(Báo Quảng Ngãi)- Tôi còn nhớ, khoảng tháng 2/1971, khi tôi đang hành quân xuyên Trường Sơn, một đêm mắc võng cùng đồng đội nằm bên ngã ba lá vàng khô rụng đầy, do chưa ngủ nên nằm nghe một anh có radio mở chương trình "Tiếng thơ" của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chợt tôi nghe giọng đọc đang thể hiện một bài thơ viết về Trường Sơn, cứ như đang viết về cảnh chúng tôi nằm ngủ ở một ngã ba rừng.
Tôi nhớ ngay một đoạn thơ: "Ai dừng chân nơi đây/ Đá vẫn nguyên hình bếp lửa/ Đồng chí nào chia tay nơi đây?/ Ngã ba rừng hoang lá đầy/ Ôi những con đường chỉ một lần qua/ Hai mươi năm biết ai còn nhớ/ Nhưng từ đó cây hoang rừng già/ Thương mãi đàn con gian khổ/ Đất nhớ chân người thiết tha”...
Bài thơ hay quá, mà hợp cảnh với mình quá, nên từng câu thơ giản dị ấy ám ảnh tôi, khiến tôi nảy ra một ước mơ: Nếu trên đường Trường Sơn này, mình cũng viết được một bài thơ, rồi được phát trong chương trình "Tiếng thơ" của đài, thầy má mình ở Hà Nội sẽ nghe được bài thơ của con trai, thì hạnh phúc biết bao nhiêu. Ước mơ ấy, mãi sau này tôi mới thực hiện được, nhưng bài thơ tôi nghe giữa đêm khuya trên rừng Trường Sơn, bài thơ đã gợi cho tôi ước mơ ấy, thì tôi không thể quên. Đó là bài thơ "Tôi đi trên những con đường rừng cũ" của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Nhân Kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024), con đường mang tên Hồ Chí Minh, biết bao kỷ niệm lại ùa về trong tôi. Tôi lại nhớ tới kỷ niệm một bài thơ của tác giả về sau là bạn mình. Xem ra, một bài thơ thấm đượm vào lòng người đọc không chỉ nhờ thơ hay, mà còn nhờ quang cảnh mà người đọc nắm bắt được trong bài thơ đó nữa. Nếu sau này tôi nghe bài thơ của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường vào lúc mình đang thảnh thơi chăn ấm nệm êm, thì chắc gì bài thơ thấm vào mình như khi mình mắc võng trên rừng Trường Sơn đêm khuya mà nghe bài thơ ấy. Có hai câu thơ trong bài thơ khiến tôi nhớ: “Ai người xưa một lần qua đây/ Đang cùng tôi có mặt đêm nay”, cái “tôi” của tác giả đột nhiên thành cái “tôi” của mình. Có cảm giác như mình đang gặp những “người xưa một lần qua đây”. Trong không gian chật chội của một ngã ba rừng, chợt thời gian như rộng dài tới vô hạn.
Ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5) là ngày mà hàng chục vạn người kháng chiến cũ, những người lính đã đi xuyên Trường Sơn ra chiến trường, nay còn được sống, sẽ nhớ lại bao nhiêu chuyện mình đã trải qua trên con đường vĩ đại này. Với tôi, thật khó hình dung ngày thanh xuân ấy mình đã đi tới hai nghìn cây số xuyên rừng xuyên núi, đèo cao dốc ngược, vực thẳm... đủ cả vui buồn, sướng khổ, bệnh tật, đói khát. Vậy mà cứ dứt cơn sốt rét là vùng dậy đi... Cuối cùng, cũng tới đích, là chiến trường Nam Bộ. May mà không ngã xuống dọc đường vì sốt rét ác tính hay vì bom rải thảm của quân đội Mỹ.
Nhớ đường 559, rồi đường 470, hai con đường xuyên rừng già đất Lào rồi đất rừng Campuchia, nhớ những người bạn thu dung vì sốt rét cùng “hành quân nhóm”, “hành quân cặp” với mình, khi nào lên cơn sốt thì ghé vào trạm xá, hết sốt lại lên đường. Đi qua mỗi ngày mỗi trạm, đi qua mấy ngày một binh trạm, cứ thế, giao liên dẫn chúng tôi đi, ngày đi đêm nghỉ, như một dòng sông nước chảy không ngừng.
Mỗi trạm dừng nghỉ qua đêm cứ như mỗi quán trọ ven đường mà ngày xưa cha ông mình đã đi trên con đường xuyên Việt, con đường mở cõi. Hơn một dòng sông, đường Trường Sơn là một dòng sống duy nhất trong những tháng năm gian khổ nhất, mà nếu thiếu dòng sống này, chúng ta làm sao có được ngày 30/4/1975! Nhớ Trường Sơn bằng nỗi nhớ một bài thơ của bạn, với tôi là cơ hội tỏ bày qua thơ bạn những ký ức của riêng mình.
Đây là 4 câu thơ kết thật đẹp của bài thơ "Tôi đi trên những con đường rừng cũ" của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, một bài thơ mà tôi là thính giả tình cờ nhưng trung thành từ 53 năm trước tới giờ: “Người trước qua đây hành quân giết giặc/ Người sau qua đây thấy dấu ông cha/ Trên vết chân người nhọc nhằn gian khổ/ Loài lan rừng mùa xuân nở hoa”.
THANH THẢO
TIN, BÀI LIÊN QUAN: