(Báo Quảng Ngãi)- Đoàn thuyền nối đuôi nhau lướt nhẹ trên sóng nước trong nắng hanh vàng. Chủ thuyền chầm chậm bước ra phía trước hướng vào dinh Bà cung kính vái lạy. Họ lầm rầm khấn nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, những chuyến ra khơi - về bờ khẳm cá tôm.
Phía bắc bãi biển Hóc Mó, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) có ngọn núi nhô ra biển tạo nên khung cảnh hùng vĩ làm say đắm lòng người. Nơi chân núi có dinh thờ nữ thần được nhân dân quanh vùng vô cùng sùng kính. Theo nhiều bậc cao niên ở làng chài Thạnh Đức 1, dinh được dựng từ thuở người Việt vào mở mang, khai phá đất phương nam. Sau nhiều lần trùng tu, dinh khá vững chắc bên mép biển. Phía trước dinh dựng tấm bình phong cùng 2 trụ bê tông khá to lớn. Bình phong tạc hình nghê khá oai phong xoay mình hướng ra biển. Thân cột đá tạc đôi rồng với những đường nét khá uyển chuyển. Trên đỉnh cột có đôi nghê rướn mình vươn lên trời xanh. Trên mái dinh tạc đôi rồng theo thế lưỡng long chầu nguyệt thường hiện diện nơi đền đài, miếu mạo ở những làng quê đất Việt. Trong dinh có ba gian thờ. Gian giữa thờ tượng Bà dung nhan muôn phần đẹp đẽ. Những vị thần hộ vệ bà thờ ở 2 bên.
Dinh Bà ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), nằm bên mép biển. |
Nhìn từ xa, dinh Bà ẩn hiện giữa màu xanh cây lá với khung cảnh hết sức uy nghiêm. Bước gần đến dinh, không khí chợt mát rượi giữa trưa hè oi ả. Rừng cây xanh bao phủ tựa chiếc máy điều hòa phả hơi mát vào da thịt. Gió từ khơi xa thổi vào bờ như dìu người vào chốn thiên thai. "Từ bao đời rồi, lệ làng ở đây không cho phép người chặt cây, lấy củi. Vậy nên, nơi đây là vùng cấm đối với mọi người. Ở đây gọi là Cấm Dinh Bà, kế bên gọi là Cấm Bà Mau", cụ Nguyễn Xu (79 tuổi), người được giao trông coi dinh, cho biết.
Cụ Xu tham gia du kích ở địa phương khi vừa tròn 18 tuổi. Cụ được tổ chức giao nhiệm vụ dán tranh, chữ cổ động, treo khẩu hiệu kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi quân thù, giải phóng quê hương. Khu rừng Cấm Dinh Bà và Cấm Bà Mau là nơi trú ngụ của cụ cùng đồng đội thuở ấy. Dưới tán cây cao lớn che khuất, cán bộ cùng nhân dân đào hầm hào làm nơi sinh hoạt và chiến đấu. Khi phát hiện tàu chiến địch vào gần bờ, du kích canh gác tại điểm chốt ở Cấm Dinh Bà sẵn sàng nhả đạn vào quân thù. Nhờ địa thế che chắn vững chắc nên bao phen lính Mỹ và Việt Nam cộng hòa phải tháo chạy thoát thân. Sau nhiều lần thất bại, địch điên cuồng ném bom, bắn pháo nhưng họ vẫn bình an vô sự. "Chiến đấu ở đây xong là du kích đi dưới giao thông hào rút về Cấm Bà Mau. Nhiều lần máy bay địch ném bom tới tấp, đạn pháo từ tàu chiến ngoài biển bắn vào nhưng đâu có trúng. Vậy nên, dân làng cho rằng đó là do Bà phù hộ mới được bình an. Ở đây không chỉ có du kích địa phương mà nhiều lần bộ đội cũng về đóng quân và chiến đấu với giặc", cụ Xu nhớ lại.
Cấm Bà Mau nối liền với núi đồi cùng xóm làng nằm bên biển cả bao la. Người dân, du kích và bộ đội đi lại dưới tán lá xanh che khuất. Nhờ thế, nhân dân vẫn sản xuất để có nguồn lực đóng góp cho cách mạng. Sau mỗi trận chiến, du kích, bộ đội lại rút về nơi đây sinh hoạt, hội họp dưới tán rừng. "Lúc chiến tranh mẹ tôi làm y tá đi đến từng nhà đỡ đẻ cho phụ nữ trong vùng. Đoạn nào không có hào mới đi trên mặt đất. Ban đêm thì xách theo ngọn đèn dầu để thấy đường và tránh được rắn rết...", chị Võ Thị Sương cho biết.
Sáng mùng 2 Tết, nhiều ngư dân làng chài Thạnh Đức 1 mang lễ vật ra dâng cúng tại dinh Bà để tỏ lòng tôn kính đấng linh thiêng. Khói hương vờn bay trong gió xuân se lạnh. Họ lầm rầm khấn nguyện, cầu mong Bà phù hộ gặp nhiều may mắn, gia đình yên vui. Sau đó, mọi người cùng nhau ăn uống, chuyện trò rôm rả. Họ cầu chúc nhau sức khỏe dồi dào và gặp những điều tốt đẹp trong năm mới. Sáng mùng 3 Tết, đoàn thuyền xuất bến ra khơi qua cửa biển Sa Huỳnh. Đông đảo người dân đứng trên bờ reo hò cổ vũ xen lẫn những hồi trống giục giã lòng người. Cờ Tổ quốc trên mui tàu tung bay trước gió. Đoàn thuyền nối đuôi nhau lướt nhẹ trên sóng nước trong nắng xuân hanh vàng. Chủ thuyền chầm chậm bước ra phía trước hướng vào dinh Bà cung kính vái lạy. Nén nhang trên tay cháy đỏ. Họ lầm rầm khấn nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, những chuyến tàu về bờ tôm cá đầy khoang. "Dân làng chúng tôi gọi đấy là "lấy đại lợi", mong cho cả năm làm ăn suôn sẻ", ngư dân Lê Ga cho biết.
Chị Võ Thị Sương dâng hương lên bàn thờ Bà. Ảnh: Trang Thy |
Cứ đến mùng 10 tháng 8 âm lịch, dân làng tự nguyện góp tiền xẻ heo và sắm sửa lễ vật để dâng cúng tại dinh Bà. Mọi người tề tựu chung tay lo cúng bái. Chiêng trống vang lừng át cả tiếng sóng từ khơi xa vỗ vào bờ. Nhang trầm thoang thoảng hương thơm trong gió thu mát dịu. Họ cầu khấn mọi sự tốt lành, trời yên biển lặng, đánh bắt được mùa. Những gương mặt sạm đen vì nắng gió hiện lên nụ cười mãn nguyện vì đã lo được lễ trọng trong năm. "Đối với bà con ở đây thì dinh Bà linh thiêng lắm. Vậy nên, mọi người tự nguyện đóng góp và chung tay lo cúng bái chứ không cần nhắc nhở gì cả", cụ Xu tâm sự.
Mưu sinh trên biển lắm nỗi gian truân cùng bao hiểm nguy chực chờ. Vì vậy, những ngư dân can trường trên sóng nước mong được giúp đỡ vượt qua lúc nguy nan. Và, dinh Bà là nơi họ tìm đến để cầu mong được chở che, vượt qua cơn hoạn nạn. Đấy còn là nơi gắn kết cộng đồng cho tình nghĩa xóm làng thêm bền chặt.
TRANG THY