(Báo Quảng Ngãi)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có Công điện về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”.
Theo công điện của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các cấp, ngành đã tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”... Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới, biến tướng, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Nguyên nhân chủ yếu do một bộ phận người dân vì nhiều lý do khác nhau có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản. Công tác tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của “tín dụng đen” còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý nhà nước một số lĩnh vực còn có sơ hở, thiếu sót để các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động...
Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý trên 700 vụ, 1.200 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, khởi tố trên 400 vụ và 800 bị can. Mới đây, Công an huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) khởi tố về hành vi cho vay nặng lãi, với mức lãi suất là 300%/năm. Còn Công an tỉnh Hòa Bình cũng khởi tố, tạm giam bị can liên quan tới vụ cho vay nặng lãi với lãi suất gấp từ 9 - 18 lần lãi vay ngân hàng. Tổng số tiền cho vay 35 tỷ đồng và thu lợi bất chính 15 tỷ đồng…
Tại Quảng Ngãi, thời gian quan, lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ, khởi tố nhiều đối tượng liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” trên địa bàn. Trong đó, có đối tượng cho vay với lãi suất từ 706% đến 1.460%/năm.
Thực tế cho thấy, dù lãi suất “trên trời”, nhưng “tín dụng đen” vẫn đang diễn biến ngày càng tinh vi, len lỏi vào cuộc sống dưới nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau, đẩy không ít người dân, người lao động vào vòng xoáy nợ nần và chuỗi ngày lo lắng, bất an, thậm chí bị khủng bố tinh thần.
Hiện nay, phương thức, thủ đoạn hoạt động của “tín dụng đen” hết sức tinh vi, gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý. Lực lượng công an khuyến cáo người dân không nên vay tiền qua các ứng dụng (app) trên Internet, các trang mạng xã hội. Khi phát hiện các app cho vay tiền có dấu hiệu nghi vấn cho vay lãi nặng, người dân liên hệ cơ quan công an gần nhất để cung cấp thông tin...
Có thể thấy, nhiều nạn nhân của hoạt động “tín dụng đen” là công nhân, lao động, người có thu nhập thấp hoặc thất nghiệp... Vì vậy, các cấp, ngành cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phương thức, thủ đoạn và hậu quả của “tín dụng đen” để công nhân, người lao động nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác. Ngành chức năng cần lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và hướng dẫn, hỗ trợ công nhân, người lao động tiếp cận các nguồn vay vốn an toàn, ưu đãi. Cùng với đó là có giải pháp tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, đặc biệt là đối tượng công nhân, người lao động...
Mong rằng, với công điện của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và nhận thức, sự chủ động của chính những người lao động sẽ là cơ sở để xã hội cùng tuyên chiến, ngăn chặn vấn nạn “tín dụng đen” trong thời gian tới.
UYÊN ANH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: