Đẩy mạnh xuất khẩu lao động

22:09, 28/09/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xuất khẩu lao động (XKLĐ), đặc biệt là vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc đang có sức hút lớn đối với người dân ở huyện Ba Tơ. Với sự định hướng đúng đắn của chính quyền, hỗ trợ tài chính của ngân hàng chính sách, người dân Ba Tơ đã an tâm, tin tưởng, tham gia ngày càng tích cực hơn vào lĩnh vực XKLĐ.

Đại diện các cơ quan, đơn vị làm công tác xuất khẩu lao động gặp gỡ người lao động sau khi hết hạn hợp đồng làm việc ở Nhật Bản trở về quê nhà tại huyện Ba Tơ.    

Tạo thuận lợi khi xuất khẩu lao động

Sau một thời gian chững lại vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, những tháng đầu năm 2023, tình hình tham gia XKLĐ ở huyện Ba Tơ đã sôi động trở lại. Theo số liệu của Phòng LĐ - TB&XH huyện, 8 tháng năm 2023 có 10 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngoài ra, hiện đang có 18 lao động đã qua phỏng vấn và chờ xuất cảnh, 1 lao động đang định hướng học tiếng Nhật Bản và 4 lao động đang định hướng học tiếng Hàn Quốc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh và chờ xuất cảnh. Danh sách đăng ký tham gia XKLĐ của huyện hiện đang tiếp tục dài ra, với chất lượng lao động ngày càng tăng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho biết, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, từ đó làm thay đổi nhận thức từ hoài nghi, e ngại sang mong muốn và sẵn sàng tham gia. Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ XKLĐ có nhiều ưu đãi, đã tạo động lực thu hút người lao động. Tuy nhiên, do trình độ văn hóa, tay nghề, ngoại ngữ còn yếu nên một số lao động đăng ký học định hướng tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc phải thi từ 2 - 3 lần mới đạt. Vả lại trước đây, một số lao động đi làm việc ở Malaysia, Indonesia, Đài Loan... có thu nhập thấp đã gây ra tâm lý không muốn tham gia XKLĐ đối với các lao động khác.

Xác định những giá trị của XKLĐ mang lại cho người dân huyện Ba Tơ, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác XKLĐ. Huyện đã kịp thời ban hành các văn bản để chỉ đạo, lãnh đạo và triển khai thực hiện trong công tác giải quyết việc làm, đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tổ chức sàn giao dịch việc làm... Kết quả đã phối hợp với Trung tâm DVVL tỉnh tổ chức 3 sàn giao dịch việc làm, với hơn 480 đoàn viên, thanh niên và học sinh cuối cấp THPT tham gia; phối hợp với Trung tâm DVVL tỉnh, Nghiệp đoàn IHD Nhật Bản tổ chức phỏng vấn và tuyển dụng 16 lao động định hướng học tiếng và đi lao động ở Nhật Bản. Hiện có 29 lao động đang định hướng học tiếng Nhật Bản tại Trung tâm DVVL tỉnh, chờ xuất cảnh.

Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Ba Tơ Trần Thanh Hoài cho biết, cơ hội XKLĐ của huyện Ba Tơ rất rộng mở và có nhiều ưu đãi hơn những địa phương khác trong tỉnh, cũng như trên địa bàn cả nước. Bởi vì, đây là địa phương được Công ty TNHH U International Human - Văn phòng đại diện tại tỉnh Quảng Ngãi về tuyển dụng lao động đi làm việc tại Nhật Bản chọn để hỗ trợ với chi phí thấp, phỏng vấn nhanh, thời gian chờ đợi để chính thức sang Nhật Bản làm việc ngắn. Các doanh nghiệp liên kết tiếp nhận lao động của công ty này có môi trường làm việc tốt, thu nhập cao, phù hợp với mong muốn của người lao động Ba Tơ. Việc tư vấn, giới thiệu XKLĐ cũng rất thuận lợi, có thể thông qua Trung tâm DVVL tỉnh bằng hình thức trực tuyến hoặc online.

Trợ vốn cho người lao động

Xuất khẩu lao động là giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân nhưng chi phí tham gia XKLĐ là một gánh nặng tài chính đối với người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng người dân giải tỏa sự lo lắng này, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ người dân thực hiện mong muốn tìm việc làm, tăng thu nhập từ XKLĐ.

Chị Phạm Thị Sơ ở xã Ba Dinh (Ba Tơ) nhận hợp đồng tín dụng vayxuất khẩu lao động từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Chị Phạm Thị Sơ ở xã Ba Dinh (Ba Tơ) nhận hợp đồng tín dụng vayxuất khẩu lao động từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chị Phạm Thị Sơ, thôn Gò Ghềm, xã Ba Dinh (Ba Tơ) là 1 trong 5 lao động ở huyện được đi XKLĐ sang Nhật Bản trong đầu năm 2023. Khi biết con gái đã đậu vòng sát hạch và được phía công ty ở Nhật Bản nhận vào làm việc, cha chị Sơ là ông Phạm Văn Phít rất lo lắng vì khoản kinh phí phải chi trả khi xuất cảnh khá lớn. May mắn được tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương giới thiệu, ông Phít đã kịp thời tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ chương trình XKLĐ theo diện người dân tộc thiểu số. “Đối với người dân miền núi như chúng tôi để có số tiền cả trăm triệu đồng đi XKLĐ là rất khó. Cũng nhờ có Ngân hàng CSXH cho vay mà con tôi mới có điều kiện sang Nhật Bản làm việc. Vừa rồi con tôi có gọi điện về bảo công việc bên đó ổn định, hòa nhập tốt, lương cao, tôi rất mừng”, ông Phít chia sẻ.

Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Tơ, từ tháng 5/2023 đến nay, ngân hàng đã giải ngân cho vay 5 trường hợp đi XKLĐ ở Nhật Bản, với số tiền 320 triệu đồng. Hiện dư nợ chương trình này đạt 446 triệu đồng, với 7 khách hàng còn dư nợ. Lãi suất cho vay đi XKLĐ hiện 6,6%/năm. Mức cho vay tối đa bằng 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã ký kết. Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Tơ Trần Thanh Hoàng cho biết, ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để cho vay XKLĐ. Khi hộ vay có nhu cầu, ngân hàng sẽ hướng dẫn người vay hoàn chỉnh thủ tục vay vốn. Việc giải quyết thủ hồ sơ được thực hiện nhanh chóng. 

Cán bộ ngân hàng tư vấn vay vốn chính sách cho người dân Ba Tơ tham gia xuất khẩu lao động.
Cán bộ ngân hàng tư vấn vay vốn chính sách cho người dân Ba Tơ tham gia xuất khẩu lao động.

Niềm vui của người đi xuất khẩu lao động

Xuất khẩu lao động để tìm việc làm ổn định, phù hợp, có thu nhập cao là mong ước của người dân huyện miền núi Ba Tơ, nhất là người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số. Và thực tế, nhiều người đã chạm vào mơ ước ấy khi có thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng/tháng, thậm chí là 70 - 120 triệu đồng/tháng.

Chúng tôi đến gia đình của chị Dương Hồ Muội, ở tổ dân phố Đá Bàn, thị trấn Ba Tơ khi chị vừa kết thúc làm việc theo hợp đồng ở thị trường Nhật Bản 3 năm. Chị Muội cho biết, 3 năm qua Nhật Bản làm việc cho một công ty chuyên sản xuất hàng tiêu dùng, thu nhập ổn định hằng tháng của chị khoảng 50 triệu đồng. Số tiền này gần như là chị để dành, vì toàn bộ chi phí ăn, ở công ty đã hỗ trợ. Nhờ nguồn tiền mà chị Muội gửi về, gia đình đã làm lại nhà, mua sắm công cụ sản xuất, gia súc để nuôi. Chị Muội cho biết, sau khi sắp xếp được công việc gia đình, chị sẽ tiếp tục đăng ký đi Nhật Bản làm việc.

 Anh Phạm Văn Sinh cũng ở tổ dân phố Đá Bàn, thị trấn Ba Tơ, làm việc theo hợp đồng ở thị trường Nhật Bản 5 năm, với mức thu nhập ổn định khoảng 70 - 120 triệu đồng/tháng. Sau khi hết hạn hợp động, đã về nước, với số vốn tích lũy được, anh Sinh đã tạo dựng cuộc sống ổn định. Hay như anh Phạm Văn Du, ở thôn Ba Ha, xã Ba Xa (Ba Tơ), làm việc theo hợp đồng ở Nhật Bản 3 năm, với mức thu nhập ổn định khoảng  30 - 35 triệu đồng/tháng. Sau khi hết hợp đồng, anh Du về nước và tiếp tục gia hạn, hiện vẫn đang làm việc ở Nhật Bản.

Còn anh Lý Quốc Cường (tổ dân phố Đá Bàn, thị trấn Ba Tơ), làm việc ở Nhật Bản 3 năm, với mức thu nhập ổn định khoảng trên 30 triệu đồng/tháng, khi hết hạn hợp đồng, về lại Ba Tơ, anh đã mở được cửa hàng bán dụng cụ sản xuất nông nghiệp, cuộc sống khá ổn định.

Ngoài ra, có những gia đình, cả hai vợ chồng tham gia XKLĐ như anh Nguyễn Văn Tuấn và chị Nguyễn Thị Hằng, ở thị trấn Ba Tơ, đều sang Nhật Bản làm việc, tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 70 - 80 triệu đồng/tháng.

Bài, ảnh: T.NHỊ - H.HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 22:09, 28/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.