6 lỗi cử chỉ cần khắc phục trước khi phỏng vấn

15:15, 15/08/2023
.

Trên hành trình xin việc, một CV tốt rất quan trọng nhưng đó chỉ là bước đầu để bạn chinh phục nhà tuyển dụng. Mọi việc sẽ được quyết định trong buổi phỏng vấn xin việc và nó quyết định đến 70% tỷ lệ thành công của bạn.
 
Tuy nhiên, đôi khi chỉ vì vài lỗi cử chỉ thiếu chuyên nghiệp, chúng ta không thể tạo được ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng và tự đánh mất cơ hội việc làm phù hợp mà có khó lắm mới tìm thấy trên các trang tìm việc uy tín. Hãy thử xem bạn có đang mắc phải 1 trong 6 lỗi cử chỉ “chết người” dưới đây không, và hãy khắc phục nó trước khi bước vào buổi phỏng vấn quan trọng nhé.

 


Nghịch tóc, vuốt mặt

Đây có thể là hành động rất bình thường nếu bạn giao tiếp với người thân, bạn bè. Tuy nhiên, nếu là trong một buổi phỏng vấn thì đây lại là những hành vi thừa thãi.

Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn đang không tập trung vào buổi phỏng vấn và có thái độ thờ với công việc đang ứng tuyển. Chính vì vậy, nếu bạn thường xuyên có những hành động này, hãy khắc phục nó ngay trước khi bước vào buổi phỏng vấn. Tay nên để trên đùi hoặc trên bàn trong tư thế thoải mái và hạn chế tối đa nghịch tóc, vuốt mặt trong suốt buổi phỏng vấn nhé.

Ngồi chống cằm

Đây là một trong những lỗi cử chỉ cần khắc phục trước khi phỏng vấn. Hành động ngồi chống cằm cho dù là bạn đang làm một bài thi trực tiếp trong buổi phỏng vấn cũng không nên có, huống hồ là đang đối thoại trực tiếp với nhà tuyển dụng. Khi nhà tuyển dụng thấy được hành vi này của bạn, họ sẽ sẵn sàng loại bạn ngay vì cho rằng bạn thiếu nghiêm túc và khá bất lịch sự.

 

Tư thế ngồi thiếu sự trang nghiêm

Tư thế ngồi cũng là một trong những cử chỉ cho thấy được tính cách và trạng thái tâm lý của bạn. Khi ngồi ngả người ra sau, tựa lưng vào ghế sẽ khiến bạn trở thành một người trịch thượng và hơi kiêu ngạo, kiểu quá tự tin về bản thân mình. Còn ngồi chồm người về trước quá nhiều lại khiến nhà tuyển dụng khó chịu, cảm giác như bạn đang chồm người và nhìn chằm chằm về phía họ.

Chính vì vậy, bạn nên tập ngồi thẳng người, hơi tựa lưng vào ghế và có thể hơi hướng người về trước một chút. Hành động này thể hiện bạn đang rất chú ý đến buổi phỏng vấn xin việc và cũng giúp bạn tự tin, thoải mái nhất.

Trạng thái lo lắng, bồn chồn

Khi phỏng vấn, áp lực là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trạng thái bồn chồn lo lắng là điều mà bạn nên tuyệt đối tránh. Vì khi mang tâm trạng này, các cử chỉ của bạn sẽ phản ánh ngay. Rất nhiều bạn vì lo lắng mà trong cuộc phỏng vấn phát sinh các hành vi như ngồi ngọ nguậy, rung đùi, rung chân, đan tay vào nhau, nhìn ngang ngó dọc, mắt láo liên, nói lắp…
 
Vô tình, những cử chỉ này khiến bạn rất lúng túng và càng không thể tập trung được vào nội dung cuộc phỏng vấn. Những cử chỉ này chỉ khiến nhà tuyển dụng “say no” với bạn. Và cho dù có một CV rất lung linh, nhưng phần thể hiện kém thì bạn cũng khó tạo được thiện cảm và cạnh tranh được với các ứng viên khác. 

 

Sử dụng quá nhiều cử chỉ tay

Khoa chân múa tay không ngừng đôi khi là hành động thể hiện sự nhiệt tình. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn, nơi cần sự nghiêm túc, điều này có thể gây phản cảm và gây hiệu ứng ngược. Nó khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bạn quá phô trương, hoặc trẻ con, hoặc là tính tình thiếu sự thận trọng, tỉ mỉ. Nó cũng khiến cuộc trò chuyện bị xao nhãng và khả năng bạn bị đánh rớt là rất cao.
 
Do đó, trước khi đi phỏng vấn, bạn hãy tập ngồi trước gương, tưởng tượng đang trò chuyện với nhà tuyển dụng và kiềm chế các động tác tay của mình. Luyện tập cho đến khi bạn hoàn toàn có thể kiểm soát chúng và chắc chắn bạn sẽ có được buổi phỏng vấn suôn sẻ nhất.

Không giao tiếp bằng mắt

Kỹ năng giao tiếp bằng mắt rất quan trọng trong giao tiếp nói chung và phỏng vấn nói riêng. Ánh mắt cho thấy chất lượng tương tác. Hãy nhìn thẳng, đối diện với ánh mắt trung thực sẽ giúp nhà tuyển dụng thấy được bạn là một người tự tin. Ngược lại, không dám nhìn vào mắt nhà tuyển dụng cho thấy bạn là một người khép kín, rụt rè. Do đó, nếu bạn đang mắc lỗi giao tiếp bằng mắt thì hãy luyện tập nó trước khi chính thức bước vào cuộc phỏng vấn.
 
Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu 6 cử chỉ cần khắc phục trước khi phỏng vấn. Hành động, cử chỉ của bạn đóng vai trò quan trọng giúp tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng cũng như thể hiện tác phong chuyên nghiệp của mình. Hãy khắc phục ngay các cử chỉ nào bạn chưa ổn, và thật tự tin với cuộc phỏng vấn xin việc sắp tới nhé!


 
PHA LÊ

Xuất bản lúc: 15:15, 15/08/2023

Ý kiến bạn đọc


.