(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ huyện Tư Nghĩa lần thứ XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội LHPN huyện đã tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Trợ lực cho phụ nữ thoát nghèo
Chủ tịch Hội LHPN huyện Tư Nghĩa Võ Thị Thịnh cho biết, để giúp hộ phụ nữ nghèo vay vốn làm ăn có hiệu quả, điều trước tiên là phải khơi dậy tinh thần thoát nghèo. Hằng năm, Hội LHPN huyện hướng dẫn cho hội LHPN các xã, thị trấn trên địa bàn khảo sát số lượng và nắm rõ nhu cầu của phụ nữ nghèo để có biện pháp giúp đỡ phù hợp. Hội LHPN huyện cũng phối hợp với các ngành chức năng nắm bắt, cung cấp thông tin liên quan đến công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho hội viên, phụ nữ. Từ đó giúp chị em chọn lựa những ngành nghề phù hợp với mình, để phát triển kinh tế gia đình.
Đến nay, Hội LHPN huyện Tư Nghĩa đã tổ chức 6 lớp tập huấn về trồng rau an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cho 340 cán bộ hội cơ sở; chỉ đạo hội LHPN cơ sở phối hợp tổ chức 23 lớp tập huấn, với 1.445 chị em tham gia. Cùng với đó là tập huấn về trồng lúa, chăn nuôi bò sinh sản, phòng, chống dịch tả heo Châu Phi; kỹ thuật trồng ớt, măng tây, bắp lai, nấm; kỹ thuật thụ tinh nhân tạo với giống trâu Mura; nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện tích cực khai thác nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT; vốn vay của các ngân hàng thương mại, quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo... nhằm hỗ trợ, giúp chị em tiếp cận với các nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.
Cán bộ xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) hướng dẫn phụ nữ thủ tục vay vốn phát triển kinh tế để thoát nghèo. Ảnh: TR.AN |
Tính đến ngày 30/4/2024, huyện Tư Nghĩa có 95 tổ tiết kiệm và vay vốn, với gần 4.610 hộ vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng dư nợ hơn 236 tỷ đồng và 107 hộ vay vốn từ các ngân hàng thương mại, dư nợ hơn 27 tỷ đồng. Hưởng ứng đợt thi đua thực hành tiết kiệm “Làm theo Bác giúp nhau giảm nghèo bền vững”, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã xây dựng kế hoạch thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững. Qua đó, xây dựng được 823 tổ tiết kiệm tại chi, tổ hội, tổ hùn vốn, với 8.512 thành viên, thu được hơn 6,2 tỷ đồng để cho 1.962 phụ nữ nghèo vay, mượn xoay vòng với lãi suất thấp hoặc vốn không tính lãi.
Đa dạng các mô hình phát triển kinh tế
Hội LHPN xã Nghĩa Thắng hiện có 10 chi hội, với 45 tổ phụ nữ ở 10 thôn, gồm 3.719 thành viên. Trong đó có 288 hội viên là người đồng bào dân tộc thiểu số. Nửa nhiệm kỳ 2021 - 2026, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh xã, nhóm Zalo của Hội LHPN xã Nghĩa Thắng đã hướng dẫn cho hội viên về các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, cận nghèo, thủ tục cho vay, quy định xử lý nợ.
Qua đó, có 521 hộ vay vốn làm ăn thoát nghèo. Điển hình như hộ bà Võ Thị Thịnh, ở thôn An Hòa Bắc, với mô hình nuôi bò sinh sản; bà Nguyễn Thị Thường, ở thôn An Lạc, tham gia nuôi bò thịt; bà Phạm Thị Tân, ở thôn 1, nuôi trâu sinh sản, kết hợp trồng 6ha rừng keo; bà Phạm Thị Sơn, ở thôn 1, chăn nuôi gà, vịt, heo, trâu và trồng 7ha rừng... Phần lớn hội viên, phụ nữ sử dụng vốn hiệu quả, làm ăn khấm khá nên trả tiền vay đúng kỳ hạn.
Nhờ sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện, cùng sự nỗ lực vươn lên của hội viên, phụ nữ, nửa nhiệm qua, huyện Tư Nghĩa có 181 hộ phụ nữ thoát nghèo, vượt 29% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ huyện Tư Nghĩa lần thứ XII đề ra. |
Tại xã Nghĩa Hòa, Hội LHPN xã đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm ăn, phát triển kinh tế thông qua việc làm nhang, nuôi chồn, trồng rau. Nhờ đó, nhiều gia đình có cuộc sống khấm khá, thoát nghèo bền vững.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tư Nghĩa, các cấp hội phụ nữ còn thành lập 19 tổ hợp tác nấu ăn, tổ liên kết nấu đám tiệc và may gia công, với 234 thành viên, tạo điều kiện cho chị em có việc làm tại địa phương, hạn chế tình trạng đi làm ăn xa.
TRƯỜNG AN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: