng người dân đã và đang ra sức bảo tồn những giá trị quý, gắn với phát triển du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

            

Nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng

Khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945) là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Ngày 25/12/2017, địa điểm về cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Di tích này gồm 11 điểm di tích: Khúc sông Liên, Lò gạch Nước Năng, Nhà đồng chí Trần Quý Hai, Chòi canh suối Loa, Đồn Ba Tơ, Nha kiểm lý, Sân vận động Ba Tơ, Bãi hang Én, Bến Buôn, Chiến khu Nước Lá - hang Voọt Rệp, Chiến khu núi Cao Muôn. Từ năm 1985, Tượng đài kỷ niệm và nhà Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ đã được xây dựng, các điểm di tích đều có bia bảng chỉ dẫn. Hiện nay, huyện Ba Tơ trở thành địa điểm du lịch về nguồn hết sức ý nghĩa, là "địa chỉ đỏ" cho các thế hệ học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghiên cứu và học tập.

Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ.              Ảnh: TL
Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ.              Ảnh: TL

Ngoài ra, huyện Ba Tơ còn có nhiều thắng cảnh đẹp như: Thác nước Cao Muôn (Ba Vinh), Lũng Ồ (Ba Động), hồ Tôn Dung (thị trấn Ba Tơ)... Đặc biệt là thảo nguyên Bùi Hui rộng mênh mông, với nhiều điều thú vị. Những năm qua, thảo nguyên Bùi Hui là địa điểm được nhiều người dân trong, ngoài tỉnh lựa chọn để ghé thăm, dừng chân thưởng ngoạn. Những ngày hè, nhiều đoàn khách du lịch đã tìm về với thảo nguyên Bùi Hui để ngắm mây chiều, thưởng thức rượu cần, thịt nướng. Đêm đến, họ cùng nhau trải nghiệm không khí trong lành giữa bao la đất trời...

Những di sản văn hóa độc đáo

Hiện nay, huyện Ba Tơ có 2 nghề truyền thống độc đáo của người Hrê đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản phi vật thể quốc gia. Đó là nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành và nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê, huyện Ba Tơ.

Người trẻ ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) học nghề truyền thống dệt thổ cẩm của đồng bào Hrê.
Người trẻ ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) học nghề truyền thống dệt thổ cẩm của đồng bào Hrê.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 25/9/2019. Đây là nghề được đồng bào Hrê giữ gìn rất lâu đời. Nhiều thế hệ người dân nơi đây đã được sinh ra bên khung dệt vải, lớn lên trong tiếng thoi đưa, sinh ra đã được yên ấm trong khăn choàng, áo ấm thổ cẩm từ tay mẹ dệt. Con gái lớn lên thì được bà, được mẹ truyền dạy cách se vải, nhuộm màu. Cứ thế, nghề dệt được truyền dạy từ đời này qua đời khác, trở thành nghề truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng của người dân ở Làng Teng. Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê ở Làng Teng đã tạo nên những sản phẩm đa dạng, không chỉ phục vụ nhu cầu cuộc sống mà còn xuất bán ra thị trường, đặc biệt là được đưa vào giỏ quà tặng ngoại giao của tỉnh khi sang thăm nước bạn Lào hồi đầu năm 2023.

Nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê huyện Ba Tơ được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 3/2/2021. Nhạc cụ của người Hrê gồm nhiều loại như đàn brook, ching K’la, ta lía, đàn ống vin-vút, trống. Thế nhưng, nhạc cụ được người Hrê quý nhất là chiêng, nhất là bộ chiêng ba chiếc. Chiêng ba của người Hrê ở huyện Ba Tơ có âm thanh rất lạ, rất riêng. Từ tiết tấu, nhịp điệu đến phối âm, phối bè được người đánh chiêng thể hiện rất tinh tế. Những thanh âm có khởi đầu, có cao trào, có kết thúc, khi trầm hùng, lúc lại náo nức, rạo rực thổn thức, dồn dập. Chiêng ba được đánh vào những ngày vui của làng, như lễ hội, đám cưới, đám hỏi, vui chơi giải trí.

Tiếng chiêng ba trở thành một món ăn tinh thần độc đáo trong đời sống hằng ngày của đồng bào Hrê. Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Tơ có 890 hộ gia đình có chiêng, trên 900 bộ chiêng ba, 740 người biết sử dụng chiêng. Qua đó cho thấy, chiêng ba được người dân nơi đây bảo tồn, gìn giữ và xem là tài sản quý của mỗi gia đình. Ông Phạm Văn Rôm, nghệ nhân trình diễn cồng chiêng chia sẻ, chiêng ba có 3 chiếc, chiếc lớn có tên là chinh Vông, chiếc nhỏ hơn là chinh Tum, chiếc nhỏ nhất là chinh Túc. Khi trình diễn, chinh Vông được để nghiêng, chinh Tum để nằm và chinh Túc treo trên dây. Khác với chiêng của đồng bào Tây Nguyên đánh bằng dùi, chiêng ba của người Hrê đánh bằng tay.

Còn nhiều trăn trở

Trưởng phòng VH-TT huyện Ba Tơ Trần Văn Dũng cho biết, thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Ba Tơ đã xây dựng Đề án phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa của huyện Ba Tơ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, huyện cũng đã lập hồ sơ và được công nhận thêm 4 di tích, danh thắng cấp tỉnh. Đó là các di tích Chiến thắng Nước Lầy (xã Ba Ngạc), Giá Vực (xã Ba Vì), Trà Nô (xã Ba Tô) và danh thắng thác Cao Muôn. Từ đó, bổ sung, làm đa dạng thêm di tích, danh lam thắng cảnh của huyện, tạo điều kiện thuận lợi để bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa; đồng thời, hình thành điểm đến phục vụ phát triển du lịch của địa phương.

 

Phát huy những giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể, danh lam thắng cảnh hiện có, huyện Ba Tơ định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mang lại thu nhập cho người dân địa phương. Hiện nay, huyện đang tranh thủ các nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế bằng du lịch dựa vào giá trị di tích, di sản, danh lam thắng cảnh của huyện Ba Tơ vẫn còn nhiều khó khăn, do thiếu doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm lực cùng đồng hành.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lữ Đình Tích cho biết, thời gian qua, với nguồn lực địa phương, huyện đã nỗ lực hoàn thành hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển du lịch. Cùng với đó là, tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, đến nay, huyện vẫn chưa thu hút được doanh nghiệp nào, nên những lợi thế này chưa được khai thác, phát huy. Ba Tơ mong muốn tỉnh xem xét hỗ trợ huyện đưa vấn đề phát triển du lịch vào danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh, tạo điều kiện phát huy giá trị di tích, di sản, danh lam thắng cảnh, giúp người dân địa phương phát triển kinh tế.


Bài, ảnh: THANH NHỊ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 08:03, 28/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.