(Báo Quảng Ngãi)- Hằng năm, Quảng Ngãi dành hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện chi đầu tư công, nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Khi được phân bổ vốn, các đơn vị bám sát quy định, bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên.
Đó là, bố trí vốn cho dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn. Tiếp đến là vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; dự án khởi công mới...
Quy định là vậy, nhưng trong thực tế, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn xảy ra tình trạng khi được phân bổ vốn, các đơn vị chưa thực sự quan tâm bố trí trả hết nợ cũ của chương trình, dự án đã xác định được nợ. Đồng thời, chưa thực sự quan tâm vốn bố trí cho dự án chuyển tiếp theo tiến độ được phê duyệt. Vì thế đã xảy ra tình trạng nợ đọng kéo dài, gây khó khăn cho việc bố trí vốn để trả nợ.
Đơn cử như huyện Nghĩa Hành, đầu năm 2022, Thanh tra tỉnh đã chỉ ra khối lượng nợ đọng đầu tư công gần 94 tỷ đồng của hàng loạt dự án. Theo đại diện Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, sau gần 2 năm khắc phục, huyện Nghĩa Hành đã giải quyết trả nợ được khoảng 80 tỷ đồng. Hiện tại, chỉ còn nợ đọng 14 tỷ đồng, sẽ tiếp tục cân đối trả nợ trong năm 2024 và 2025.
Ngoài việc chi theo dự toán đã được duyệt, pháp luật cho phép việc chi đầu tư công còn được ứng trước dự toán ngân sách năm sau để thực hiện các dự án quan trọng, dự án cấp bách của địa phương thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn (mức ứng trước không quá 20% dự toán); đồng thời, khi phân bổ dự toán ngân sách năm sau phải bố trí đủ dự toán để thu hồi hết số đã ứng trước.
Tuy nhiên, hiện nay có một số địa phương ứng trước ngân sách nhưng việc hoàn ứng chậm trễ. Đơn cử như huyện Lý Sơn năm 2019 đã thực hiện ứng trước ngân sách hơn 26 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn ứng đầy đủ.
Đối với chi đầu tư công để khởi công dự án mới, theo quy định phải đáp ứng các yêu cầu là dự án cần thiết, nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn, đã bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định; bảo đảm bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt. Việc triển khai thực hiện quy định này, hiện chỉ có Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh là chấp hành tương đối nghiêm.
Trong đó, đối với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, trong tổng số vốn hơn 2.000 tỷ đồng được giao quản lý, Ban đã bố trí trả nợ hơn 100 tỷ đồng. Còn Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, đã bố trí trả nợ hơn 70 tỷ đồng trong tổng vốn được giao 760 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này tại một số huyện vẫn chưa nghiêm, nhất là đối với việc bố trí vốn cấp huyện để trả nợ phần vốn huyện đối với công trình kết hợp 2 nguồn vốn tỉnh và vốn huyện.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã ký văn bản yêu cầu tất cả các sở, ngành, địa phương rà soát các dự án hoàn thành thực hiện quyết toán, xác định khối lượng nợ để khẩn trương bố trí vốn trả nợ dứt điểm.
Các dự án đang triển khai có kế hoạch hoàn thành trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025, phải tính toán bố trí đủ vốn để đảm bảo thực hiện dứt điểm, tuyệt đối không để phát sinh nợ đọng. Vì thế, trong lập dự toán, kế hoạch chi đầu tư công năm 2024, các đơn vị cần thực hiện nghiêm chỉ đạo này, đảm bảo chi đầu tư công đúng quy định, hiệu quả.
THANH NHỊ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: