Coi trọng chữ tín trong kinh doanh 

17:06, 18/09/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Người trồng dưa hấu ở 2 huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn từng rơi vào hoàn cảnh tư thương đến đặt cọc khi ruộng dưa vừa trổ bông, cùng lời cam kết là sẽ bao tiêu toàn bộ số dưa của chủ ruộng sau khi thu hoạch. Sở dĩ tư thương làm như vậy vì giá dưa tăng cao. Thế nhưng khi dưa vào vụ, thị trường tiêu thụ bên Trung Quốc ngưng trệ, tư thương không thực hiện như cam kết, khiến nông dân khốn đốn. Ngược lại, cũng có trường hợp người trồng dưa đã nhận tiền cọc của tư thương này, nhưng lại bán cho mối khác, chấp nhận chịu phạt với người đã đặt cọc.

Mua bán kiểu này đang diễn ra với sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ. Mới đây, Bộ NN&PTNT đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với sự tham gia từ nhiều điểm cầu, gồm chủ vườn sầu riêng, các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sầu riêng... để tìm giải pháp khả thi nhằm chấm dứt tình trạng mua bán kiểu thiếu tính bền vững này.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, mỗi năm cây sầu riêng cung cấp cho thị trường khoảng 900 nghìn tấn trái. Thị trường các nước, nhất là Trung Quốc đang tiêu thụ mạnh trong những năm gần đây khiến diện tích sầu riêng tăng vọt. Bình quân mỗi năm, diện tích sầu riêng tăng khoảng 25%, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về khả năng "khủng hoảng thừa" của loại trái cây này.

Hiện nay, sầu riêng đang "sốt" chưa từng có, nhất là khi nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc được ký kết hồi tháng 7/2022, đã tạo cơ hội và động lực mạnh mẽ phát triển ngành hàng sầu riêng, làm gia tăng đáng kể thu nhập, lợi nhuận cho người nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi ngành hàng. Dự kiến trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả nước đạt trên 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Với giá ổn định từ 80 - 100 nghìn đồng/kg, mỗi héc ta sầu riêng, người nông dân lãi từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Có lẽ chưa có loại cây ăn quả nào mà "lãi khủng" như sầu riêng. Chính vì giá sầu riêng cao như vậy nên đã xuất hiện tình trạng tranh mua, tranh bán. Có những chủ vườn đã ký với hợp tác xã về "đầu ra" nhưng khi được giá, chủ vườn lại đem bán cho tư thương khiến kế hoạch của nhiều hợp tác xã bị vỡ. Nhiều chủ vườn cho rằng, tư thương năng động hơn, giá cả lại hợp lý hơn, nhất là mua bán rất nhanh chóng, trong khi hợp tác xã thì "đợi ngày" nên cơ hội về giá có thể bị bỏ qua. Lấy lý do như vậy, chữ "tín" trong trường hợp này bị phá vỡ, khiến không ít hợp tác xã lao đao.

Sầu riêng khác với các loại nông sản ngắn ngày nên các hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm cũng chỉ cam kết bằng chữ "tín" chứ không quá ràng buộc về giống, phân và hướng dẫn kỹ thuật để người nông dân phụ thuộc vào các cam kết. Tuy nhiên, bao tiêu nông sản luôn là "cam kết" đem lại sự yên tâm nhất cho người làm ra sản phẩm. 

Mua bán chụp giật có thể mang lại nguồn lợi nhất định trong một đôi vụ nhưng chắc chắn rằng sẽ không bền vững. Trong sản xuất, kinh doanh, cần phải đặt uy tín lên hàng đầu.

TRẦN ĐĂNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 17:06, 18/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.