Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm việc với Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất

16:28, 05/04/2023
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 5/4, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đi khảo sát thực tế và làm việc với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) ở KKT Dung Quất. Đi cùng đoàn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương. Về phía tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã dự buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã báo cáo với Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về tình hình hoạt động của DQS kể từ khi bàn giao cho PVN. Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất thành lập ngày 20/2/2006, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Công ty hoạt động với ngành nghề kinh doanh chính là đóng mới và sửa chữa tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi. Vốn điều lệ đăng ký 3.758 tỷ đồng.
Thua lỗ trước thời điểm bàn giao cho PVN
Từ ngày 1/7/2010, DQS được chuyển giao từ Vinashin sang PVN theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thời điểm này, số lao động của DQS là 2.340 người. Do công tác sản xuất, kinh doanh bị đình trệ nên việc làm và đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tất cả 15 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 9.900 tỷ đồng đều bị tạm dừng, do công ty không có khả năng thu xếp và cân đối vốn. Đến ngày 20/6/2010, DQS lỗ khoảng 3.800 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 7.440 tỷ đồng.
Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm việc tại Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

Sau khi nhận chuyển giao nguyên trạng DQS từ Vinashin, PVN đã cấp 1.915 tỷ đồng vốn điều lệ cho DQS, hỗ trợ hơn 3.400 tỷ đồng để công ty trả nợ ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Tiến hành sáp nhập, giải thể, chuyển giao các đơn vị thành viên của DQS về các đơn vị trong nội bộ PVN có ngành nghề kinh doanh phù hợp. Đồng thời, tích cực chỉ đạo các đơn vị trong ngành tạo điều kiện để công ty hoạt động, tạo việc làm cho người lao động.

Cùng với đó, DQS đã chủ động mở rộng thị trường, làm việc với các chủ tàu trong và ngoài nước để tìm kiếm thêm các hợp đồng sửa chữa, giảm thiểu phụ thuộc vào các đơn vị trong ngành, từng bước vượt khó. Từ 2010 đến nay, tổng doanh thu DQS đạt 8.616 tỷ đồng. Tổng số lao động được tinh giản còn 657 người, có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, công ty vẫn có kết quả lợi nhuận âm, do còn các chi phí tiềm ẩn trước thời điểm chuyển giao và tồn tại tài chính chưa được xử lý triệt để lỗ hơn 2.600 tỷ đồng.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo tại buổi làm việc.
 
“Lỗ từ giai đoạn nhận bàn giao đến nay chủ yếu là do DQS phải xử lý các rủi ro tiềm ẩn phát sinh từ trước giai đoạn bàn giao. Nhưng tại thời điểm đó, bị hạn chế nên chúng tôi chưa xác định, khấu hao tài sản chưa cần dùng hoặc không có khả năng sử dụng và gánh chịu chi phí tài chính cao. Về cơ bản nếu không phải gánh chịu các khoản chi phí này, thì kết quả sản xuất, kinh doanh của DQS bù đắp được các khoản chi phí hoạt động”, Phó Tổng Giám đốc PVN Phạm Tiến Dũng cho biết.
Đề xuất phương án tái cơ cấu DQS
Tại buổi làm việc, lãnh đạo PVN đã trình bày các phương án xử lý DQS theo chỉ đạo của Chính phủ, gồm chuyển đổi sở hữu DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ; hoặc phá sản DQS theo quy định pháp luật.
Cụ thể, theo Quyết định số 1468 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/9/2017 phê duyệt “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương” (Đề án 1468), DQS phải được chuyển đổi sở hữu thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ. Đến nay, DQS đã thuê đơn vị thực hiện tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp; ký hợp đồng tư vấn pháp lý nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu xử lý tồn tại và tái cơ cấu doanh nghiệp theo hiện trạng của DQS; thực hiện các thủ tục thanh lý tài sản không cần dùng; đã thực hiện thanh lý thành công 9 gói vật tư thiết bị tồn kho, với tổng giá trị đã quyết toán hơn 44 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất đang có nhiều vướng mắc, tồn tại cần được giải quyết.
Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất đang có nhiều vướng mắc, tồn tại cần được giải quyết.
 
