(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi lần cúng, giỗ, đồng bào Hrê ở Quảng Ngãi không đặt lễ vật cúng lên mâm, lên bàn, mà tự làm các giàn đựng đồ cúng từ cây đót và lá của cây re, cây tép... Tập tục độc đáo này được đồng bào Hrê gìn giữ, lưu truyền đến tận ngày nay.
Người Hrê ở Ba Tơ đặt lễ vật lên giàn cúng làm từ cây đót và lá tép. Ảnh: MINH ĐÁT |
Trên khắp các dãy núi trùng điệp từ Sơn Hà, Sơn Tây đến Minh Long, Ba Tơ, Trà Bồng, cây đót mọc xanh tốt um tùm. Nếu như bông đót được người dân miền núi Quảng Ngãi ví lá “lộc trời”, thường hái để bán cho các cơ sở làm chổi, thì thân cây đót được đồng bào Hrê chọn làm nguyên liệu chính để làm những giàn cúng, đựng các lễ vật dâng lên thần linh, tổ tiên trong dịp Tết và các dịp cúng, giỗ.
Theo Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL) Phạm Minh Đát, theo thời gian, do tác động của kinh tế thị trường, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, một số giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê đang bị mất dần, một số giá trị bị biến đổi không còn đúng với nguyên gốc. Chẳng hạn như kiến trúc nhà ở, trang phục của người Hrê đều đã có xu hướng biến đổi, giống với người Kinh. Đối với tập tục làm giàn cúng từ cây rừng, cộng đồng người Hrê ở Quảng Ngãi vẫn đang giữ lại gần như nguyên gốc, cần được gìn giữ và phát huy trong thời gian đến. |
Nói về tục làm giàn cúng từ cây đót của dân tộc mình, già làng Đinh Thêm, ở thôn Hà Bôi, xã Long Hiệp (Minh Long) cho biết, tôi không biết việc làm giàn cúng từ cây đót của người Hrê có từ bao giờ. Chỉ biết ngay từ thuở nhỏ, tôi đã chứng kiến ông bà, rồi đến cha mẹ mình mỗi lần tổ chức cúng, giỗ, dù lớn hay nhỏ, đều làm giàn cúng từ cây đót để đựng lễ vật dâng lên thần linh.
Vào những dịp cúng, giỗ, người Hrê thường lên rừng tìm và chặt những thân cây đót già, về chẻ thành từng nan mỏng, rồi kết lại thành những tấm vỉ hình vuông, hoặc hình chữ nhật (tùy theo quy mô của lễ cúng). Trên những tấm vỉ đan từ cây đót, mọi người sẽ đặt lên đấy một số loại lá rừng. Những tấm lá này sẽ giữ vai trò như cái chén, cái dĩa trên mâm cúng của người Kinh, dùng đựng các loại lễ vật như gà, thịt heo, thịt trâu...
Trong khi giàn cúng có nguyên liệu cố định là cây đót, thì các loại lá đựng lễ vật lại được người Hrê thay đổi theo từng lễ cúng. Khi cúng cầu sức khỏe đầu năm mới, cúng cầu sức khỏe trước khi đi làm ăn xa, hay cúng bến nước, cúng trâu... cộng đồng người Hrê ở Quảng Ngãi sử dụng 2 loại lá chính là lá re (tiếng Hrê gọi là Dhea), hoặc lá tép (tiếng Hrê gọi là Dhep). Còn khi cúng để cầu bình an, giải trừ đi những điều không may mắn, người Hrê sử dụng lá trải (tiếng Hrê gọi là Dha Dhê) để đựng lễ vật. Ngoài ra, cộng đồng người Hrê ở một số xã của huyện Ba Tơ và xã Long Sơn (Minh Long) còn sử dụng cành và lá cây sim rừng để kết lại thành giàn cúng, cầu xin thần linh mỗi khi ốm đau...
Gia đình bà Đinh Thị Hà, ở xã Long Hiệp (Minh Long) treo các giàn cúng sức khỏe lên tại khu vực cửa chính của nhà. Ảnh: Ý THU |
Mang quan niệm vạn vật hữu linh, nên dù hoàn thành xong lễ cúng, người Hrê cũng không tùy tiện bỏ đi các giàn cúng này. Đối với các lễ cúng thực hiện trong nhà, chẳng hạn như cúng cầu sức khỏe đầu năm mới, sau khi hoàn thành nghi lễ, mọi người thường treo các giàn cúng lên trên cao, ngay tại cửa chính của nhà. Đối với các lễ cúng, giỗ thực hiện ở ngoài sân, gia chủ giữ nguyên giàn cúng ở vị trí cũ, không ai được phép di chuyển.
Không chỉ bảo vệ, gìn giữ các giàn cúng, người Hrê còn tự quy ước với nhau cùng bảo vệ các loại cây dùng làm giàn cúng, như cây re, cây tép, cây trải... Bởi với họ, đó là cách để họ bày tỏ lòng thành kính với trời đất, với thần linh và tổ tiên...
Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: