Các địa phương hưởng ứng Lễ phát động Phong trào chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh 

18:22, 28/07/2023
.

(Baoquangngai.vn)- Chiều 28/7, UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động Phong trào chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. 

Lễ phát động được UBND tỉnh tổ chức tại Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh và kết nối trực tuyến qua hệ thống hội nghị truyền hình đến 13 điểm cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và 173 điểm cầu cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham dự lễ phát động tại Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh.
Các đại biểu tham dự lễ phát động tại Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh. Ảnh: T.HẬU

Tại điểm cầu huyện Trà Bồng, tham dự lễ phát động có Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hoàng Anh Ngọc cùng đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.

Phát biểu hưởng ứng lễ phát động, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hoàng Anh Ngọc nhấn mạnh, huyện Trà Bồng xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu, là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chính vì vậy, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52, Thủ tướng Chính ban hành Quyết định số 749 phê duyệt “Chương trình CĐS Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch số 119, thì Huyện ủy, UBND huyện Trà Bồng cũng đã ban hành các văn bản quán triệt, triển khai thực hiện và đã đạt được một số kết quả nhất định.

Đại biểu tham dự lễ phát động tại điểm cầu UBND huyện Trà Bồng (Ảnh: Nhị Phương).
Đại biểu tham dự lễ phát động tại điểm cầu UBND huyện Trà Bồng. Ảnh: NHỊ PHƯƠNG

Đẩy mạnh phát triển Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện đã ban hành 8.090 văn bản đi điện tử, tính cả văn bản được gửi song song với bản giấy đạt 94%. UBND các xã, thị trấn ban hành 5.963 văn bản đi điện tử dưới dạng ký số, tính cả văn bản được gửi song song với bản giấy đạt 98%; 100% các văn bản chỉ đạo điều hành của UBND huyện được công khai trên Cổng Thông tin điện tử của huyện; 100% cán bộ, công chức tại đơn vị đều được cấp tài khoản thư điện tử của tỉnh.

Thực hiện nghiêm túc việc giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, đến nay huyện đã tiếp nhận và trả 1.410 hồ sơ cho tổ chức, cá nhân. Huyện đã thành lập 96 Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) các cấp…

Lễ phát động được kết nối trực tuyến đến 13 điểm cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và 173 điểm cầu cấp xã trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: N.ĐỨC)
Lễ phát động được kết nối trực tuyến đến 13 điểm cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và 173 điểm cầu cấp xã trên địa bàn tỉnh. Ảnh: N.ĐỨC

Tại điểm cầu huyện Tư Nghĩa, tham dự lễ phát động có Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Đoàn Việt Vân cùng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.

Để thực hiện công tác CĐS trên địa bàn, huyện Tư Nghĩa đã quán triệt, tổ chức thực hiện các văn bản của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Huyện ủy về công tác CĐS đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn. 

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của nhân dân, công tác CĐS của huyện Tư Nghĩa đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay, 100% xã, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS; 100% cơ quan đơn vị hành chính - sự nghiệp thuộc UBND huyện và UBND các xã, thị trấn đã thực hiện phân công cán bộ phụ trách, kiêm nhiệm về công tác CĐS và đảm bảo an toàn thông tin mạng; 100% xã, thị trấn và cấp thôn, tổ dân phố đã thành lập Tổ CNSCĐ; 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, cấp xã đều được công khai trên Trang thông tin điện tử của địa phương.

Đại biểu tham dự lễ phát động tại điểm cầu UBND huyện Tư Nghĩa. (Ảnh N.Đức)
Đại biểu tham dự lễ phát động tại điểm cầu UBND huyện Tư Nghĩa. Ảnh: N.ĐỨC

Các cơ quan, địa phương trên địa bàn huyện sử dụng hiệu quả các Hệ thống dùng chung của tỉnh để quản lý, điều hành và xử lý công việc. Công tác phát triển Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, xã hội số… được huyện Tư Nghĩa chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả.

Hưởng ứng phong trào CĐS trên địa bàn Quảng Ngãi trong thời gian tới, huyện Tư Nghĩa sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng khai thác, sử dụng nền tảng số cho thành viên Tổ CNSCĐ cấp xã và thành viên Tổ CNSCĐ trên địa bàn thôn, tổ dân phố, tăng cường vai trò của Tổ CNSCĐ các cấp; triển khai thử nghiệm IOC huyện Tư Nghĩa; tiếp tục đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn; khuyến khích người dân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về CĐS nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, người dân, các tổ chức, doanh nghiệp về triển khai thực hiện CĐS và nâng cao chỉ số xếp hạng DTI của huyện trong năm 2023. Thiết lập các điểm hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ thông tin từ các nguồn kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia…

Tại điểm cầu huyện Mộ Đức, tham dự lễ phát động có Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Võ Lâm cùng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.

Thực hiện Chương trình CĐS Quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 của tỉnh, UBND huyện Mộ Đức đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo CĐS huyện. Trên địa bàn huyện có 13/13 xã, thị trấn và 68/68 thôn, tổ dân phố đã thành lập Tổ CNSCĐ, với tổng số 498 thành viên do lực lượng đoàn thanh niên cơ sở làm nòng cốt. Sau khi được thành lập, các Tổ CNSCĐ đi vào hoạt động, thường xuyên được củng cố, kiện toàn để đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Đại biểu tham dự lễ phát động tại điểm cầu UBND huyện Mộ Đức. (Ảnh B.Hòa)
Đại biểu tham dự lễ phát động tại điểm cầu UBND huyện Mộ Đức. Ảnh: BẢO HÒA

Huyện Mộ Đức đã triển khai thực hiện quy trình ký số khép kín trong lãnh đạo UBND huyện, các phòng ban và các xã, thị trấn; chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; đẩy mạnh thực hiện số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, duy trì hệ thống phòng họp không giấy, hệ thống truyền hình trực tuyến 14 điểm cầu từ huyện đến xã. Chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ hệ thống một cửa điện tử liên thông, hoàn thiện việc tích hợp với các hệ thống thông tin dùng chung, chia sẻ với hệ thống thông tin của trung ương và địa phương nhằm hạn chế việc người dân phải gửi các giấy tờ liên quan nhiều lần.

Tích cực hưởng ứng lễ phát động CĐS do UBND tỉnh tổ chức, huyện Mộ Đức chú trọng phát huy vai trò gương mẫu, tiên phong của đội ngũ công chức, viên chức thực hiện CĐS trong công việc và trách nhiệm công dân khi đăng ký thực hiện các thủ tục hành chính. Cùng với việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến tại bộ phận một cửa huyện, các xã, thị trấn, việc chú trọng chỉnh lý, số hóa hồ sơ trên địa bàn huyện thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Võ Lâm cho biết, huyện Mộ Đức đã xây dựng kế hoạch hưởng ứng Tuần lễ CĐS tỉnh Quảng Ngãi năm 2023 trên địa bàn huyện, chỉ đạo mỗi thành viên Tổ CNSCĐ xã, thôn, tổ dân phố trong thời gian 7 ngày (kể từ ngày UBND tỉnh tổ chức lễ phát động), thực hiện hướng dẫn tối thiểu cho 7 người dân về kỹ năng khai thác và sử dụng các nền tảng số như: Dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh và Cổng dịch vụ công Quốc gia; phương thức thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính, các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Đối với kế hoạch cao điểm 30 ngày đêm (từ ngày 5/8/2023 đến ngày 5/9/2023) về thúc đẩy, nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn huyện Mộ Đức, hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Tại điểm cầu huyện Bình Sơn, có trên 250 cán bộ, công chức, viên chức tham dự Lễ phát động Phong trào CĐS do tỉnh tổ chức theo hình thức tuyến. Trong đó, có 1 điểm cầu chính được tổ chức ở trụ sở UBND huyện và 22 điểm cầu tại các xã, thị trấn. 

Cán bộ, công chức, thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng ở xã Bình Trị (Bình Sơn) tham gia lễ phát động tại điểm cầu xã Bình Trị. (Ảnh Nguyên Hương)
Cán bộ, công chức, thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng ở xã Bình Trị (Bình Sơn) tham gia lễ phát động tại điểm cầu xã Bình Trị. Ảnh: NGUYÊN HƯƠNG

Sau khi hưởng ứng lễ phát động, huyện chỉ đạo mỗi thành viên Tổ CNSCĐ các cấp trên địa bàn huyện thực hiện hướng dẫn tối thiểu cho 7 người dân về kỹ năng khai thác và sử dụng các nền tảng số như: Dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh và Cổng dịch vụ công Quốc gia; phương thức thanh toán trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Quảng Ngãi; các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. 

Hiện tại, huyện Bình Sơn đã thành lập 1 Tổ CNSCĐ cấp huyện, 22 Tổ CNSCĐ cấp xã, thị trấn và 120 Tổ CNSCĐ thôn, tổ dân phố, với gần 650 thành viên tham gia.

Tại điểm cầu huyện Nghĩa Hành, tham dự lễ phát động có Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Nguyễn Ngọc Tuấn cùng cán bộ, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.

Thời gian qua, huyện Nghĩa Hành tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, hướng dẫn người dân trong độ tuổi trưởng thành trở lên thực hiện chữ ký số, chữ ký điện tử; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp từng bước tiếp cận sử dụng chữ ký số trong giao dịch hành chính, thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến. Ban Chỉ đạo CĐS  huyện cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương hỗ trợ cài đặt, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng chữ ký số, chữ ký điện tử cá nhân trên địa bàn huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích và tính pháp lý của chữ ký số trong hoạt động đăng ký và cung cấp thông tin, thời gian đến huyện tập trung thực hiện quy trình giải quyết TTHC “5 bước trên môi trường điện tử” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả) gắn với việc áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết. Hướng dẫn người dân thực hiện số hóa, ký số đối với thành phần hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC, sau đó phải số hóa hồ sơ trả kết quả TTHC theo quy định. 

Đến nay, huyện Nghĩa Hành cung cấp 53 TTHC dịch vụ công trực tuyến cấp huyện, trong đó có 40 TTHC mức độ 3 và 13 TTHC mức độ 4; cấp xã có 19 TTHC, trong đó có 15 TTHC mức độ 3 và 4 TTHC mức độ 4. Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 66,4% so với số hồ sơ thuộc các lĩnh vực đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đối với hồ sơ lĩnh vực đất đai của hộ gia đình, cá nhân đã tiếp nhận 668 hồ sơ trực tuyến.

Tại điểm cầu TX.Đức Phổ, tham dự lễ phát động có Phó Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ Võ Thanh Hùng cùng cán bộ, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.

Theo báo cáo về công tác CĐS trên địa bàn, từ đầu năm đến nay TX.Đức Phổ đã hoàn thành việc triển khai trục liên thông giữa 4 cấp (trung ương, tỉnh, thị xã và các xã, phường) cho các phòng, ban, đơn vị, hội, đoàn thể, địa phương. Hoàn thành việc triển khai sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước trong kết nối các hệ thống thông tin chính quyền điện tử và liên thông, chia sẻ dữ liệu.

Trên 40% số lượng người dân và doanh nghiệp có tham gia hệ thống thông tin chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ tỉnh đến thị xã. 100% phần mềm quản lý văn bản và điều hành (iOffice) của thị xã được kết nối, liên thông qua trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử (không bao gồm văn bản mật); 80% hồ sơ công việc tại thị xã và 60% hồ sơ công việc tại xã, phường được xử lý trên môi trường mạng.

Các đại biểu tham dự lễ phát động tại điểm cầu UBND TX.Đức Phổ. (Ảnh: X.HIẾU)
Các đại biểu tham dự lễ phát động tại điểm cầu UBND TX.Đức Phổ. Ảnh: X.HIẾU

Hiện nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 16 TTHC. Trong đó, tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (từ tháng 8/2022 đến hết quý I/2023) là 2.661 hồ sơ; 100% hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện thông qua hệ thống thông tin một cửa thị xã và các xã, phường. 

Đẩy mạnh thanh toán điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thanh toán không tiền mặt trên địa bàn, UBND thị xã đã triển khai thực hiện thanh toán trực tuyến thuế, lệ phí trước bạ về đất đai (năm 2022 và quý I/2023) cho 1.112 lượt người, với tổng số tiền hơn 46 tỷ đồng. Qua đó, giúp người dân tiết kiệm được tối đa thời gian đi lại để thực hiện thanh toán tại ngân hàng, kho bạc và được đa số người dân đồng tình, ủng hộ. TX.Đức Phổ cũng đã thành lập 99 Tổ CNSCĐ các cấp với 615 thành viên.

Thời gian đến, TX.Đức Phổ tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về CĐS để nâng cao nhận thức trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân về triển khai thực hiện CĐS, tạo sự đồng thuận trong xã hội để triển khai đồng bộ, hiệu quả chuyển đổi số trên địa bàn. Hướng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp; nâng cao ý thức sử dụng các nền tảng số từ cá nhân, gia đình đến toàn xã hội, góp phần hình thành xã hội thông tin, gắn kết với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho người sử dụng.

Tại điểm cầu TP.Quảng Ngãi, ngay sau khi tham dự Lễ phát động Phong trào CĐS trên địa bàn tỉnh theo hình thức trực tuyến tại trụ sở UBND xã, phường; thành viên các Tổ CNSCĐ cấp xã, cấp thôn của TP.Quảng Ngãi đã ra quân hướng dẫn người dân về kỹ năng khai thác và sử dụng các nền tảng số. 

Quang cảnh lễ phát động tại điểm xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi). (Ảnh: Ý THU)
Quang cảnh lễ phát động tại điểm xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Ý THU

Tại xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi), các thành viên của Tổ CNSCĐ cấp xã, cấp thôn túc trực tại Bộ phận một cửa xã Tịnh Long, hướng dẫn, thông tin đến người dân về Dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh.

 Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng thôn An Đạo, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) hướng dẫn người dân về dịch vụ công trực tuyến ngay sau lễ phát động. (Ảnh: Ý THU)
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng thôn An Đạo, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) hướng dẫn người dân về dịch vụ công trực tuyến ngay sau lễ phát động. Ảnh: Ý THU

“Sau khi tham gia lễ phát động, nghe lãnh đạo tỉnh thông tin về những mặt đạt được của công tác CĐS trên địa bàn tỉnh, trong đó nổi bật là xã hội số, tôi càng thêm quyết tâm đồng hành, hỗ trợ các cô, bác lớn tuổi tham gia, sử dụng các nền tảng số. Qua đó, giúp mọi người thấy được hiệu quả và dần trở nên thành thạo hơn trên môi trường số”, chị Đỗ Thị Bích Quý, thành viên Tổ CNSCĐ thôn An Đạo, xã Tịnh Long, bày tỏ. 

Tổ phó Tổ Công nghệ số cộng đồng xã Nghĩa phú Đặng Trung Giang đi cơ sở, hỗ trợ người dân thực hiện ứng dụng sô ngay sau Lễ phát động. (Ảnh: Ý THU)
Tổ phó Tổ Công nghệ số cộng đồng xã Nghĩa Phú Đặng Trung Giang đi cơ sở, hỗ trợ người dân thực hiện ứng dụng số ngay sau lễ phát động. Ảnh: Ý THU

Còn tại xã Nghĩa Phú, ngay sau lễ phát động, thành viên của Tổ CNSCĐ xã Nghĩa Phú đã xuống tận thôn, thông tin, hướng dẫn người dân, đặc biệt là ngư dân về lợi ích và cách sử dụng một số ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. 

“Theo nội dung Kế hoạch tổ chức Lễ phát động Phong trào CĐS trên địa bàn tỉnh, mỗi thành viên Tổ CNSCĐ các cấp, trong thời gian 7 ngày kể từ Lễ phát động, thực hiện hướng dẫn tối thiểu cho 7 người dân về kỹ năng khai thác và sử dụng các nền tảng số, Tổ CNSCĐ xã Nghĩa Phú tiến hành ra quân ngay để hướng dẫn người dân. Nhiều người dân, đặc biệt là các ngư dân tại địa phương, còn ngại ngần trong sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, nên chúng tôi chọn lĩnh vực này để tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân”, Bí thư Đoàn xã Nghĩa Phú Đặng Trung Giang cho biết. 

Thực hiện: NHÓM PV - CTV

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Xuất bản lúc: 18:22, 28/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.