Phụ nữ Hrê và thần Lúa

03:11, 09/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Với người Hrê, thần Lúa có mối quan hệ gắn kết với người phụ nữ trong gia đình. Do vậy, phụ nữ Hrê được giao nhiều công việc quan trọng trong trồng lúa rẫy cũng như trong thực hiện các nghi lễ thờ cúng thần Lúa.
 
[links()]
 
Nghi lễ từ thuở xưa  
 
Thuở xưa, lúa rẫy là nguồn sinh kế quan trọng nhất của người đồng bào Hrê. Trong canh tác, người Hrê quan niệm phải thực hiện nghi lễ thờ cúng thần Lúa - vị thần đóng vai trò quan trọng, mang đến sự no đủ. Tôn kính thần Lúa linh thiêng, người Hrê đề ra nhiều nguyên tắc trong canh tác lúa rẫy và tuân thủ rất nghiêm ngặt. Người Hrê cho rằng, thần Lúa có mối quan hệ gắn kết mật thiết với người phụ nữ trong gia đình. Do vậy, trong quá trình canh tác, phụ nữ Hrê được giao nhiều trọng trách như mang gùi chứa hạt giống lên rẫy vào ngày trỉa hạt; tuốt lúa từ khóm lúa thiêng mang về kho lúa để đón thần Lúa về nhập vào kho; trông coi, đóng và mở kho lúa...
 
Lúa trồng trên rẫy của người Hrê ở xã Long Môn (Minh Long).  Ảnh: Lam Giang
Lúa trồng trên rẫy của người Hrê ở xã Long Môn (Minh Long). Ảnh: Lam Giang
Bà Đinh Thị Lau (70 tuổi), ở xã Thanh An (Minh Long) kể rằng, trước khi trỉa hạt, mỗi gia đình phải kính cẩn làm lễ cúng xin phép thần Lúa ở khoảnh đất nhỏ giữa rẫy. Khoảnh đất diễn ra lễ cúng được xem là khoảnh đất thiêng. Đến lúc thu hoạch, khóm lúa thu hoạch tại khoảnh đất thiêng được gọi là lúa thiêng. Lúa từ khóm lúa thiêng sẽ được người phụ nữ trong gia đình bứt bằng tay và mang về nhà giã, rang, rồi nấu lên để cúng lúa mới.
 
Ở công đoạn trỉa hạt, người phụ nữ được giao nhiệm vụ tra hạt và lấp đất. Khi lúa bắt đầu chín, người phụ nữ cùng chồng lên rẫy thực hiện nghi lễ giăng dây, đón thần Lúa về nhà. Ở công đoạn này, người đàn ông buộc một đầu sợi dây màu trắng cố định lên thân tre cắm tại rẫy, còn người phụ nữ sẽ đảm nhận việc kéo dây nối từ rẫy, băng qua suối, qua đồi... về đến kho lúa ở nhà.
 
Người Hrê quan niệm, thần Lúa trú ngụ trong đám lúa thiêng, nên sau khi hoàn tất nghi lễ giăng dây, nữ chủ nhà phải một mình mang theo gùi lên rẫy và đến khóm lúa thiêng để hái bông lúa mang về. Khi đến khóm lúa thiêng, nữ chủ nhà phải lấy ra một sợi dây làm từ sợi cây bông để cột quanh bụi lúa thiêng rồi mới được tuốt bông lúa bỏ vào gùi. Sợi dây làm từ cây bông này được đeo bên cạnh chiếc gùi đựng lúa thiêng, và cũng chỉ có nữ chủ nhà mới được sử dụng sợi dây này. Đặc biệt, nữ chủ nhà phải bứt bông lúa bằng tay, không được cắt lúa bằng vật dụng làm bằng kim loại. Thực hiện tuân thủ theo nghi lễ này, thần Lúa mới theo nữ chủ nhà về với kho lúa... 
 
Thay đổi để phù hợp với nếp sống mới  
 
Phụ nữ Hrê ở xã Long Sơn (Minh Long) thu hoạch lúa. Ảnh: Lam Giang
Phụ nữ Hrê ở xã Long Sơn (Minh Long) thu hoạch lúa. Ảnh: Lam Giang
Theo thời gian, cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật và sự chuyển đổi từ phương thức canh tác lúa rẫy sang trồng lúa nước, các lễ nghi thờ cúng thần Lúa dần dà được thực hiện theo hướng đơn giản hơn. Trước đây, việc thờ cúng thần Lúa là một hoạt động nối tiếp nhau theo hành trình của hạt lúa. Trước khi làm vụ mới phải cúng thần Lúa trong chòi, hay còn gọi là cúng dọn lúa của năm cũ. Đầu mùa thu hoạch phải làm lễ tế cúng thần Lúa rồi mới thu hoạch đại trà. Sau khi thu hoạch xong phải làm lễ tạ ơn. 
 
Hiện tại, việc thờ cúng thần Lúa đã được người Hrê giản lược, thường chỉ cúng tạ ơn thần linh sau khi thu hoạch. Mặt khác, một số kiêng kị và nghi thức phức tạp trong thờ cúng thần Lúa cũng đã được lược bỏ. Chẳng hạn nghi lễ giăng dây đón thần Lúa về kho, ngày nay không còn nữa. Hiện nay, người Hrê quan niệm, thần Lúa có thể theo bất cứ một người nào trong gia đình từ đồng ruộng về nhà sau mùa gặt, không nhất thiết phải là người phụ nữ và việc trông coi, mở, đóng kho lúa đã trở thành trách nhiệm của cả gia đình chứ không còn được giao riêng cho nữ chủ nhà.
 
LAM GIANG
 

.