Phó Tổng Giám đốc PVN Phạm Tiến Dũng cho biết, các điều kiện thực hiện quy định tại Đề án 1468 chưa hoàn thành do tồn tại về pháp lý, thẩm quyền. Các tồn tại, vướng mắc về tình hình tài chính của DQS từ trước thời điểm bàn giao cho PVN còn chưa thể giải quyết hết. Ngoài ra, chưa tìm được đối tác phù hợp quan tâm nhận chuyển nhượng vốn. Vì những lý do trên, rất khó xử lý DQS theo phương án chuyển đổi sở hữu thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ.
Phương án 2 là phá sản DQS theo quy định pháp luật. Hiện PVN chưa triển khai phương án này, vì theo tính toán, khi phá sản DQS ở thời điểm hiện tại, PVN sẽ mất vốn hơn 5.700 tỷ đồng. Chi phí này chưa tính tới các khoản chi phí phải trả người lao động khi phá sản doanh nghiệp và giá trị tăng giảm của tài sản và công nợ. Hệ quả xã hội cùng lúc xảy ra là gần 700 người lao động mất việc làm, không có thu nhập. Phương án 2 có nhược điểm là không bảo toàn được vốn, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.
Trên tinh thần lựa chọn phương án giảm thiểu thiệt hại nhất cho nhà nước và đảm bảo việc làm, đời sống của hàng trăm lao động, PVN đề xuất phương án tái cơ cấu DQS; xử lý các vấn đề tài chính, tài sản, khoanh nợ, giãn nợ để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh phát biểu tại buổi làm việc.
Thảo luận tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đã đồng tình với phương án này. Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh nhấn mạnh, tỉnh mong muốn Chính phủ chọn phương án giải quyết những vướng mắc liên quan đến DQS càng sớm càng tốt, không để tình trạng này kéo dài. Quảng Ngãi đồng tình với đề xuất duy trì hoạt động DQS theo phương án tái cơ cấu. Trong quá trình giải quyết, tỉnh sẵn sàng thực hiện chỉ đạo của trung ương và tích cực hỗ trợ để DQS hoạt động. Qua đó, khai thác tối đa lợi thế của cảng nước sâu ở KKT Dung Quất và đảm bảo công tác an sinh xã hội, tạo việc làm cho người lao động của DQS.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhận định, tình hình tài chính mất cân đối của DQS đã diễn ra trong nhiều năm qua. Sau khi nhận chuyển giao DQS từ Vinashin, PVN đã nỗ lực vực dậy hoạt động của công ty. Chính phủ cũng đã tích cực chỉ đạo tháo gỡ khó khăn nhưng DQS vẫn không hoạt động như mục tiêu đề ra. Các ý kiến tại buổi làm việc đã nêu rõ những mặt được và chưa được của các phương án giải quyết DQS.
Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu kết luận tại buổi làm việc.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, sau buổi làm việc này, PVN, Ủy ban quản lý vốn tiếp thu các ý kiến trách nhiệm, xác đáng của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và UBND tỉnh Quảng Ngãi, hoàn thiện phương án xử lý DQS trình Thủ tướng Chính phủ thông qua để báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 6/2023. Yêu cầu đặt ra là báo cáo phải đảm bảo trung thực, khách quan, trình bày cụ thể phương án khả thi và tối ưu, bám sát theo chỉ đạo của Chính phủ tại Đề án 1468.
Các bộ, ngành trung ương phải phối hợp thật tốt, hỗ trợ tích cực PVN và có trách nhiệm giải quyết, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc xử lý dứt điểm DQS theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Những vướng mắc liên quan đến các thiết bị, tài sản cũng như đội ngũ lao động, đất đai liên quan cũng phải được giải quyết triệt để và công khai, minh bạch…
Một số hình ảnh Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đi khảo sát thực tế tại DQS:
Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trao đổi với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.
Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khảo sát thực tế tại DQS.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thăm hỏi, động viên người lao động DQS.
Tặng quà cho tập thể người lao động của DQS.
T.PHƯƠNG
 

Ý kiến bạn đọc


.